Theo tạp chí Tri Thức, ngày 28/10, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP.Hà Nội cho biết trong tuần qua (18/10-25/10), địa phương ghi nhận một trường hợp mắc não mô cầu tại quận Hoàn Kiếm.
Bệnh nhi là bé trai 6 tháng tuổi, tiền sử chưa tiêm vaccine phòng bệnh não mô cầu. Bé trai khởi phát bệnh ngày 17/10 với triệu chứng sốt cao, nôn trớ, phát ban dạng chấm li ti toàn thân.
Trẻ được đưa đến Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng thóp phồng, xét nghiệm PCR đa mồi dịch não tủy cho kết quả dương tính với não mô cầu. Đây là bệnh nhân thứ 2 thành phố ghi nhận từ đầu năm đến nay.
Bé trai khởi phát bệnh ngày 17/10 với triệu chứng sốt cao, nôn trớ, phát ban dạng chấm li ti toàn thân. Ảnh minh họa: Shutterstock
Ngoài ra, CDC Hà Nội thông tin toàn thành phố cũng ghi nhận 502 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tăng 99 trường hợp so với tuần trước. Bệnh nhân phân bố tại 30 quận, huyện, thị xã; còn 43 ổ dịch đang hoạt động.
Một số đơn vị ghi nhận nhiều bệnh nhân như Nam Từ Liêm (40); Đống Đa (39); Hà Đông (34); Đan Phượng (32); Thanh Xuân (27); Thanh Oai (25); Ba Đình (24); Hoàng Mai (23); Cầu Giấy (22); Hoàn Kiếm, Ứng Hòa (20); Thạch Thất, Hai Bà Trưng (19).
Như vậy, từ đầu năm đến nay, thành phố ghi nhận 5.065 trường hợp, giảm 80,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuần qua, Hà Nội ghi nhận 40 trường hợp mắc tay chân miệng, 7 ca mắc sởi. CDC Hà Nội nhận định bệnh sởi có số ca mắc đang gia tăng. Bệnh nhân ghi nhận rải rác trên địa bàn, chủ yếu ở trẻ nhỏ chưa đến tuổi tiêm chủng vaccine hoặc chưa được tiêm đầy đủ. Dự báo, địa phương có thể tiếp tục ghi nhận thêm các trường hợp mắc bệnh, đặc biệt là vào 3 tháng cuối năm.
Bệnh ho gà cũng ghi nhận 2 trường hợp tại quận Hai Bà Trưng và Nam Từ Liêm, tăng 1 ca so với tuần trước.
Trong tuần, CDC Hà Nội đã phối hợp phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện hoạt động giám sát, điều tra, xử lý dịch tại khu vực có ca bệnh, ổ dịch. Đồng thời, cơ quan này cũng thực hiện giám sát công tác triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine sởi - rubella tại các xã, phường, thị trấn.
Các trung tâm y tế quận, huyện, thị xã tiếp tục rà soát và mời ra tiêm đối với những trẻ thuộc đối tượng tiêm trong chiến dịch tiêm chủng vaccine sởi - rubella để phòng, chống dịch sởi.
Hoạt động giám sát sốt phát ban nghi sởi, điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm ca nghi ngờ mắc, tổ chức khoanh vùng, xử lý triệt để khu vực có bệnh nhân, ổ dịch theo quy định cũng được tăng cường.
Theo Người Đưa Tin Pháp Luật, các bác sĩ tại khoa Ngoại tổng hợp - Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê (Phú Thọ) vừa phẫu thuật nội soi thành công để cắt bỏ túi mật chứa hàng trăm viên sỏi lớn nhỏ màu vàng cho một bệnh nhân nữ 54 tuổi (trú tại xã Minh Tân, huyện Cẩm Khê). Đây là ca phẫu thuật có số lượng sỏi nhiều nhất từng thực hiện tại trung tâm.
Hàng trăm viên sỏi lớn nhỏ màu vàng nằm trong túi mật của người phụ nữ. Ảnh: Người Đưa Tin Pháp Luật
Theo bác sĩ Hà Quốc Toản, bệnh nhân có tiền sử sỏi túi mật nhiều năm và đã điều trị viêm túi mật nhiều lần nhưng chưa sắp xếp được thời gian để phẫu thuật.
Trước khi nhập viện 5 ngày, bệnh nhân có triệu chứng sốt, đau tức vùng hạ sườn phải và đã được các bác sĩ tư vấn thực hiện cắt túi mật để loại bỏ nguyên nhân gây viêm. Sau khi đồng ý, ca phẫu thuật diễn ra thành công và sau 7 ngày điều trị, sức khỏe bệnh nhân tiến triển tốt.
Chuyên trang Gia Đình & Xã Hội dẫn thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Medlatec cho biết, mới đây các bác sĩ đơn vị này đã tiếp nhận và xử lý thành công cho một trường hợp bị gián đất chui vào tai gây đau đớn.
Theo đó, bệnh nhân là bà V.T.H (54 tuổi, ở Ba Đình, Hà Nội). Bệnh nhân cho hay, bà thường có thói quen trải đệm ngủ dưới sàn nhà. Vài ngày trước, trong khi ngủ, bệnh nhân bất ngờ nghe tiếng sột soạt, cảm giác đau nhói sâu bên trong tai.
Dị vật lạ khiến bệnh nhân đau nhức, ngứa ngáy không ăn, không ngủ được. Bệnh nhân đến phòng khám gần nhà để kiểm tra, phát hiện trong tai có một con gián đất bám sâu vào da ống tai.
Vì quá trình lấy con gián ở phòng khám gặp nhiều khó khăn, bệnh nhân tiếp tục đến Bệnh viện Đa khoa Medlatec để gắp con gián ra. Tại đây, các bác sĩ đã khéo léo gắp bỏ bỏ con gián ra khỏi tai bệnh nhân an toàn. Ống tai của bệnh nhân không bị chảy máu, không ảnh hưởng đến màng nhĩ.
Con gián được lấy ra khỏi tai bệnh nhân. Ảnh: Gia Đình & Xã Hội
Theo các bác sĩ, gián đất là côn trùng có màu nâu sậm hoặc nâu đen, không cánh, di chuyển nhanh bằng cách bò. Gián đất thường tìm nơi ẩn náu vào ban đêm tại các kẽ tủ, hầm thoát nước và các góc khuất tối trong nhà.
Chân của gián đất có các gai nhỏ có thể gây ra trầy xước, tổn thương da ống tai. Trong trường hợp chúng cố gắng tìm đường ra, hoặc người bệnh cố gắng tự lấy ra không đúng cách có thể dẫn đến tổn thương màng nhĩ.
Bên cạnh đó, gián đất mang theo nhiều vi khuẩn và mầm bệnh. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), gián có thể mang đến 32 loại vi khuẩn gây ra các bệnh như tiêu chảy, viêm dạ dày ruột, viêm phổi, nhiễm trùng tiết niệu và một số bệnh nguy hiểm khác.