VTV Times đưa tin ngày 19/10, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai cho biết vừa ghi nhận ca tử vong do bệnh dại sau gần 1 năm bị mèo cắn, không tiêm vaccine phòng dại. Đây là ca tử vong do bệnh dại thứ 3 từ đầu năm 2024 đến nay tại Đồng Nai và đều không tiêm vaccine phòng dại.
Theo đó, bệnh nhân là ông D.T.Đ. (50 tuổi, ngụ ấp 5, xã Nam Cát Tiên, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai), là thợ xây. Theo kết quả điều tra dịch tễ, gia đình ông Đ. có nuôi 2 con chó và 1 con mèo (mèo hoang tự đến nhà ở).
Đầu tháng 11/2023, trong lúc 2 con chó và mèo đang đùa giỡn, cắn nhau, ông Đ. đưa tay ra ngăn và bị con mèo cắn vào ngón tay, gây chảy máu. Tuy nhiên, ông Đ. chỉ rửa vết thương bằng nước và không đi tiêm vaccine phòng bệnh dại.
Sau khi ghi nhận ca bệnh, ngành Y tế đã tiến hành điều tra dịch tễ. Theo đó, xung quanh khu vực sinh sống nhà ông Đ. có 19 con chó, 6 con mèo đều chưa được tiêm phòng bệnh dại, chưa ghi nhận sự bất thường như mất tích hay ốm chết.
Người đàn ông 50 tuổi tử vong do bệnh dại sau gần 1 năm bị mèo cắn, không tiêm vaccine phòng dại. Ảnh minh họa
Lực lượng chức năng đã tiến hành phun khử khuẩn theo quy định ổ dịch chó nghi dại; tuyên truyền, vận động người dân đi tiêm vaccine phòng bệnh dại khi bị chó, mèo cắn, cào; tiêm phòng bệnh dại cho đàn chó, mèo trong khu vực.
Ngoài ra, lực lượng chức năng cũng chia sẻ thông tin về trường hợp người dương tính với virus dại đã tử vong cho các địa phương nơi bệnh nhân đã từng đến làm việc gồm: Bà Rịa - Vũng Tàu, Đắk Nông, Khánh Hòa, Long An để cảnh báo, điều tra, xác minh các yếu tố nguy cơ.
Ngành Y tế khuyến cáo, người dân cần nâng cao nhận thức, chủ động đi tiêm vaccine phòng bệnh dại khi bị chó, mèo cắn, cào; tiêm phòng đầy đủ cho đàn chó, mèo. Người dân chủ động khai báo với cơ quan thú y trong khu vực khi chó, mèo có biểu hiện bất thường để lấy mẫu xét nghiệm và có hướng xử lý kịp thời.
Tính đến hết ngày 10/10, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có 31 ổ dại trên chó ở 6/11 huyện, thành phố.
Theo VOV, chiều 19/10, UBND TP.Đồng Xoài (tỉnh Bình Phước) xác nhận, có một trường hợp học sinh trên địa bàn tử vong do sốt xuất huyết. Trường hợp tử vong là bé trai T.V.M.N (7 tuổi) - học sinh trường Tiểu học P.T, ở phường Tân Phú, TP.Đồng Xoài.
Theo thông tin từ Trung tâm Y tế thành phố Đồng Xoài, bé T.V.M.N bắt đầu có biểu hiện sốt và mệt mỏi từ ngày 3/10. Sau khi điều trị tại các cơ sở y tế địa phương, tình trạng bệnh chuyển biến xấu và bé đã được chuyển đến Bệnh viện Nhiệt đới TP.HCM. Tuy nhiên, do bệnh đã chuyển biến nặng, bé đã không qua khỏi và tử vong vào chiều 18/10.
Điều đáng lưu ý, ngày 15/10, em gái 18 tháng tuổi của bé T.V.M.N cũng đã được chẩn đoán mắc bệnh sốt xuất huyết. Điều này cho thấy nguy cơ lây nhiễm bệnh trong cộng đồng là rất cao.
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, các cơ quan chức năng đã khẩn trương triển khai các biện pháp phòng chống như đã tiến hành phun hóa chất diệt muỗi, lăng quăng tại các khu vực xung quanh nhà bé T.V.M.N, trường học và các khu vực nghi ngờ có dịch.
Địa phương cũng đã tăng cường công tác vệ sinh môi trường, thu gom các vật dụng chứa nước đọng, loại bỏ các nơi sinh sản của muỗi; tuyên truyền về các biện pháp phòng chống sốt xuất huyết cho người dân.
Để phòng tránh bệnh sốt xuất huyết, Trung tâm Y tế TP.Đồng Xoài khuyến cáo người dân chủ động loại bỏ các vật chứa nước đọng, đây là nơi sinh sản của muỗi, ngủ màn giúp tránh bị muỗi đốt. Khi có dấu hiệu sốt, đau đầu, mệt mỏi, cần đến ngay các cơ sở y tế để khám và điều trị.
Theo VTV Times, bệnh nhân Đ.H.L. (72 tuổi, trú tại phường Ngô Quyền, TP.Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang) trong lúc ăn sáng không may nuốt luôn cả hàm răng giả gây đau đớn, nghẹn, khó chịu. Bệnh nhân cố tìm cách tự lấy ra nhưng không được nên vội vàng đến bệnh viện can thiệp.
Qua thăm khám, chụp X-quang, các bác sĩ phát hiện cầu răng với ba răng giả có đầu kim loại cứng đang mắc kẹt tại dạ dày. Bệnh nhân được chỉ định nội soi lấy dị vật ra khỏi đường tiêu hóa.
Khoảng 10 phút, bằng phương pháp dùng thòng lọng lồng vào dị vật đưa ra ngoài, các bác sĩ đã lấy ra cầu răng giả có kích thước khoảng 20x8mm.
Sau khi lấy dị vật ra khỏi dạ dày, sức khỏe bệnh nhân hoàn toàn ổn định, không còn đau, vướng, cảm giác dễ chịu, được các bác sĩ cho xuất viện về nhà trong ngày.
Cầu răng với ba răng giả có đầu kim loại cứng được lấy ra ngoài. Ảnh: VTV Times
Hàng năm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang tiếp nhận rất nhiều trường hợp dị vật tiêu hóa là dụng cụ sinh hoạt như răng giả, vỏ thuốc, tăm... Để tránh mắc phải dị vật, người dân nên thận trọng khi ăn uống, nhai kỹ, nuốt chậm, không ăn vội vàng, tránh nuốt sặc hay hít sặc.
Với những người có sử dụng răng giả thì càng nên cẩn trọng khi ăn, nhất là răng giả đã dùng lâu ngày có thể bị mòn, bị lỏng chân, không bám chặt vào hàm và rơi ra rất nguy hiểm vì dễ lọt vào đường ăn và đường thở. Khi đã lỡ nuốt sặc hay hít sặc, nên nhanh chóng đến bệnh viện để được can thiệp kịp thời.