Theo tạp chí Gia Đình Việt Nam, bệnh nhân P.H.D (48 tuổi, nam, ở Bắc Ninh) đến khám trong tình trạng đau vùng thượng vị. Bác sĩ khám bệnh cho biết, gần đây bệnh nhân không có triệu chứng gì đặc biệt, trước vào viện khoảng 1 ngày bệnh nhân xuất hiện đau bụng vùng thượng vị và hạ sườn phải kèm theo sốt (sốt nóng, gai rét) ăn uống, đại tiểu tiện vẫn bình thường.
Sau khi thăm khám bác sĩ cho chỉ định nội soi thực quản - dạ dày, siêu âm ổ bụng và làm một số xét nghiệm cơ bản để tìm nguyên nhân với định hướng chẩn đoán ban đầu là rối loạn đường tiêu hóa trên.
Tuy nhiên, khi nội soi thực quản - dạ dày cho bệnh nhân, các bác sĩ phát hiện, tại vị trí thực quản có 1/3 giữa có tổn thương loét trợt kích thước 1,5cm, có tăng sinh mạch đã được sinh thiết làm mô bệnh học.
Kết quả mô bệnh học là ung thư biểu mô vảy. Vì vậy, chẩn đoán bệnh nhân mắc ung thư thực quản đoạn 1/3 giữa giai đoạn sớm sau đó được chỉ định nội soi cắt hớt niêm mạc (ESD), khối u đã được cắt bỏ hoàn toàn qua nội soi. Từ kết quả này, bệnh nhân không cần can thiệp điều trị tiếp liên quan đến ung thư như hóa xạ trị.
Người dân nên nội soi tiêu hóa định kỳ, nhất là những người có yếu tố nguy cơ cao, qua đó giúp phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm. Ảnh minh họa
ThS.BSNT Lưu Tuấn Thành - Trưởng phòng Nội soi tiêu hóa hệ thống, Phó khoa Thăm dò chức năng Bệnh viện Đa khoa Medlatec cho biết, trong quá trình khám bệnh bác sĩ gặp rất nhiều trường hợp đi khám với dấu hiệu mờ nhạt như đau bụng, sụt cân không rõ nguyên nhân, đầy bụng, khó tiêu, hoặc rối loạn đại tiện... nhưng thường chủ quan, bỏ qua. Trong lần tình cờ đi kiểm tra sức khỏe, hoặc đến khi cơ thể có vấn đề mới chịu đi khám thì "tá hỏa" phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn.
Theo khuyến cáo của các bác sĩ, người dân nên nội soi tiêu hóa định kỳ, nhất là những người có yếu tố nguy cơ cao, sẽ giúp phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm và khi đó việc điều trị trở nên dễ dàng, hiệu quả hơn.
Báo Sức Khỏe & Đời Sống đưa tin, bé trai Đ.P.B (13 tuổi trú tại huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ) được gia đình đưa đi cấp cứu tại Trung tâm Y tế huyện Thanh Thủy (Phú Thọ).
Trước đó, bệnh nhi thường xuyên kêu mệt mỏi, uống rất nhiều nước và buồn ngủ, giảm 10kg. Khoảng 10 ngày trước khi vào viện, bệnh nhi có đi xe máy tự ngã, trẻ đau vùng đầu và vai hai bên.
Tại bệnh viện, kết quả thăm khám và kiểm tra cho thấy bệnh nhi có biểu hiện lơ mơ, chỉ số đường máu tăng rất cao (34,7 mmol/L) so với ngưỡng bình thường (<7,8mmol/l), toan ceton do đái tháo đường.
Bệnh nho được chuyển tới khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực và Chống độc, truyền bù dịch và điện giải, duy trì insulin nhanh để kiểm soát đường huyết và điều chỉnh toan ceton. Sau 7 ngày điều trị tích cực, sức khỏe của bệnh nhi ổn định hơn.
Sức khỏe của bệnh nhi ổn định hơn sau 7 ngày điều trị tích cực. Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống
Bác sĩ Hà Thị Hằng ở khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực và Chống độc Trung tâm Y tế huyện Thanh Thủy, cho biết trẻ nhiễm toan ceton do đái tháo đường có thể biến chứng nguy hiểm như hôn mê, phù não, sốc giảm thể tích do mất nước, thậm chí tử vong.
