Báo Pháp Luật TP.HCM đưa tin, ngày 27/3, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Thuận cho biết vừa phẫu thuật cấp cứu thành công bệnh nhân bị giun đũa đục thủng ruột non.
Trước đó, ngày 25/3, nữ bệnh nhân K.T.T (43 tuổi, ngụ huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận) nhập viện với các triệu chứng sốt cao, đau bụng dữ dội, bụng chướng và mệt mỏi.
Qua thăm khám, các bác sĩ chỉ định phẫu thuật cấp cứu với chẩn đoán ban đầu viêm phúc mạc toàn thể do thủng tạng rỗng. Trong quá trình mổ, ekip phẫu thuật phát hiện ruột non bệnh nhân bị giun đũa đục thủng, gây tràn dịch ổ bụng, dẫn đến nhiễm độc và nhiễm khuẩn nghiêm trọng.
Các bác sĩ đã nhanh chóng loại bỏ búi giun, làm sạch ổ bụng và xử lý tổn thương ruột để ngăn chặn biến chứng nguy hiểm. Hiện tại, bệnh nhân T. đang được theo dõi tại khoa Ngoại tổng hợp, tiếp tục điều trị bằng kháng sinh và bù dịch để phục hồi sức khỏe.
Ekip phẫu thuật phát hiện ruột non bệnh nhân bị giun đũa đục thủng, gây tràn dịch ổ bụng. Ảnh: Pháp Luật TP.HCM
Theo Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Thuận, giun đũa là một loại ký sinh trùng phổ biến trong đường ruột, có thể gây tắc ruột, viêm ruột, thủng ruột, viêm phúc mạc, thậm chí gây tử vong nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Loại giun này thường xâm nhập vào cơ thể qua thực phẩm nhiễm trứng giun, nguồn nước bẩn hoặc tay bẩn khi ăn uống.
Để phòng tránh nhiễm giun đũa, người dân cần giữ vệ sinh cá nhân, rửa tay sạch trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh; ăn chín, uống sôi, rửa sạch rau sống trước khi sử dụng. Đồng thời, tẩy giun định kỳ mỗi 6 tháng/lần theo khuyến cáo của bác sĩ và hạn chế tiếp xúc với môi trường ô nhiễm, đất cát nhiễm trứng giun.
Theo báo Sức Khỏe & Đời Sống, ngày 27/3, thông tin từ Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho biết, bệnh viện vừa cứu chữa thành công cho ông cụ 83 tuổi mắc bệnh tim nặng.
Trước đó, người bệnh nhập viện trong tình trạng khó thở nhiều, suy tim cấp tăng dần đi kèm với tình trạng phù phổi cấp tính do hở van hai lá nặng sau nhồi máu cơ tim cấp. Ngay khi nhập viện, người bệnh được đánh giá toàn diện để xác định mức độ bệnh.
Kết quả siêu âm tim Doppler cho thấy bệnh nhân bị hở van hai lá nặng do đứt cơ nhú, khiến dòng máu trào ngược, làm tim hoạt động quá tải, gây tình trạng ứ máu ở phổi, tràn dịch màng phổi, phù phổi cấp tính.
Ngoài ra, kết quả xét nghiệm cũng cho thấy dấu hiệu suy tim nặng với các chỉ số xét nghiệm tăng cao, hình ảnh chụp cộng hưởng từ sọ não thấy có các vùng nhồi máu não và chụp mạch vành cho thấy động mạch vành hẹp nặng gây thiếu máu cơ tim. Những yếu tố này khiến người bệnh rơi vào nhóm nguy cơ cao khi phẫu thuật.
Sau hội chẩn liên chuyên khoa, các bác sĩ quyết định áp dụng phương pháp điều trị nội khoa tích cực trước phẫu thuật kiểm soát suy tim, tối ưu chức năng thận, hô hấp và nâng cao thể trạng người bệnh. Việc điều trị nội khoa giúp giảm nguy cơ biến chứng phẫu thuật, cải thiện khả năng phục hồi sau mổ.
Khi tình trạng người bệnh ổn định hơn, ekip phẫu thuật tim mạch tiến hành thay van hai lá sinh học và bắc cầu động mạch vành. Việc lựa chọn van sinh học giúp hạn chế nguy cơ liên quan đến thuốc chống đông, phù hợp với người cao tuổi. Đồng thời, thủ thuật bắc cầu động mạch vành giúp cải thiện lưu lượng máu đến cơ tim, giảm nguy cơ tái phát nhồi máu cơ tim trong tương lai.
Các bác sĩ tiến hành phẫu thuật cho người bệnh. Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống
TS.BS Cao Đằng Khang – Trưởng khoa Phẫu thuật Tim mạch Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho biết: “Người bệnh cao tuổi thường có nhiều bệnh nền đi kèm với nhau, vì vậy điều quan trọng là phải xây dựng chiến lược điều trị phù hợp, tối ưu hóa tình trạng người bệnh trước khi mổ, chọn lựa chiến lược mổ an toàn nhất. Việc kết hợp điều trị nội khoa trước phẫu thuật và tối ưu hóa phẫu thuật và gây mê hồi sức đã giúp người bệnh có thể trải qua ca mổ thành công”.
