Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tin tức đời sống 27/1: Hơn 200 y bác sĩ xuyên đêm ghép tạng, hồi sinh 4 cuộc đời

  • Đinh Kim (T/h)
(DS&PL) -

Hơn 200 y bác sĩ xuyên đêm ghép tạng, hồi sinh 4 cuộc đời; Cứu nam thanh niên bị hôn mê sâu, ngừng tuần hoàn… là những tin tức đời sống đáng chú ý ngày 27/1.

200 y bác sĩ xuyên đêm ghép tạng, hồi sinh 4 cuộc đời

Theo TTXVN, PGS.TS.BS Nguyễn Hoàng Bắc - Giám đốc Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, Chi hội Trưởng Chi hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người liên viện khu vực Nam Bộ, cho biết trong những ngày cận Tết Nguyên đán, đơn vị này tiếp nhận một bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch. Dù được đội ngũ y bác sĩ điều trị tích cực nhưng tình trạng người bệnh không cải thiện, rơi vào tình trạng chết não.

Ngay lập tức, nhân viên Phòng Công tác xã hội của bệnh viện đã giải thích ý nghĩa của việc hiến tạng cho gia đình người bệnh. Với tấm lòng nhân đạo, thân nhân người bệnh đã đồng ý hiến tạng để cứu những người bệnh khác. Hội đồng chuyên môn đã nhiều lần đánh giá và kết luận: người bệnh chết não và đủ điều kiện hiến tạng.

Chiều 24/1, một cuộc họp khẩn cấp giữa Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia, các chuyên gia của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội), các đơn vị phụ trách của Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM đã diễn ra nhằm rà soát công tác chuẩn bị, phương án phối hợp lấy- ghép đa tạng.

Các bác sĩ cũng xem xét, đánh giá tình trạng những người bệnh phù hợp trong danh sách chờ ghép, bảo đảm sự hòa hợp tốt với tạng hiến. Phương án lấy tạng cũng như ghép toàn bộ tạng được quyết định thực hiện ngay tại Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM.

Các y bác sĩ Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM mặc niệm tri ân người hiến tạng trước khi thực hiện lấy tạng. Ảnh: TTXVN

20 giờ ngày 24/1, các ekip lần lượt thực hiện lấy tim, gan và hai thận khỏi cơ thể người hiến, ngay sau đó, ekip ghép tạng cũng vào cuộc và thực hiện ghép xuyên đêm cho người bệnh. Các ca ghép thận, tim, gan cho 4 người bệnh hoàn thành vào rạng sáng 25/1.

Tim được ghép cho một bé trai 12 tuổi mắc bệnh cơ tim hạn chế, gan được ghép cho một người bệnh bị ung thư biểu mô tế bào gan, hai thận được ghép cho hai người bệnh suy thận mạn giai đoạn cuối.

Để đảm bảo việc lấy tạng, ghép tạng kịp thời, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM đã huy động hơn 200 y bác sĩ, điều dưỡng, hậu cần.

“Do việc lấy tạng, hiến tạng vào đúng ngay thời điểm cận Tết, nhiều y bác sĩ đã có kế hoạch nghỉ Tết nhưng với tinh thần trách nhiệm đồng thời trân quý món quà hiến tặng quý giá của người hiến và gia đình nên các y bác sĩ đã cố gắng ở lại hoàn thành các ca ghép cũng như chăm sóc hậu phẫu cho người bệnh”, PGS.TS.BS Nguyễn Hoàng Bắc thông tin.

Trước đó, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM cũng đã thực hiện thành công ca lấy mô, tạng từ một người hiến chết não và lấy được 6 tạng để cứu sống 6 người bệnh.

Tim và hai giác mạc được chuyển ra Huế để ghép cho hai người bệnh tại Bệnh viện Trung ương Huế; gan được ghép cho người bệnh ung thư gan và hai thận được ghép cho hai người bệnh suy thận giai đoạn cuối ngay tại Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM.

Đây là những thành quả đầu tiên của việc thành lập “Chi hội vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người liên viện khu vực Nam Bộ” và Lễ phát động “Đăng ký hiến tặng mô, bộ phận cơ thể người - Cho đi là còn mãi” được tổ chức tại Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM vào tháng 12/2024.

Sự kiện cũng là cột mốc quan trọng trong công tác tư vấn và vận động hiến tạng tại các tỉnh thành khu vực phía Nam, góp phần mở rộng mạng lưới hiến tạng trên toàn quốc, lan tỏa thông điệp nhân văn, giúp nhiều người bệnh có cơ hội được cứu sống.

“Việc vận động thành công hai trường hợp hiến tạng và triển khai ghép đa tạng trong thời gian ngắn đánh dấu vai trò quan trọng của đội ngũ vận động hiến tạng, cũng như sự chủ động, luôn sẵn sàng trong việc lấy và ghép đa tạng của bệnh viện. Chúng tôi hy vọng rằng hành động nhân văn sẽ tiếp tục lan tỏa, mở ra thêm nhiều cơ hội hồi sinh cho những người bệnh cần được ghép tạng,” PGS.TS.BS Nguyễn Hoàng Bắc chia sẻ.

