Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tin tức đời sống 1/4: Bác sĩ chạy xe cấp cứu 2 bánh đến cứu cụ bà bị ngưng tim

  • Đinh Kim (T/h)
(DS&PL) -

Bác sĩ chạy xe cấp cứu 2 bánh đến cứu cụ bà bị ngưng tim; BV Đà Nẵng thực hiện thành công ca ghép tế bào gốc tự thân… là những tin tức đời sống đáng chú ý ngày 1/4.

Bác sĩ chạy xe cấp cứu 2 bánh đến cứu cụ bà bị ngưng tim

Báo Tin Tức đưa tin, ngày 31/3, Trung tâm Cấp cứu 115 TP.HCM cho biết, khoảng 14h, tổng đài 115 nhận được cuộc gọi cấp cứu từ phường Cô Giang (quận 1, TP.HCM) về trường hợp một phụ nữ 75 tuổi ngưng tim sau khi ăn.

Sau khi nhận định tình trạng người bệnh đã ngưng tim, ngưng thở, ngay lập tức điều phối viên đã hướng dẫn người gọi ép tim cho cụ bà qua điện thoại; song song đó, điều động Trạm vệ tinh Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn (quận 1) đến hiện trường.

Các điều phối viên hướng dẫn thực hiện hồi sinh tim phổi qua điện thoại cho người nhà. Ảnh: Báo Tin Tức

Sau khi nhận thông tin điều phối từ Trung tâm Cấp cứu 115, Trạm vệ tinh Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn đã đánh giá đây là một tình huống khẩn cấp và khu vực nhà người bệnh có địa hình đường nhỏ hẹp, đông đúc xe cộ qua lại thường xuyên.

Bệnh viện ngay lập tức cử ekip gồm một bác sĩ và một điều dưỡng đi xe cấp cứu 2 bánh, mang theo thuốc và vật tư y tế chuyên dụng đến hiện trường nhanh chóng. Chỉ sau 5 phút, đội ngũ cấp cứu đã có mặt tại hiện trường.

Tại hiện trường, người bệnh vẫn được người nhà thực hiện ép tim theo chỉ dẫn của điều phối viên qua điện thoại. Qua thăm khám, ekip xác định bệnh nhân bị ngưng tuần hoàn hô hấp nghi do hít sặc và tiến hành hồi sinh tim phổi nâng cao. Đồng thời, bệnh viện đã điều phối thêm xe cứu cấp cứu và ekip hỗ trợ. Sau 10 phút hồi sức, bệnh nhân đã có nhịp tim trở lại đúng vào thời điểm xe cứu thương đến hiện trường để tiếp tục vận chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn.

Tại bệnh viện, bệnh nhân được tiếp tục chăm sóc và điều trị tích cực. Sau một ngày điều trị, bệnh nhân đã tỉnh táo, tiếp xúc được và đang được tiến hành cai máy thở. Chẩn đoán cho thấy, bệnh nhân bị ngưng tim ngừng thở do hít sặc dẫn đến viêm phổi nhưng hiện tại tình trạng đã ổn định.

Theo các bác sĩ, ngưng tim đột ngột là một tình huống cấp cứu nghiêm trọng, có thể xảy ra với bất kỳ ai và bất kỳ lúc nào. Tỷ lệ sống sót của người bệnh ngừng tim ngoài bệnh viện phụ thuộc chủ yếu vào việc can thiệp y tế kịp thời và đúng cách.

Xe cấp cứu 2 bánh có thể di chuyển đến hiện trường nhanh chóng hơn đặc biệt là trong những con hẻm nhỏ. Ảnh: Báo Tin Tức

Đại diện Trung tâm Cấp cứu 115 nhận định, cụ bà bị ngưng tim được cứu sống nhờ sự kết hợp của hai phương pháp hướng dẫn sơ cứu qua điện thoại và triển khai xe cấp cứu 2 bánh. Điều này một lần nữa khẳng định vai trò quan trọng của việc ứng dụng công nghệ và các giải pháp sáng tạo, hiệu quả trong công tác cấp cứu.

