Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tin tức đời sống 27/10/2024: Nữ công nhân nhập viện cấp cứu do đá bắn vào mắt

  • Đinh Kim (T/h)
(DS&PL) -

Tin tức đời sống mới nhất ngày 27/10/2024. Cập nhật tin tức đời sống mới nhất ngày 27/10/2024 trên trang Đời sống & Pháp luật.

Nữ công nhân bị thương nặng do đá bắn vào mắt

Báo Sức Khỏe & Đời Sống đưa tin ngày 26/10, Bệnh viện Mắt Hải Phòng cho biết bác sĩ của bệnh viện vừa cấp cứu kịp thời ca bệnh bị đá bắn vào mắt. Theo đó, chiều 24/10, bệnh nhân Đ.T.H. (SN 1979, ở Thiên Hương, Thủy Nguyên, Hải phòng) đã gặp tai nạn lao động khi đá bắn vào mắt, tổn thương nhãn cầu.

Ngay sau khi xảy ra tai nạn, bệnh nhân được chuyển đến cấp cứu tại Bệnh viện Mắt Hải Phòng. Tại đây, kíp trực nhanh chóng hội chẩn và xác định bệnh nhân bị chấn thương đụng dập, vỡ nhãn cầu mắt phải, xuất huyết tiền phòng và có vết thương ở da mi dưới. 

Các bác sĩ mổ cấp cứu bệnh nhân bị vỡ nhãn cầu. Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống

Ca phẫu thuật khẩn cấp do bác sĩ CKII Trần Mạnh Đô, bác sĩ CKI Bùi Thị Nhung thực hiện, với hỗ trợ từ kíp gây tê do bác sĩ CKI Nguyễn Thị Cẩm Tuyết phụ trách. 

Nhãn cầu của bệnh nhân đã được khâu phục hồi, máu tiền phòng được làm sạch, vết thương da mi được xử lý an toàn. Hiện, tình trạng bệnh nhân ổn định và đang hồi phục tốt.

Các bác sĩ Bệnh viện Mắt Hải Phòng khuyến cáo người dân khi lao động trong môi trường nguy hiểm cần tuân thủ các biện pháp an toàn và trang bị kính bảo hộ để bảo vệ đôi mắt, giảm thiểu nguy cơ gặp chấn thương không đáng có.

Cứu sống bệnh nhân 2 lần ngừng tuần hoàn

Theo chuyên trang Pháp Luật và Xã Hội, vừa qua, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc, các bác sĩ đã áp dụng kỹ thuật hạ thân nhiệt chỉ huy sớm, cứu sống người bệnh L.T.T (60 tuổi, trú tại xã Liên Châu, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc) ngay trong 3 giờ đầu kể từ khi phát hiện ngừng tuần hoàn.

Được biết, bệnh nhân L.T.T. trong đợt điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc đã được các bác sĩ thăm khám toàn diện và phát hiện có tình trạng rối loạn nhịp nhanh không đều, ngoại tâm thu thất nhiều. Đây là loại rối loạn nhịp nguy hiểm, có nguy cơ diễn biến nặng đột xuất. Người bệnh được điều trị kiểm soát nhịp bằng thuốc.

Bác sĩ thăm khám cho người bệnh. Ảnh: Pháp Luật và Xã Hội

Trong một lần bệnh nhân T. vào nhà vệ sinh của bệnh viện đã bất ngờ hôn mê, ngừng tuần hoàn trong nhà vệ sinh. Rất may mắn đã được phát hiện kịp thời, ngay lập tức các bác sĩ đã thực hiện cấp cứu ngừng tuần hoàn, 10 phút sau người bệnh có nhịp tim trở lại.

Bệnh nhân được chuyển đến khoa Cấp cứu để theo dõi. Nhưng ngay sau đó, bệnh nhân T. tiếp tục xuất hiện tình trạng ngừng tuần hoàn lần thứ hai và tiếp tục được các bác sĩ thực hiện các biện pháp cấp cứu.

Khoảng 20 phút căng thẳng “chiến đấu với tử thần”, các bác sĩ đã “giành” được nhịp đập trái tim cho bệnh nhân. Lúc này, bệnh nhân lại bị rơi vào tình trạng hôn mê, thở nhanh, mạch nhanh nhỏ, huyết áp thấp (duy trì 3 loại vận mạch).

Nhận định tình trạng bệnh nhân rất nguy kịch, đồng thời để giúp người bệnh tránh được những biến chứng nặng nề sau cấp cứu ngừng tuần hoàn, các bác sĩ đã sử dụng kỹ thuật hạ thân nhiệt chỉ huy sớm (phương pháp đạt hiệu quả cao khi ứng dụng điều trị ngay trong 3 giờ đầu kể từ khi phát hiện ngừng tuần hoàn).

Trải qua quá trình điều trị tích cực, người bệnh đã tỉnh lại sau 3 ngày, không có di chứng thần kinh, được rút ống thở, kết thúc hạ thân nhiệt sau 48h. Hiện bệnh nhân T. được tiếp tục điều trị và theo dõi sát.

Cấp cứu khẩn cấp người đàn ông nghi bị dị vật đường thở

Báo Đồng Nai đưa tin ngày 26/10, các y, bác sĩ Bệnh viện Âu Cơ đã cấp cứu khẩn cấp cho bệnh nhân Đ.Q.T. (37 tuổi). Bệnh nhân được người nhà đưa vào bệnh viện khoảng 10h trong tình trạng nguy kịch, mạch khó bắt, toàn thân tím tái, khó thở và lơ mơ. Theo người nhà bệnh nhân, anh T. có dấu hiệu nghẹn và khó thở khi đang ăn mì, nghi ngờ bị dị vật đường thở.

Các bác sĩ, điều dưỡng tập trung cấp cứu cho bệnh nhân. Ảnh: Báo Đồng Nai

Nhận thấy bệnh nhân đã có triệu chứng suy hô hấp trước khi nhập viện, các bác sĩ đã khẩn trương ưu tiên cấp cứu bệnh nhân bằng nghiệm pháp Heimlich (phương pháp cấp cứu đối với người bị dị vật đường thở).

Tuy nhiên, sau 3 lần thực hiện nghiệm pháp này không có kết quả, các bác sĩ đã quyết định đặt ống nội khí quản để hỗ trợ hô hấp cho anh T. Sau khi đặt ống nội khí quản bệnh nhân dần hồi tỉnh.

Bệnh nhân sau đó được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai để tiếp tục điều trị, đến nay sức khỏe đã có cải thiện.

Tin nổi bật