VOV đưa tin ngày 22/10, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – Cuba Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình) tiếp nhận một bệnh nhi bị ngộ độc do ăn cà gai leo trên rừng. Bệnh nhi 8 tuổi, trú tại xã miền núi Ngân Thủy (huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu, nhịp tim rời rạc.
Người nhà bệnh nhi cho biết, quá trình lên rừng, bệnh nhi có hái cà gai leo để ăn. Sau đó, bệnh nhi có triệu chứng mệt, đau đầu, mê man và được đưa tới viện.
Bệnh nhi được cấp cứu tích cực nhưng do tình trạng quá nặng nên người nhà đã xin đưa cháu về nhà, sau đó bệnh nhi tử vong tại nhà. Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi ngừng hô hấp tuần hoàn, ngộ độc cà gai leo.
Cây cà gai leo.
Theo các bác sĩ, cà gai leo được đánh giá là một loại dược liệu tốt, tính ấm, vị the, có tính hơi độc được dùng chữa trị nhiều loại bệnh lý. Người ta thường dùng rễ, cành, lá của cà gai leo để chế xuất dạng thuốc sắc, cao lỏng hoặc viên. Loại dược liệu này cũng có thể dùng bằng cách giã nát lá, chiết nước uống và lấy bã đắp.
Tuy nhiên, trong cà gai leo chứa thành phần alcaloid có thể tác động lên hệ thần kinh giao cảm làm tăng nhịp tim, vã mồ hôi, giãn đồng tử, khô môi, khô miệng, chảy nước mắt, lơ mơ. Nếu sử dụng quá nhiều cà gai leo hoặc sử dụng không đúng cách có thể ngộ độc alcaloid, nguy cơ tử vong nếu không được xử trí kịp thời.
Theo báo Người Lao Động, tối 22/10, Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long cho biết vừa kịp thời cấp cứu thành công người đàn ông bị nguy kịch do xuất huyết não.
Cụ thể, ông P.V.D (35 tuổi; ngụ quận Cái Răng, TP.Cần Thơ) được gia đình đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long trong tình trạng nói đớ, liệt nửa người trái, sức ở cơ tay chân trái giảm. Thông tin từ người nhà chia sẻ, trước đó khoảng 20 phút, ông D. đang chạy xe máy thì đột ngột tê yếu nửa người.
Nhận thấy người bệnh có dấu hiệu của đột quỵ cấp, các bác sĩ tại khoa cấp cứu của bệnh viện ngay lập tức kích hoạt quy trình cấp cứu đột quỵ cấp. Người bệnh được chỉ định chụp cắt lớp vi tính sọ não, kết quả ghi nhận ổ xuất huyết não lớn tại vị trí bao trong nhân nền, thái dương phải, phù não xung quanh, đẩy lệch cấu trúc não sang trái. Người bệnh cần được phẫu thuật cấp cứu mở sọ gấp để giải phóng chèn ép cho não, lấy máu tụ và cầm máu.
Bệnh nhân dần hồi phục sau ca phẫu thuật. Ảnh: Người Lao Động
Khi phẫu thuật, ekip bác sĩ đã sử dụng kính vi phẫu để tiếp cận chính xác khối máu tụ trong não. Nhờ đó hạn chế tổn thương vùng não xung quanh và lấy được nhiều máu tụ nhất có thể, đồng thời xác định được vị trí chảy máu để cầm máu, giải phóng chèn ép cho não. Mảnh xương cắt ra khỏi hộp sọ người bệnh được nuôi dưỡng ở trung tâm bảo quản mô, khi người bệnh hồi phục sẽ tiến hành mổ lần 2 để ghép lại sau.
Ca mổ thành công sau gần 3 tiếng đồng hồ, người bệnh được hồi sức hậu phẫu 3 ngày đến khi tỉnh táo, tiếp xúc tốt. Sau đó, người bệnh được chuyển khoa Ngoại Thần kinh - Cơ xương khớp điều trị trong 10 ngày trước khi xuất viện theo dõi ngoại trú.
Bác sĩ Châu Huỳnh Thái Châu ở khoa Ngoại thần kinh – Cơ xương khớp của Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long cho biết, đột quỵ não là tình trạng khẩn cấp gồm 2 trường hợp là nhồi máu não và xuất huyết não. Thời gian cấp cứu kịp thời là yếu tố quyết định để bảo vệ tính mạng của người bệnh.
Theo TTXVN, ngày 22/10, Cơ quan y tế của Viện Robert Koch thông báo phát hiện ca đầu tiên nhiễm biến thể mới clade 1b của virus đậu mùa khỉ (mpox) tại Đức.
Bệnh nhân nhiễm virus từ nước ngoài và được phát hiện vào ngày 17/10. Viện Robert Koch khẳng định không thấy nguy cơ lây lan virus tại Đức và đang "theo dõi tình hình rất chặt chẽ".
Từ tháng 5/2022, biến thể clade 2 đã lan rộng khắp thế giới, chủ yếu ảnh hưởng đến những người đàn ông đồng tính và song tính ở châu Âu và Mỹ. Tháng 7/2022, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã ban bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng trên toàn cầu vì đậu mùa khỉ. Đây là mức báo động cao nhất về sự lây lan dịch bệnh.
Đậu mùa khỉ có các triệu chứng đau nhức cơ thể, sưng hạch bạch huyết và phát ban thành mụn nước. Ảnh minh họa
Các chiến dịch tiêm chủng và nâng cao nhận thức ở nhiều quốc gia đã giúp ngăn chặn đà lây lan trên toàn thế giới và WHO đã dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp vào tháng 5/2023, sau khi ghi nhận 140 ca tử vong trong số khoảng 87.400 ca mắc.
Tuy nhiên năm nay, một ổ dịch mới đã bùng phát ở CHDC Congo, mang biến thể clade 1b, cũng chủ yếu ảnh hưởng đến trẻ em như biến thể clade 1. Các trường hợp nhiễm biến thể clade 1b cũng đã được ghi nhận ở Burundi, Kenya, Rwanda và Uganda gần đó.
Đáng chú ý, không nơi nào trong số này từng ghi nhận ca mắc đậu mùa khỉ trước đây. WHO đã ban bố một trường hợp khẩn cấp quốc tế khác vào tháng 8/2024. Được biết, đậu mùa khỉ có các triệu chứng đau nhức cơ thể, sưng hạch bạch huyết và phát ban thành mụn nước.