Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tin tức đời sống 19/10/2024: “Căng não” cứu người đàn ông thoát cơn nguy kịch

  • Đinh Kim (T/h)
(DS&PL) -

Tin tức đời sống mới nhất ngày 19/10/2024. Cập nhật tin tức đời sống mới nhất ngày 19/10/2024 trên trang Đời sống & Pháp luật.

“Căng não” cứu người đàn ông thoát cơn nguy kịch

Báo Sức Khỏe & Đời Sống đưa tin, các bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Tiên Yên (tỉnh Quảng Ninh) đã phẫu thuật kịp thời, cứu sống ca bệnh bị tai nạn giao thông và chấn thương sọ não nặng.

Theo đó, bệnh nhân L.V.C (36 tuổi, trú tại xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh) vào Trung tâm Y tế Tiên Yên trong tình trạng hôn mê, đồng tử trái giãn tối đa, phản xạ ánh sáng kém, khối sưng nề đỉnh trái (kích thước 4x4cm), liệt nửa người phải và tiên lượng tình trạng bệnh nhân rất nguy kịch. Sau đó, người bệnh nhanh chóng được kiểm soát hô hấp, hồi sức tích cực.

Qua kết quả chụp chiếu, các bác sĩ kết luận bệnh nhân bị chấn thương sọ não nặng: chảy máu ngoài màng cứng trên dưới lều bán cầu trái, dập não phải, xuất huyết dưới nhện, phù não, vỡ xương sọ, xương mặt/viêm gan B, giảm tiểu cầu.

Nhận định đây là ca bệnh rất nặng, phức tạp, tình trạng người bệnh nguy kịch, tiên lượng tử vong cần mổ cấp cứu ngay, Ban Giám đốc trung tâm cùng ekip phẫu thuật, gây mê, hồi sức tiến hành hội chẩn, chỉ định phẫu thuật cấp cứu khẩn cấp cho bệnh nhân.

Các bác sĩ tiến hành phẫu thuật cho người bệnh. Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống

Trong 2 giờ phẫu thuật căng thẳng kết hợp hồi sức, truyền máu, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch. Tuy nhiên bệnh nhân cần theo dõi sát và điều trị tích cực sau phẫu thuật để tránh để lại các di chứng. Sau mổ, người bệnh được chuyển sang khoa Hồi sức tích cực - Chống độc.

Tại Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, bệnh nhân được an thần, thở máy, ăn qua sonde dạ dày, điều trị kháng sinh, chống phù não, bổ não. Sau ngày thứ 2, bệnh nhân đã cai máy thở. 

Nhờ các trang thiết bị hiện đại, đội ngũ y bác sĩ theo dõi, điều trị và chăm sóc tận tình, bệnh nhân từ hôn mê, bất động, dần dần tỉnh lại, mở mắt tự nhiên, có phản xạ với âm thanh, có cảm giác. Đến nay, sau hơn 10 ngày điều trị tích cực, sức khỏe bệnh nhân đã dần ổn định và đang phục hồi chức năng tốt.

Là người trực tiếp phẫu thuật cho bệnh nhân, bác sĩ CKII Lục Chiến Thắng cho biết: "Bệnh nhân L.V.C được phẫu thuật kịp thời sau chấn thương. Việc phẫu thuật sớm, kịp thời cho bệnh nhân chấn thương sọ não sẽ giúp bệnh nhân hồi phục tốt hơn và tránh được những di chứng sau này".

Nhiều lần bong gân cổ chân, đi khám nhận tin “sốc”

Khai thác bệnh sử, trong 1 năm qua, anh T.T.T (48 tuổi) đã gặp phải chấn thương bong gân cổ chân nhiều lần. Các chấn thương này đều xảy ra trong các tình huống vận động bình thường như đi bộ hoặc lên xuống cầu thang, theo báo Dân Trí.

Sau mỗi lần bong gân, anh T. đều gặp khó khăn khi đi lại, cảm thấy đau nhức và cổ chân ngày càng yếu đi. Người đàn ông đến khoa Chấn thương chỉnh hình của một bệnh viện đa khoa ở tỉnh Long An để thăm khám, sau lần chấn thương thứ ba khiến tình trạng đau nhức cổ chân kéo dài.

Tại đây, các bác sĩ tiến hành những bài kiểm tra lâm sàng và cận lâm sàng cần thiết cho bệnh nhân. Kết quả ghi nhận, cổ chân anh T. lỏng đáng kể, nhất là khi thực hiện các bài kiểm tra chức năng dây chằng.

Hình ảnh MRI cho thấy, toàn bộ hệ thống dây chằng bên ngoài cổ chân bệnh nhân bị đứt hoàn toàn, gây ra tình trạng mất vững cổ chân, khớp cổ chân thoái hóa, làm tăng nguy cơ chấn thương tái phát.

Hình ảnh MRI cho thấy toàn bộ hệ thống dây chằng bên ngoài cổ chân bệnh nhân bị đứt hoàn toàn. Ảnh: Dân Trí

Sau khi hội chẩn kỹ lưỡng, các bác sĩ khoa Chấn thương chỉnh hình quyết định tiến hành phẫu thuật tái tạo lại dây chằng bên ngoài cổ chân bệnh nhân bằng phương pháp nội soi.