Ở trẻ em, đái tháo đường type 1 là hay gặp nhất. Đái tháo đường type 1 hay còn gọi là đái tháo đường phụ thuộc Insulin, chủ yếu hay gặp ở trẻ em và thanh thiếu niên, do tuyến tụy không còn khả năng sản xuất đủ Insulin. Bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường type 1 cần được điều trị bằng Insulin thì mới có cơ hội sống.
Với đái tháo đường type 2, vấn đề chính là sự đề kháng Insulin. Các tuyến tụy có thể tạo ra Insulin, thường với số lượng lớn nhưng Insulin không hoạt động tốt vì các tế bào trong cơ thể đề kháng lại các tác dụng của Insulin. Với đái tháo đường type 2, một thời gian sau tuyến tụy bị suy kiệt, cơ thể trở nên đề kháng với insulin và rơi vào tình trạng thiếu insulin.
Trước đây, bệnh đái tháo đường type 2 thường chỉ xảy ra ở người lớn. Tuy nhiên hiện nay, ngày càng nhiều trẻ em và thanh thiếu niên được chẩn đoán mắc bệnh đái tháo đường type 2, do số lượng trẻ em thừa cân/béo phì ngày càng tăng nhanh.
Ngoài hai type đái tháo đường phổ biến trên, ở trẻ em còn có thể gặp các bệnh lý như đái tháo đường sơ sinh (trẻ dưới 1 tuổi), đái tháo đường khởi phát ở người trẻ tuổi, hoặc đái tháo đường đi kèm với các tình trạng bệnh lý khác gây tổn thương tuyến tụy (đái tháo đường thứ phát).
Báo Sức Khỏe & Đời Sống dẫn thông tin từ bác sĩ CKII Trần Đình Thanh cho biết năm 2022, nữ bệnh nhân 65 tuổi (ngụ TP.HCM) xuất hiện triệu chứng cồn cào trong dạ dày, đau thượng vị nên đã đi khám tại nhiều bệnh viện.
Quá trình thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị loét dạ dày, vết loét rộng 12mm. Sau quá trình điều trị bằng thuốc, bệnh nhân đã không tái khám theo chỉ định của bác sĩ. Khoảng 1 năm sau, bệnh nhân tiếp tục xuất hiện các triệu chứng tương tự nên tiếp tục đi khám.
Kết quả nội soi cho thấy bệnh nhân bị loét dạ dày cấp tính. Sau 1 tháng điều trị bệnh, các triệu chứng vẫn không thuyên giảm nên bệnh nhân đã tiếp tục thăm khám và nội soi dạ dày lần 3.
"Kết quả nội soi ghi nhận, trong dạ dày của bệnh nhân nhiều nang lao nhỏ với các chất hoại tử dạng bã đậu. Bệnh nhân được chẩn đoán mắc lao dạ dày hiếm gặp", bác sĩ Thanh cho hay.
Bệnh lao dạ dày là bệnh rất nguy hiểm, hiếm gặp và dễ nhầm lẫn với những bệnh khác nên người dân cần đặc biệt chú ý. Ảnh minh họa
Theo bác sĩ Thanh, lao dạ dày là bệnh rất hiếm gặp. Do dạ dày có axit dịch vị nên khả năng vi trùng lao tồn tại ở khu vực này là rất khó. Tuy nhiên, một số trường hợp có hạch bạch huyết lân cận bị nhiễm lao dẫn đến xâm nhiễm và gây ra lao dạ dày.
Thông thường, lao dạ dày thường gặp ở những người đã mắc bệnh lao ở các vị trí khác trên cơ thể, đặc biệt là ở phổi hoặc ruột. Tuy nhiên, ca bệnh này chưa từng mắc bệnh lao và cơ thể cũng không có dấu hiệu mắc bệnh lao.
Người bệnh điều trị theo phác đồ của chương trình chống lao quốc gia, sau 6 tháng điều trị tình trạng bệnh nhân đã cải thiện, tiên lượng tốt, theo bác sĩ CKII Trần Đình Thanh.
Bác sĩ khuyến cáo, bệnh lao dạ dày là bệnh rất nguy hiểm, hiếm gặp và dễ nhầm lẫn với những bệnh khác nên người dân cần đặc biệt chú ý. Ngay khi xuất hiện các triệu chứng như đau bụng, đau vùng thượng vị, buồn nôn, nôn, chán ăn, giảm cân, đầy bụng, khó tiêu, mệt mỏi kéo dài… cần tới các cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Bệnh lao dạ dày nếu không được điều trị kịp thời có thể gặp phải các biến chứng nguy hiểm như xuất huyết dạ dày, thủng dạ dày, hẹp môn vị, áp xe và dò đường tiêu hoá…