Báo Sài Gòn Giải Phóng đưa tin ngày 25/10, Bệnh viện Đà Nẵng cho biết, đơn vị vừa phẫu thuật thành công trường hợp u thân cảnh phải hiếm gặp với tỷ lệ mới 1-2 bệnh nhân/100.000 người cho nam bệnh nhân Đ.X.L (56 tuổi, trú quận Sơn Trà, TP.Đà Nẵng).
Trước đó, người bệnh đến khám tại Bệnh viện Đà Nẵng trong tình trạng khối u vùng cổ bên phải đau tức, sờ u đập theo nhịp đập của tim. Được các bác sĩ chỉ định siêu âm, chụp CT có thuốc cản quang tĩnh mạch vùng cổ và làm các xét nghiệm cận lâm sàng, bệnh nhân được chẩn đoán theo dõi u thân cảnh phải biến chứng chèn ép bó mạch cảnh phải, chỉ định nhập khoa Ngoại lồng ngực để điều trị phẫu thuật cắt bỏ khối u.
Các bác sĩ trao đổi về phác đồ điều trị cho bệnh nhân. Ảnh: Sài Gòn Giải Phóng
Là người trực tiếp phẫu thuật, bác sĩ CKII Thân Trọng Vũ - Trưởng khoa Ngoại lồng ngực Bệnh viện Đà Nẵng cho biết, quá trình phẫu thuật diễn ra khó khăn do u to tăng sinh nhiều mạch máu ôm lấy động mạch cảnh trong, động mạch cảnh ngoài và chỗ chia đôi của động mạch cảnh. U lớn lan lên trên nền sọ và xuống dưới gây chèn ép động mạch cảnh chung nên nguy cơ chảy máu trong và sau mổ rất cao.
Đồng thời, có khả năng tổn thương não trong quá trình kẹp động mạch cảnh để xử lý tổn thương động mạch cảnh trong khi phẫu tích. Sau 4 giờ phẫu thuật, các bác sĩ đã thành công trong việc lấy trọn khối u mà không để xảy ra biến chứng. Sau mổ, sức khỏe của bệnh nhân ổn định và được xuất viện.
Theo bác sĩ CKII Thân Trọng Vũ, u thân cảnh là một loại u hiếm gặp. Tỷ lệ mắc là 1-2 bệnh nhân/100.000 người, chiếm 0,6/100 các u vùng cổ. Bản chất của u thường lành tính tuy nhiên có khoảng 5-7% u có khả năng ác tính.
Phẫu thuật là phương pháp điều trị triệt căn duy nhất nhưng rất khó khăn, nhiều biến chứng thần kinh, mạch máu có thể xảy ra. Tại khoa Ngoại lồng ngực, 10 năm nay mới gặp trường hợp u này.
Theo VTV Times, Bệnh viện Đa khoa thị xã Phú Thọ vừa phẫu thuật cấp cứu thành công cụ ông 88 tuổi bị tắc ruột, viêm phúc mạc mật do viêm hoại tử túi mật và sỏi ống mật chủ gây tắc nghẽn.
Cụ thể, bệnh nhân N.Đ.C. (88 tuổi, trú tại xã Phú Hộ, thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ) có tiền sử phẫu thuật ổ bụng nhiều lần, vào viện cấp cứu trong tình trạng sốt cao rét run, da niêm mạc vàng, đau dữ dội vùng trên rốn và vùng bụng phải, buồn nôn, bụng chướng nhiều.
Kết quả xét nghiệm cho thấy dấu hiệu tắc mật, nhiễm trùng, suy gan, thận, rối loạn đông máu, giảm tiểu cầu. Kết quả CT-Scanner bụng có hình ảnh tắc ruột, giãn đường mật trong ngoài gan do sỏi ống mật chủ, túi mật căng to thành dày, thâm nhiễm xung quanh, nhiều dịch vùng dưới gan và vùng bụng phải.
