Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tin tức đời sống 3/4: Người đàn ông nguy kịch sau khi uống thuốc tiểu đường chứa chất cấm

  • Đinh Kim (T/h)
(DS&PL) -

Người đàn ông nguy kịch sau khi uống thuốc tiểu đường chứa chất cấm; Liên tiếp cứu sống 3 người bị ngừng tim… là những tin tức đời sống đáng chú ý ngày 3/4.

Người đàn ông nguy kịch sau khi uống thuốc tiểu đường chứa chất cấm

Báo Công An Nhân Dân đưa tin, sáng 2/4, bác sĩ Chu Đức Thành ở khoa Điều trị tích cực và Chống độc, Bệnh viện 19-8 (Bộ Công an) cho biết, bệnh viện vừa cứu sống nam bệnh nhân ngộ độc nguy kịch tính mạng sau khi uống thuốc trị tiểu đường có chứa chất cấm.

Trước đó, ông C.N.C (67 tuổi, Hà Nội) vào cấp cứu trong tình trạng đau bụng dữ dội, mệt lả. Kết quả xét nghiệm ban đầu cho thấy bệnh nhân nhiễm toan lactic nặng.

Theo người nhà bệnh nhân, ông C. có tiền sử tăng huyết áp, tiểu đường nhiều năm, có đi thăm khám và bác sĩ kê đơn thuốc. 3 tháng nay, ông nghe quảng cáo trên mạng có bài thuốc gia truyền (thuốc Nam dạng viên hoàn tán) giúp chữa khỏi tiểu đường nên ông đã mua về uống và xảy ra tình trạng trên.

Sau khi khai thác tìm hiểu kết hợp với thăm khám lâm sàng, nghi ngờ bệnh nhân bị ngộ độc, các bác sĩ lấy mẫu viên thuốc gửi tới Viện pháp y Quốc gia làm xét nghiệm. Kết quả cho thấy thuốc Nam mà ông C. sử dụng dương tính với độc chất Phenformin.

Theo bác sĩ Thành, đây là loại thuốc chữa đái tháo đường cũ, vì độc tính rất cao, gây biến chứng nhiễm acid máu, suy cơ quan, gây tử vong cho nhiều người nên thế giới đã thu hồi và cấm sử dụng từ những năm 1970.

Tuy nhiên, lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân, một số người đã trộn loại chất bị cấm này vào các thuốc chữa đái tháo đường "dởm" mạo danh các thuốc y học cổ truyền, thuốc nam, thực phẩm chức năng để bán ra thị trường và gây ngộ độc.

Sức khỏe bệnh nhân hiện ổn định. Ảnh: Công An Nhân Dân

Bệnh nhân nhanh chóng được điều trị thở máy, truyền dung dịch kiềm cân bằng pH máu, duy trì thuốc vận mạch liều cao và lọc máu liên tục cấp cứu. Tuy nhiên, bệnh nhân rơi vào tình trạng toan chuyển hóa nặng và suy đa tạng.

Trước diễn biến nguy kịch nhanh, ThS.BS Bùi Nam Phong - Trưởng khoa Điều trị tích cực và chống độc quyết định bằng mọi cách phải hồi sức cứu sống người bệnh. Ngay trong đêm, các bác sĩ khẩn trương triển khai kỹ thuật mới lọc máu hấp phụ độc tố bằng màng lọc than hoạt tính cho người bệnh.

Sau 48 giờ lọc máu liên tục kết hợp lọc máu hấp phụ độc tố, bệnh nhân đã thoát khỏi tình trạng nguy kịch, sau đó tiến triển tốt, tỉnh táo, thoát tình trạng sốc. Hiện tại, bệnh nhân ổn định sức khoẻ, chuẩn bị ra viện.

Nam bệnh nhân xúc động cảm ơn các bác sĩ, điều dưỡng khoa Điều trị tích cực và Chống độc Bệnh viện 19-8 đã tận tình cứu ông thoát khỏi “cửa tử”.

Ông cho biết, cách đây 7 năm, ông đã mua thuốc nam dạng viên hoàn tán trên mạng về uống. Theo quảng cáo, thuốc này là của thầy lang ở An Giang chữa tiểu đường hiệu quả, sau khi uống ông thấy chỉ số đường huyết giảm nên bỏ thuốc điều trị của bác sĩ kê mà chỉ uống thuốc nam.

