Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tin tức đời sống 2/4: Cảnh báo hiểm họa từ trò bắn súng ná cao su đạn bi sắt

  • Đinh Kim (T/h)
(DS&PL) -

Cảnh báo hiểm họa từ trò bắn súng ná cao su đạn bi sắt; Bé 14 tuổi nhiễm trùng nặng do điều trị bỏng bằng thuốc nam… là những tin tức đời sống đáng chú ý ngày 2/4.

Cảnh báo hiểm họa từ trò bắn súng ná cao su đạn bi sắt

Theo TTXVN, ngày 1/4, Bệnh viện Mắt Trung ương cho biết vừa tiếp nhận bệnh nhi là G.A.H (9 tuổi, dân tộc H’Mông, ở xã Chiềng Cang, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La) trong tình trạng mắt trái bị rách góc mi trong, thị lực sáng tối âm tính. Qua kết quả chụp chiếu phát hiện có dị vật hình tròn trong hốc mắt kích thước khoảng 3-4mm, nghi là viên bi sắt.

Người nhà bệnh nhi kể, H. cùng nhóm bạn đi bắt chuột trên nương, có dùng loại ná cao su bắn bi sắt để săn chuột. Tuy nhiên, không ai biết rõ chi tiết, nguyên nhân từ đâu mà viên đạn bi có thể bay xuyên vào mắt em.

TS. Thẩm Trương Khánh Vân - Trưởng Khoa Chấn thương mắt Bệnh viện Mắt Trung ương cho biết, tình trạng chấn thương ở mắt trái bệnh nhi này rất nặng, nguy cơ có thể mất thị lực vĩnh viễn. Các bác sĩ đang cố gắng điều trị nội khoa nhằm chống viêm, giảm phù nề, sau đó phẫu thuật lấy dị vật hậu nhãn cầu và tiến hành các phương pháp điều trị tiếp theo.

Bác sĩ khám mắt cho bệnh nhi. Ảnh: VietNamNet

Trước đó, Bệnh viện Mắt Trung ương cũng đã tiếp nhận một trường hợp tương tự là bệnh nhân N.T.P.A (27 tuổi, ở phường Bắc Sơn, TP.Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa), nhập viện trong tình trạng mắt trái chấn thương nặng do một viên bi sắt bắn ra từ súng cao su bay lạc vào mắt khi đang đi đường, gây rách giác mạc, củng mạc.

Các bác sĩ Bệnh viện Mắt Trung ương đã phẫu thuật gắp viên bi sắt. Dù bệnh nhân đã được điều trị tích cực nhưng do chấn thương quá nặng, mắt trái của bệnh nhân mất thị lực vĩnh viễn, nhãn cầu bị teo.

Hiện nay, trò chơi súng ná cao su bắn bi sắt khá phổ biến ở lứa tuổi thanh, thiếu niên. Đây là trò chơi nguy hiểm, tính sát thương cao, không chỉ gây mù mắt mà còn có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Đáng báo động hơn, súng ná cao su bắn bi sắt không rõ nguồn gốc xuất xứ được quảng cáo rầm rộ trên các trang mạng xã hội, các sàn thương mại điện tử mà ai cũng có thể đặt mua dễ dàng.

Việc dùng súng ná cao su bắn bi sắt không chỉ dừng lại ở trò chơi đơn thuần, nếu gây thương tích cho người khác có thể bị xử lý theo pháp luật, thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự, tùy vào động cơ và mục đích sử dụng.

Các bác sĩ Bệnh viện Mắt Trung ương khuyến cáo, người dân không nên sử dụng súng ná cao su, đặc biệt không cho trẻ em tiếp cận các trò chơi nguy hiểm này, có thể gây những chấn thương nghiêm trọng đáng tiếc cho bất cứ ai, nếu bắt trúng vào mắt có thể gây mù vĩnh viễn. Các cơ quan chức năng cần có biện pháp quản lý chặt chẽ, kiểm soát việc buôn bán súng ná cao su và viên bi sắt trôi nổi trên thị trường.

Bé 14 tuổi nhiễm trùng nặng do điều trị bỏng bằng thuốc nam

Theo báo Sức Khỏe & Đời Sống, ngày 1/4, khoa Chấn thương Chỉnh hình - Bỏng (Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An) cho biết, đang điều trị cho cháu N.H.A. (14 tuổi, trú tại TP Vinh) bị nhiễm trùng nặng sau khi điều trị bỏng cồn bằng thuốc nam.

Cháu A. nhập viện ngày 31/3 trong tình trạng bị bỏng vùng ngực, bụng, đùi 2 bên nền đen, khô, sờ cứng, các vết nứt rỉ dịch, xung quanh sưng nề nhiều.

Theo lời kể của gia đình, cách đây 1 tháng, A. bị bỏng cồn đến điều trị tại Bệnh viện Hữu Nghị Đa khoa Nghệ An. Sau 3 ngày, gia đình đưa A. về nhà và điều trị bằng thuốc nam. Sau một thời gian, vết bỏng chảy dịch nên nhập Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An để điều trị.

Qua thăm khám, vết thương của A. nhiễm khuẩn, hoại tử nhiều mủ và được chẩn đoán bỏng cồn 20% độ II-III vùng ngực, bụng, đùi 2 bên, cẳng bàn tay trên nền tổn thương có màng thuốc thầy lang đắp đang bám, nhiều dịch và giả mạc.