Bệnh nhân nhanh chóng được xử trí hồi sức, hội chẩn đa chuyên khoa, chỉ định phẫu thuật cấp cứu: Gỡ dính ruột, cắt túi mật, mở ống mật chủ lấy sỏi, đặt dẫn lưu Kehr, lau rửa, dẫn lưu ổ bụng. Sau gần 2 giờ, ca phẫu thuật thực hiện thành công.
Sau hơn một tuần phẫu thuật, sức khỏe bệnh nhân hồi phục tốt, hết vàng da, không đau bụng, các chỉ số xét nghiệm về bình thường và được chỉ định xuất viện.
Sỏi ở ống mật chủ có thể gây ra triệu chứng đau bụng, sốt, vàng da do tắc mật, viêm đường mật cấp, hay viêm tụy cấp. Nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như nhiễm trùng huyết, viêm tụy hoại tử, sốc nhiễm trùng, suy đa cơ quan và thậm chí tử vong.
Vì vậy, khi có dấu hiệu bất thường như: Đau bụng, sốt, vàng da vàng mắt, phân bạc màu hoặc chuyển màu, nước tiểu sậm màu, ăn mất ngon, buồn nôn… người bệnh cần đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán bệnh chính xác và điều trị an toàn, hiệu quả.
Theo báo Giao Thông, các y bác sĩ tại Bệnh viện da liễu Trung ương không khỏi xót xa khi tiếp nhận bé N.T. (gần 2 tuổi, ở Nghệ An) trong tình trạng tổn thương nặng trên da nhiều vùng cơ thể.
Mẹ của bé cho biết, từ 3 tháng tuổi, trẻ đã có biểu hiện ngứa ngáy, đỏ lựng da, xuất hiện các nốt nhỏ li ti. Ban đầu vùng tổn thương da ở cổ, lưng, rồi sau đó lan ra khắp cơ thể.
Trẻ thường xuyên quấy khóc, mất ngủ, ngứa ngáy. Gia đình đã sử dụng nhiều loại thuốc lá để tắm, các loại thuốc không rõ thành phần bôi da cho trẻ nhưng không thuyên giảm.
Các y bác sĩ tiếp nhận bệnh nhi trong tình trạng tổn thương nặng trên da nhiều vùng cơ thể. Ảnh: Báo Giao Thông
3 tháng gần đây, bệnh tiến triển nặng hơn. Vùng đầu của trẻ xuất hiện rát đỏ, đóng vảy thành từng tảng. Tay, chân, mặt của trẻ cũng có có những đám đỏ loét dày đặc. Tới lúc này, gia đình mới đưa con xuống Bệnh viện Da liễu Trung ương thăm khám.
Đáng lưu ý, theo mẹ bệnh nhi, vào thời điểm sau khi sinh con, chị được các bác sĩ chẩn đoán mắc bệnh vẩy nến và điều trị tại Bệnh viện da liễu Trung ương. Tuy nhiên khi hồi phục, người mẹ không tái khám đúng hẹn và cũng tự ý sử dụng nhiều loại thuốc không rõ nguồn gốc khi bệnh tái phát.
Theo bác sĩ Đặng Tú Anh (Bệnh viện Da liễu Trung ương) cho biết, khi vào viện, trẻ có các tổn thương mủ tập trung thành ổ mủ trên nền rát đỏ, trợt loét, chảy dịch, bong vảy. Tổn thương lan tỏa chân tay, thân mình. Bệnh nhi bị đóng vảy tiết dày ở vùng đầu, tay chân.
Các bác sĩ chẩn đoán, trẻ mắc bệnh vảy nến, mức độ nặng. Để điều trị, các bác sĩ dùng thuốc bôi tại chỗ, nâng cao thể trạng cho trẻ. Sau đó, tùy vào đáp ứng của bệnh nhân, có thể cân nhắc dùng các thuốc điều trị toàn thân.
Sau 1 ngày vào viện, tình trạng của trẻ đã cải thiện hơn, tổn thương da giảm đỏ và vảy bắt đầu bong. Dù vậy, theo bác sĩ Đặng Tú Anh, bệnh nhân vẫn cần tiếp tục theo dõi khả năng đáp ứng để xác định phải điều trị lâu dài hay không.