Cách đây 3 tháng, ông chuyển sang mua thuốc tiểu đường “viên hoàn tán T” theo quảng cáo trên mạng của một cơ sở khác cũng ở An Giang (mẫu mã giống với thuốc mà ông vẫn mua 7 năm nay), ngày uống 4 viên, nếu đường huyết lên thì uống 6 viên.

Tuy nhiên, uống một thời gian, ông xuất hiện tình trạng huyết áp tăng cao, nhịp tim thấp, đi khám nhưng chưa tìm ra nguyên nhân. Vì không biết thuốc chứa chất độc nên ông C. vẫn tiếp tục uống cho tới ngày nhập viện.  

Bác sĩ Thành cho biết, tiểu đường là bệnh lý mạn tính phổ biến, chế độ dinh dưỡng và tập luyện thể lực hợp lý, kết hợp với việc dùng thuốc và theo dõi định kỳ tại các cơ sở y tế uy tín sẽ giúp người bệnh kiểm soát tốt đường huyết, ngăn ngừa biến chứng, nâng cao chất lượng cuộc sống; giúp người bệnh sống vui khỏe, lạc quan.

Để phòng tránh những biến chứng nguy hiểm, người bệnh tuyệt đối không nên nghe theo lời khuyên của những người không có chuyên môn, những quảng cáo trên internet, sử dụng các loại thuốc không rõ nguồn gốc, bỏ điều trị, làm các biến chứng ngày càng nặng nề và có thể nhiễm acid lactic nguy hiểm chết người như trong trường hợp ngộ độc chất cấm Phenformin nói trên.

Liên tiếp cứu sống 3 người bị ngừng tim

Theo báo Người Lao Động, ngày 2/4, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh cho biết trong tuần qua, bệnh viện đã liên tiếp cấp cứu thành công 3 trường hợp bệnh nhân bị ngừng tim do nhồi máu cơ tim cấp.

Trường hợp đầu tiên là bệnh nhân L.V.N (43 tuổi) nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở nhiều. Bệnh viện Đa khoa khu vực Cẩm Phả tiếp nhận cấp cứu với chẩn đoán bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp. Sau khi hội chẩn từ xa với bác sĩ Tim mạch của Bệnh viện Đa khoa tỉnh, bệnh nhân được nhanh chóng chuyển tuyến để tiếp tục điều trị.

Quá trình chuẩn bị chụp mạch vành kiểm tra, bệnh nhân đột nhiên rung thất liên tục và ngừng tim đột ngột. Ngay lập tức, các bác sĩ đã khẩn trương sốc điện ngoài lồng ngực giúp tim đập bình thường trở lại.

Sau khi người bệnh ổn định, kíp can thiệp tiếp tục đặt stent để tái thông lòng mạch bị hẹp tắc, khôi phục tưới máu cho cơ tim. Nhờ cấp cứu ngưng tim và can thiệp kịp thời, bệnh nhân đã vượt qua giai đoạn nguy hiểm.

Xúc động sau cơn thập tử nhất sinh, bệnh nhân N. chia sẻ: "Cơn đau dữ dội như bóp nghẹt trái tim tôi, khi cấp cứu tôi mất ý thức hoàn toàn. Khi tỉnh lại, tôi thấy các bác sĩ vẫn đang túc trực cứu chữa, lúc đó tôi mới hiểu mình vừa bước qua cửa tử. Điều đó khó mà diễn tả, cảm ơn các bác sĩ đã trao cho tôi một cuộc đời thứ hai".

Một trường hợp đặc biệt khác được chuyển từ đảo Quan Lạn, huyện Vân Đồn là ông B.V.Đ. (75 tuổi). 12 giờ trước khi vào Trung tâm Y tế Vân Đồn cấp cứu, ông đau tức ngực trái, đau lan lên vai trái kèm khó thở từng cơn.

Nhận định tình trạng nhồi máu cơ tim cấp trên nền bệnh phổi tắc nghẹn mãn tính (COPD), các bác sĩ hội chẩn cấp cứu từ xa và nhanh chóng chuyển bệnh nhân lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh tiếp tục điều trị.

Vừa nhập viện, ông Đ. đột ngột co giật, rung thất và ngừng tim. Chụp mạch kiểm tra cho thấy bệnh nhân bị tắc hoàn toàn động mạch liên thất trước đoạn 2, nhồi máu cơ tim cấp thành trước rộng biến chứng rối loạn nhịp tim trên nền bệnh COPD.

Bệnh nhân Đ.V.C hồi phục, tỉnh táo sau khi được kíp bác sĩ can thiệp thành công. Ảnh: Người Lao Động

Trường hợp cao tuổi nhất là ông Đ.V.C (81 tuổi, ở TP.Cẩm Phả). Bệnh nhân ở nhà xuất hiện cơn đau ngực sau xương ức, đau lan ra sau lưng và lên vai hai bên, kèm theo khó thở.

Cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh, ông bất ngờ rung thất, ngừng tim ngay trong lúc cấp cứu. Kết quả chụp động mạch vành cho thấy tắc hoàn toàn động mạch liên thất trước đoạn 1 cùng với tình trạng hẹp tắc nặng trên 50% các mạch khác.

Cả 2 bệnh nhân đều được đội ngũ bác sĩ kịp thời sốc điện cấp cứu, hồi sức tim phổi giúp tim đập trở lại. Sau khi ổn định, các bác sĩ tiến hành can thiệp đặt stent để tái thông lòng mạch bị hẹp tắc hoàn toàn, giúp bệnh nhân thoát khỏi nguy kịch và hồi phục tốt.

Thầy thuốc ưu tú, bác sĩ CKII Trần Quang Định - Trưởng khoa Phẫu thuật và Can thiệp Tim mạch, cho biết: "Cả 3 bệnh nhân nhồi máu cơ tim lần này đều rơi vào tình trạng rung thất, ngừng tim chỉ trong vài giây.

Đây là tình trạng rất nguy hiểm, song nhờ theo dõi sát sao, chúng tôi đã lập tức phát hiện bệnh nhân bị ngừng tim, thực hiện sốc điện, ép tim ngoài lồng ngực ngay thời điểm đó để khôi phục nhịp tim bình thường.

Sau khi ổn định, ekip tiến hành can thiệp tái thông động mạch vành giúp bệnh nhân hết đau tức ngực, hồi phục tốt. Đây là yếu tố quan trọng giúp người bệnh ngừng tim thoát khỏi nguy kịch, phục hồi tốt mà không để lại biến chứng nguy hiểm.

Sự phối hợp hội chẩn từ xa xuyên suốt giữa các đơn vị y tế trong toàn ngành đã mang đến những hiệu quả rõ rệt, giúp xử trí nhanh chóng và chính xác các ca bệnh khó, nguy kịch, qua đó phát huy hiệu quả của công tác tuyến".

Người đàn ông có khối u nặng 8kg, chiếm gần hết ổ bụng

VOV đưa tin, sáng 2/4, Bệnh viện Ung bướu tỉnh Kiên Giang cho biết, vừa phẫu thuật thành công lấy khối u sau phúc mạc nặng 8kg cho nam bệnh nhân D.V.K (60 tuổi, ngụ xã Gành Dầu, TP.Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang).

Bệnh nhân nhập viện Bệnh viện Ung Bướu Kiên Giang. Sau khi khám bệnh, thực hiện các cận lâm sàng, bệnh nhân được chẩn đoán u sau phúc mạc, khối u chiếm gần hết ổ bụng to khoảng 40x40cm, giới hạn không rõ và được chỉ định phẫu thuật theo chương trình.

Ca mổ kéo dài 7 tiếng, các bác sĩ đã lấy thành công khối u sau phúc mạc nặng 8 kg, đường kính khoảng 40x40cm ra khỏi cơ thể bệnh nhân.

Các bác sĩ đã lấy thành công khối u sau phúc mạc nặng 8 kg ra khỏi cơ thể bệnh nhân. Ảnh: VOV

Bác sĩ Hồ Văn Út Mười - Trưởng Khoa Phẫu thuật ung thư Bệnh viện Ung bướu tỉnh Kiên Giang, người trực tiếp phẫu thuật cho bệnh nhân chia sẻ: “Thời gian phẫu thuật kéo dài, khối u to dính vào các mạch máu lớn trong ổ bụng nên đòi hỏi phẫu thuật viên sự chính xác, tỉ mỉ trong từng thao tác để bóc tách khối u, tránh tổn thương đến các mạch máu để đảm bảo an toàn cho bệnh nhân”.

Theo bệnh sử, cách đây khoảng 5 năm, bệnh nhân được mổ khối u ổ bụng tại một bệnh viện khác không rõ chẩn đoán. Khoảng 1 năm trở lại đây, bệnh nhân thấy bụng to trở lại. Đặc biệt khoảng 1 tháng nay, bệnh nhân thấy bụng to lên rất nhanh nên nhập bệnh viện Ung Bướu Kiên Giang.

Sau phẫu thuật, hiện sức khỏe bệnh nhân hồi phục tốt, tiếp tục được theo dõi và điều trị.

Tin nổi bật