Bệnh nhi được khẩn trương sát khuẩn, điều trị bằng kháng sinh, truyền dịch và nâng cao thể trạng. Các bác sĩ chỉ định phẫu thuật cắt lọc những phần bị hoại tử, chờ tổ chức hết nhiễm khuẩn, tổ chức hạt mọc sẽ tiến hành ghép da tự thân.

Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng bị bỏng vùng ngực, bụng, đùi 2 bên nền đen, khô, sờ cứng, các vết nứt rỉ dịch, xung quanh sưng nề nhiều. Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống

TS.BS Thái Văn Bình - Trưởng khoa Chấn thương Chỉnh hình - Bỏng chia sẻ, từ đầu năm 2025 đến nay, tiếp nhận điều trị gần 70 trường hợp bệnh nhi bị bỏng, điều đáng tiếc đa phần các bé đều nhập viện trong tình trạng nhiễm trùng vết bỏng do xử lý sai cách, phản khoa học.

Mặc dù đã có rất nhiều cảnh báo về việc người dân bị bỏng nhưng không đến cơ sở y tế mà tự ý điều trị tại nhà, nghe theo lời mách bảo của những người không có chuyên môn gây thêm nguy hiểm cho trẻ.

Khi bị bỏng, người dân không nên thoa dầu, bôi kem đánh răng, lòng đỏ trứng gà, mỡ trăn, đắp lá chữa bỏng…lên vùng bỏng đã bị tổn thương nghiêm trọng vì dễ bị nhiễm trùng. Đặc biệt, người dân không nên tự ý dùng thuốc nam để điều trị bỏng, tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.

4 người mắc viêm màng não sau khi ăn tiết canh thỏ

Thời báo VTV đưa tin, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên vừa tiếp nhận điều trị cho 4 bệnh nhân mắc viêm màng não do nhiễm ký sinh trùng sau khi ăn tiết canh và thịt thỏ. Các bệnh nhân bao gồm T.V.H. (SN 1981), N.T.K. (SN 1985), N.Đ.T. (SN 1995) và L.C. (SN 1994, cùng trú tại huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông).

Theo bệnh nhân T.V.H., cách đây 15 ngày, khi ở nhà, anh cùng N.T.K., N.Đ.T. và L.C. ra quán mua tiết canh thỏ cùng các món ăn khác được chế biến từ thịt thỏ về nhậu.

1 tuần sau cuộc nhậu, bệnh nhân T.V.H. bắt đầu có các biểu hiện sốt, đau đầu, mệt mỏi, chi yếu. Bệnh nhân đi khám và lấy thuốc uống nhưng không đỡ nên vào nhập viện tại Bệnh viện Đại học Y dược Buôn Ma Thuột. 

Vào 16h ngày 24/3, bệnh nhân được chuyển qua Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên với chẩn đoán theo dõi viêm màng não do virus. Ngày 26/3 và 31/3, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên tiếp tục tiếp nhận bệnh nhân N.T.K. và N.Đ.T. trong tình trạng sốt không rõ nguyên nhân/theo dõi viêm màng não. Ngày 1/4, bệnh nhân L.C. cũng nhập viện với tình trạng tương tự. 

Bác sĩ thăm khám cho các bệnh nhân. Ảnh: Thời báo VTV

Theo bác sĩ H’Nuen H’Đơk – Phó Trưởng Khoa Phụ trách Khoa Truyền nhiễm, sau khi tiếp nhận các bệnh nhân, nhận thấy cả 4 bệnh nhân đều ăn tiết canh thỏ, có các biểu hiện sốt nhẹ, đau đầu, buồn nôn, yếu chi giống nhau nên khoa nghi ngờ các bệnh nhân bị nhiễm ký sinh trùng sán não. Do đó, các bác sĩ đã khẩn trương tiến hành chọc dò dịch não tủy. Kết quả cho thấy các trường hợp đều bị nhiễm ký sinh trùng. 

Qua các triệu chứng lâm sàng và thời gian ủ bệnh cho thấy các bệnh nhân có thể nhiễm ký sinh trùng giun tròn. Đây là loại giun thường ký sinh ở phổi của chuột. Sau khi xác định nguyên nhân gây bệnh, hiện cả 4 bệnh nhân đang được điều trị theo phác đồ của Bộ Y tế, điều trị đặc hiệu từ 2-3 tuần để diệt ký sinh trùng. 

"Viêm màng não do nhiễm ký sinh trùng thường do tác nhân lây nhiễm xâm nhập chủ yếu qua đường tiêu hóa bởi ăn các thức ăn còn tái sống có chứa mầm bệnh. Chính vì vậy, những người có thói quen ăn đồ tái sống như: tiết canh, gỏi, nem chạo, thịt tái sống… cần cảnh giác với căn bệnh này.

Tốt nhất nên thực hiện ăn chín, uống sôi để phòng bệnh. Khi thấy xuất hiện các triệu chứng bất thường cần nhanh chóng đến cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời", bác sĩ H’Nuen H’Đơk khuyến cáo.

Tin nổi bật