Theo đó, khi sự can thiệp y tế trực tiếp không thể đến kịp thời, việc hướng dẫn sơ cứu qua điện thoại đã mang lại cơ hội sống sót cho người bệnh, giúp duy trì chức năng tim trong thời gian vàng, cho đến khi xe cấp cứu 2 bánh có thể tiếp cận hiện trường nhanh chóng, xử lý cấp cứu tối cần thiết và xe cứu thương truyền thống tiếp tục cấp cứu đưa người bệnh an toàn đến bệnh viện.

Lãnh đạo Trung tâm Cấp cứu 115 TP.HCM kỳ vọng với sự phát triển liên tục của công nghệ và hệ thống y tế, những phương pháp như hướng dẫn sơ cứu qua điện thoại và xe cấp cứu 2 bánh sẽ ngày càng được mở rộng và hoàn thiện, góp phần nâng cao tỷ lệ sống sót của người bệnh ngừng tim.

Cụ ông 72 tuổi nguy kịch sau khi nhiễm giun lươn lan tỏa

Giun lươn lan tỏa là một loại ký sinh trùng nguy hiểm có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng, đặc biệt là ở những người suy giảm miễn dịch.

Theo báo Lao Động, bệnh nhân B.V.C (72 tuổi, ở Hòa Bình) nhập viện trong tình trạng sốt cao liên tục, thở oxy và thể trạng suy kiệt. Chẩn đoán ban đầu cho thấy người bệnh mắc viêm phổi, viêm màng não và nhiễm khuẩn huyết.

Kết quả xét nghiệm dịch não tủy cho thấy vi khuẩn E. coli, cùng với việc soi dịch dạ dày và đờm phát hiện ra ấu trùng giun lươn, khẳng định chẩn đoán nhiễm giun lươn lan tỏa.

Một tháng trước khi nhập viện, người bệnh bắt đầu có triệu chứng ho nhiều, khó thở, mệt mỏi và sốt kéo dài. Tuy nhiên, ông đã tự điều trị tại nhà nhưng các triệu chứng không thuyên giảm, dẫn đến tình trạng nặng hơn và phải nhập viện tuyến tỉnh. Sau 6 ngày điều trị không hiệu quả, ông được chuyển lên tuyến trên.

Bệnh nhân đang được điều trị tích cực, thở máy, sử dụng kháng sinh và thuốc diệt ký sinh trùng. Ảnh: Lao Động

Bác sĩ Trần Văn Bắc - Phó Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương - cho biết, bệnh nhân có nhiều bệnh lý nền như tăng huyết áp, suy tim, suy tuyến thượng thận, thoái hóa khớp, và có tiền sử sử dụng thuốc corticosteroid kéo dài, làm suy giảm hệ miễn dịch nghiêm trọng. Thêm vào đó, công việc nông nghiệp, tiếp xúc trực tiếp với đất mà không có bảo hộ, là yếu tố làm tăng nguy cơ nhiễm giun lươn.

Giun lươn là loại ký sinh trùng sống trong đất ẩm, ấu trùng có thể xâm nhập vào cơ thể qua da, đặc biệt là bàn chân. Sau khi vào cơ thể, ấu trùng di chuyển qua máu đến phổi, phá vỡ các mao mạch, sau đó xâm nhập vào đường hô hấp và tiêu hóa, nơi giun trưởng thành và đẻ trứng. Chúng có thể tạo thành chu kỳ tái nhiễm trong ruột và tồn tại lâu dài trong cơ thể.

Với người có hệ miễn dịch suy giảm, nhiễm giun lươn có thể lan tỏa vào các cơ quan không thuộc vòng đời bình thường của ký sinh trùng, như hệ thần kinh, da, gan, tim, dẫn đến nhiễm trùng huyết, viêm phổi, viêm màng não và sốc nhiễm trùng.

Hiện tại, bệnh nhân được điều trị tích cực, thở máy, sử dụng kháng sinh và thuốc diệt ký sinh trùng. Mặc dù vậy, tiên lượng bệnh nhân rất xấu.

Bác sĩ Bắc cũng cảnh báo, hầu hết các ca nhiễm giun lươn cấp tính không có triệu chứng rõ ràng. Những dấu hiệu ban đầu có thể là phát ban ngứa tại vị trí xâm nhập của ấu trùng, hoặc đau bụng, tiêu chảy, chán ăn.