Sau ca phẫu thuật, người bệnh hồi phục nhanh chóng. Chỉ hai ngày sau mổ, người bệnh đã có thể ngồi dậy, đi lại nhẹ nhàng và sinh hoạt bình thường. Tình trạng khó thở hoàn toàn biến mất, chức năng tim cải thiện rõ rệt. Siêu âm tim sau mổ cho thấy van hai lá hoạt động tốt, không còn tình trạng hở van gây trào ngược.
Đặc biệt, chức năng thận, chức năng hô hấp được phục hồi, không có dấu hiệu suy thận cấp hay suy hô hấp, viêm phổi – những biến chứng thường gặp ở người cao tuổi sau phẫu thuật tim.
Chị L.T.T.T. – con gái người bệnh chia sẻ: “Ban đầu gia đình tôi rất lo lắng vì cha tôi tuổi đã cao, lại có nhiều bệnh nền. Nhưng nhờ sự tận tâm của các bác sĩ và phương pháp điều trị phù hợp, ông đã hồi phục ngoài mong đợi. Ông thậm chí còn muốn tự lái xe máy đến bệnh viện tái khám vì cảm thấy khoẻ mạnh".
Theo TS.BS Cao Đằng Khang, nhờ phương pháp điều trị cá nhân hóa kết hợp giữa nội khoa, phẫu thuật và gây mê hồi sức, người bệnh đã hồi phục ngoạn mục, mở ra hy vọng mới cho người cao tuổi mắc bệnh tim mạch.
Báo Nhân Dân đưa tin, Bệnh viện Nhi Hà Nội vừa tiếp nhận cấp cứu, phẫu thuật thành công cho cháu bé L.N.M.T (2 ngày tuổi) bị teo thực quản type C - một dị tật bẩm sinh nguy hiểm.
Trước đó, khoa Sơ sinh Bệnh viện Nhi Hà Nội tiếp nhận bệnh cháu bé trong tình trạng nôn trớ nhiều, tím tái. Ngay khi nhập viện, các bác sĩ đã hội chẩn liên chuyên khoa (Sơ sinh, Ngoại tổng hợp, Gây mê hồi sức) và tiến hành chẩn đoán chuyên sâu qua các xét nghiệm như: chụp X-quang thực quản có cản quang, siêu âm tim…
Qua các xét nghiệm, cháu bé được phát hiện mắc teo thực quản type C - một dị tật bẩm sinh nguy hiểm, đồng thời, bé còn gặp biến chứng viêm phổi nặng và có ống động mạch nhỏ. Đây là một tình huống nguy cấp, đe dọa trực tiếp tính mạng trẻ sơ sinh nếu không được can thiệp kịp thời.
Trước tình trạng nguy kịch, ekip phẫu thuật do ThS.BS CKII Trần Văn Quyết -Trưởng khoa Ngoại tổng hợp đã tiến hành phẫu thuật cấp cứu. Các bác sĩ đã thực hiện các kỹ thuật phức tạp gồm tìm và cắt đường rò khí - thực quản, sau đó nối thực quản tận - tận để tái lập lại sự thông suốt của ống tiêu hóa.
Sau nhiều giờ nỗ lực với sự tập trung cao độ của ekip phẫu thuật, ca phẫu thuật đã thành công. Ảnh: Nhân Dân
Ca phẫu thuật gặp nhiều khó khăn, bệnh nhi chỉ mới 2 ngày tuổi, cân nặng 3kg, khiến quá trình gây mê - hồi sức gặp nhiều thách thức. Ngoài ra, mặc dù tiếp cận bằng phương pháp mổ mở, nhưng vì là trẻ sơ sinh nên không gian phẫu thuật vô cùng nhỏ hẹp, vết mổ chỉ dài khoảng 5cm, đòi hỏi sự chính xác tuyệt đối trong từng thao tác. Đặc biệt, tổn thương do teo thực quản type C rất lớn, việc xác định và cắt bỏ đường rò khí - thực quản gặp nhiều khó khăn vì các mô đều rất nhỏ và mảnh.
Sau nhiều giờ nỗ lực với sự tập trung cao độ của ekip phẫu thuật, ca phẫu thuật đã thành công, bệnh nhi tránh được những biến chứng nguy hiểm có thể đe dọa tính mạng.
Sau mổ, bệnh nhi tiếp tục được khoa Sơ sinh theo dõi và chăm sóc đặc biệt để bảo đảm quá trình hồi phục diễn ra tốt nhất. Các bác sĩ đã tiến hành hồi sức tích cực với các biện pháp như duy trì thở máy để kiểm soát nguy cơ tăng áp phổi, nuôi dưỡng qua đường tĩnh mạch để bảo đảm cung cấp đầy đủ dinh dưỡng, đồng thời theo dõi sát sao các biến chứng như nhiễm trùng, rò vết nối.
Sau 8 ngày điều trị, tình trạng sức khỏe bệnh nhi đã có những tiến triển tốt, bé đã được cai máy thở, chuyển sang thở oxy không xâm nhập; tình trạng viêm phổi đã cải thiện rõ rệt và bé chuẩn bị được rút dẫn lưu để bắt đầu tập ăn.