Dưới sự hướng dẫn của hệ thống nội soi khớp, ekip điều trị đã dùng dụng cụ chuyên biệt để tái tạo lại hệ thống dây chằng bị đứt, bằng cách ghép dây chằng tự thân được làm từ gân khác ở vùng gối.

Quá trình này vừa giúp tái tạo lại độ vững chắc của cổ chân, đồng thời vùng gân bị lấy đi làm mảnh ghép cũng không bị ảnh hưởng nặng nề. Những ngày đầu tiên sau mổ, người bệnh được băng nẹp cổ chân và đặt ở tư thế nghỉ ngơi để giảm sưng, tạo điều kiện cho mô tái tạo.

Vài ngày sau mổ, người đàn ông đã được xuất viện và hướng dẫn cách tập vận động, cổ chân không còn tình trạng lỏng như trước. Anh có thể đi lại nhẹ nhàng mà không còn cảm thấy đau nhức nhiều như trước.

Theo bác sĩ CKI Nguyễn Tiến Lộc - khoa Chấn thương chỉnh hình, tình trạng bong gân cổ chân không xa lạ với những ai đam mê thể thao. Tại Việt Nam, ngay cả với những người lao động bình thường vẫn có thể bị bong gân khớp cổ chân.

Trong đa số trường hợp, tình trạng bong gân cổ chân có thể tự lành sau 3 tuần. Tuy nhiên, khoảng 30% bệnh nhân bị bong gân phải trải qua phẫu thuật để phục hồi lại tổn thương.

Các bác sĩ khuyến cáo, người dân khi bị chấn thương nên đi khám và điều trị kịp thời. Không nên chủ quan, cố chịu đựng cơn đau hoặc tự ý sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc, xoa bóp, nắn khớp... sẽ rất nguy hiểm, gây khó khăn cho quá trình điều trị về sau.

Vì sao ngày càng nhiều người trẻ mắc bệnh tim?

Báo Sức Khỏe & Đời Sống dẫn thông tin từ Ths.Bs Nguyễn Anh Dũng - Trưởng đơn vị Can thiệp tim mạch - khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Bưu điện, cho biết các bệnh tim mạch là nguyên nhân tử vong hàng đầu trên thế giới. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính mỗi năm toàn cầu có 17,5 triệu người tử vong do các bệnh tim mạch.

Tại Việt Nam, mỗi năm khoảng 200.000 người tử vong vì bệnh tim mạch, chiếm 33% tổng số ca tử vong. Số người trẻ mắc bệnh ngày càng tăng, 11-13% mỗi năm, trong đó nhiều trường hợp 25-35 tuổi bị nhồi máu cơ tim, suy tim...

Đáng chú ý, các ca tim mạch ở người trẻ thường diễn biến rất nặng, cần những can thiệp rất nhanh để có thể cứu sống được người bệnh.

Tổ chức Y tế thế giới ước tính mỗi năm toàn cầu có 17,5 triệu người tử vong do các bệnh tim mạch. Ảnh minh họa

Lý giải nguyên nhân khiến số ca mắc bệnh tim mạch ở người trẻ ngày càng tăng, bác sĩ Dũng cho rằng do chế độ dinh dưỡng không hợp lý, thừa cân béo phì, nguy cơ hình thành các mảng vữa xơ động mạch, tăng huyết áp.

Bên cạnh đó là lối sống lười vận động, lạm dụng rượu bia, hút thuốc lá, thường xuyên căng thẳng, bị áp lực trong cuộc sống cũng khiến số ca mắc mới tăng.

Ngoài ra, không khí ô nhiễm có mối liên quan đến khoảng 1/4 các trường hợp tử vong do bệnh lý tim mạch và đột quỵ, theo WHO. Khi tiếp xúc các nguồn ô nhiễm khác thường xuyên và lâu dài sẽ làm tăng 10-20% nguy cơ mắc các bệnh tim mạch và đột quỵ.

Đặc biệt, người trẻ thường chủ quan không nghĩ mình bệnh, không nhận biết được các triệu chứng của nhồi máu cơ tim, bỏ lỡ "thời gian vàng" trong điều trị, tăng biến chứng, thậm chí tử vong.

Theo các bác sĩ, bệnh tim mạch được ví như "sát thủ thầm lặng" vì thường diễn biến âm thầm. Hầu hết trường hợp tử vong tim mạch chủ yếu do không được phát hiện và điều trị kịp thời. Chẳng hạn, bệnh lý tăng huyết áp thường không có triệu chứng cụ thể, chỉ khi đo huyết áp người bệnh mới thấy chỉ số huyết áp tăng cao. Vì thế nên người bệnh chủ quan trong điều trị và theo dõi tình trạng bệnh.

Tỷ lệ tăng huyết áp ở người trưởng thành tăng khoảng 1% mỗi năm và chiếm 25%, cứ 4 người trưởng thành có một người tăng huyết áp. Tăng huyết áp làm tăng nguy cơ tử vong do đột quỵ lên gấp 4 lần và tăng nguy cơ tử vong do bệnh lý tim mạch lên gấp ba lần so với người không mắc bệnh.

Tin nổi bật