Những người mắc giun lươn mãn tính thường không có triệu chứng nghiêm trọng, nhưng ở những người suy giảm miễn dịch, bệnh có thể bùng phát mạnh mẽ, gây tổn thương đa cơ quan và đe dọa tính mạng.

Bệnh viện Đà Nẵng thực hiện thành công ca ghép tế bào gốc tự thân

Theo báo Nhân Dân, chiều 31/3, Bệnh viện Đà Nẵng thông tin, ekip các bác sĩ khoa Nội thần kinh-Cơ xương khớp-Huyết học lâm sàng, Bệnh viện Đà Nẵng vừa thực hiện thành công ca ghép tế bào gốc tự thân cho bệnh nhân mắc đa u tủy xương. Đây là ca ghép tế bào gốc tự thân thứ 3 được thực hiện tại Bệnh viện Đà Nẵng.

Trước đó, bệnh nhân H.T.N. (SN 1973, trú TP.Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) bị đau xương nhiều, không đi lại được nên đã đến khám tại Bệnh viện Đà Nẵng. Qua quá trình xét nghiệm, đánh giá, bệnh nhân thuộc nhóm nguy cơ cao, đa u tủy xương giai đoạn 3 nên có chỉ định ghép tủy bằng phương pháp ghép tế bào gốc tự thân.

Bệnh nhân được mổ kết hợp xương, điều trị thuốc tại Bệnh viện Đà Nẵng 4 đợt, mỗi đợt kéo dài 3 tuần. Sau quá trình điều trị, xét nghiệm kiểm tra cho thấy người bệnh đạt lui bệnh hoàn toàn. Bệnh nhân được chuyển đến khu ghép - Trung tâm ghép tạng và cấy ghép tế bào gốc (khu cách ly vô khuẩn tuyệt đối).

Các bác sĩ khoa Nội thần kinh-Cơ xương khớp-Huyết học lâm sàng tiến hành ghép tế bào gốc tự thân cho người bệnh. Các bác sĩ gạn tách tế bào gốc bằng máy gạn, sau đó truyền lại vào cơ thể bệnh nhân bằng đường truyền tĩnh mạch. Sau gần 20 ngày truyền tế bào gốc, bệnh nhân ổn định, đi lại bình thường.

Bệnh nhân có chỉ định ghép tủy bằng phương pháp ghép tế bào gốc tự thân. Ảnh: Nhân Dân

TS.BS Trần Thị Thanh Hương ở khoa Nội thần kinh-Cơ xương khớp-Huyết học lâm sàng, Bệnh viện Đà Nẵng, người trực tiếp thực hiện ca ghép tế bào gốc tự thân cho bệnh nhân N., chia sẻ, khó khăn của cuộc ghép là phải tính toán làm sao gạn lượng tế bào gốc đủ để thực hiện ghép thành công.

Quan trọng nhất là phải bảo đảm môi trường vô khuẩn tuyệt đối cho bệnh nhân. Các khoa phòng phối hợp chặt chẽ bảo đảm không khí sạch, nguồn nước RO, thức ăn được kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm các vật dụng bệnh nhân dùng đều được khử khuẩn...

Ghép tế bào gốc tự thân là một phương pháp điều trị tiên tiến mới áp dụng tại Đà Nẵng, lấy tế bào gốc của chính người bệnh ghép lại cho người bệnh, giúp phục hồi nhanh chóng hệ thống sinh máu của người bệnh sau hóa trị liệu liều cao, nhằm phòng tránh những biến chứng đe dọa tính mạng.

"Đây là kỹ thuật mang lại cơ hội sống và cải thiện chất lượng cuộc sống đáng kể cho bệnh nhân mắc các bệnh huyết học ác tính như ung thư hạch, hội chứng tăng sinh tủy, bệnh đa u tủy, bệnh bạch cầu, bệnh Hodgkin", bác sĩ Hương cho biết thêm.

Được biết, từ năm 2023, Bệnh viện Đà Nẵng đã thực hiện thành công ca ghép tế bào gốc tự thân đầu tiên với sự hỗ trợ của Viện Huyết học Truyền máu Trung ương. Đến nay, Bệnh viện đã thực hiện thường quy kỹ thuật này.

Tin nổi bật