Cứu nam thanh niên bị hôn mê sâu, ngừng tuần hoàn

Báo Sức Khỏe & Đời Sống đưa tin, sáng 26/1, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam đã tiễn anh L.V.T. (29 tuổi, quê Quảng Nam) về sum họp cùng gia đình đón Tết Ất Tỵ.

Trước đó, anh T. được đưa vào viện trong tình trạng ngừng tuần hoàn, hôn mê sâu. Các bác sĩ tiến hành sốc điện, hình ảnh điện tim có ST chênh thành trước, rối loạn nhịp với ngoại tâm thu thất chùm đôi.

Khai thác thông tin người nhà bệnh nhân được biết, anh T. có tiền sử nhồi máu cơ tim ST chênh, được đặt Stent động mạch vành tại bệnh viện khác trước đó 10 ngày.

Ngay lập tức, bác sĩ khoa Cấp cứu, đơn vị Can thiệp tim mạch, khoa Nội tim mạch và khoa Hồi sức tích cực - chống độc hội chẩn đánh giá đây là trường hợp nặng, nguy cơ cao tử vong hoặc để lại di chứng nặng nề về não vì bệnh nhân đã có dấu hiệu hôn mê với ngừng tuần hoàn trước đó.

Trước tình hình đó, các bác sĩ đã đưa ra kế hoạch cụ thể, khẩn trương cứu người bệnh đồng thời bảo vệ não tối đa, giảm di chứng bằng máy đảm bảo oxy, hồi sức tuần hoàn, kiểm soát nhịp tim. Song song, thực hiện chụp mạch vành có kết quả hình ảnh mạch vành có xơ vữa nhẹ, không có tắc mạch. 

Bệnh nhân được kết thúc điều trị vào ngày 26/1 để kịp về sum họp đón Tết Nguyên đán cùng gia đình. Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống

Sau đó chuyển người bệnh vào khoa Hồi sức tích cực - chống độc tiến hành hạ thân nhiệt chỉ huy.  Được biết, hạ thân nhiệt chỉ huy là phương pháp dùng kỹ thuật làm lạnh hạ thân nhiệt người bệnh xuống 33 - 36 độ C trong 24 – 72 giờ với tác dụng làm giảm tiến trình tổn thương não thứ phát do thiếu oxy: Co giật, phù não, giảm rối loạn chuyển hóa tế bào sau khi ngừng tim. 

Bệnh nhân được dùng các tấm dán hạ nhiệt lên bề mặt da và điều khiển nhiệt bằng máy, kết hợp với kỹ thuật hồi sức tích cực, kiểm soát huyết áp, phòng rối loạn nhịp tái phát.

Quá trình hạ thân nhiệt diễn ra trong 24 giờ. Người bệnh tiến triển tốt, ổn định huyết động. Sau 2 ngày điều trị, người bệnh tỉnh táo, được rút ống nội khí quản.

Bên cạnh đó, bệnh nhân được tầm soát thêm nguyên nhân nhồi máu cơ tim, rối loạn nhịp người trẻ và được kết thúc điều trị vào ngày 26/1 để kịp về sum họp đón Tết Nguyên đán cùng gia đình.

Bác sĩ Nguyễn Bảo Chi ở khoa Hồi sức tích cực – chống độc chia sẻ, tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam, kỹ thuật hạ thân nhiệt chỉ huy cũng đã được áp dụng thành công để kiểm soát thân nhiệt mục tiêu ở các bệnh nhân tổn thương não cấp như đột quỵ nhồi máu não, xuất huyết não và chấn thương sọ não nặng có tình trạng sốt cao kháng trị, phù não kém đáp ứng điều trị thông thường khác.

Người phụ nữ đi cấp cứu sau bữa trưa có món cá kho

Theo VietNamNet, ngày 26/1, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình cho biết, khoa Tai - Mũi - Họng vừa điều trị thành công một ca hóc xương cá phức tạp, gây viêm nhiễm nặng tại chỗ và toàn thân.

Cụ thể, nữ bệnh nhân 67 tuổi (trú tại TP.Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình) nhập viện ngày 23/1 trong tình trạng nuốt đau nhiều kèm khó khăn khi ăn uống, tăng tiết đờm dãi, thỉnh thoảng xuất hiện cơn thở rít, khó thở.

Khoảng 2 tuần trước, trong bữa ăn trưa có món cá kho, người bệnh đột ngột cảm thấy đau nhiều ở vùng họng và không thể ăn uống. Tại bệnh viện, các bác sĩ chẩn đoán nguyên nhân do hóc xương cá dẫn đến viêm tấy, phù nề hạ họng phải. 

Nhận định đây là trường hợp hóc dị vật phức tạp, các bác sĩ chỉ định chụp cắt lớp vi tính 64 dãy có dựng hình 3D. Kết quả cho thấy xương cá nằm ở xoang lê bên phải, cạnh thành khí quản, ngang mức đốt sống C4.

Đây là vị trí rất nguy hiểm vì dị vật có thể gây viêm nhiễm nặng tại chỗ và toàn thân; tổn thương thành họng, dẫn đến áp xe; tổn thương các mạch máu lớn; chèn ép đường thở, gây ngạt thở và tử vong.

Đoạn xương cá sắc nhọn, dài khoảng 1cm được lấy ra ngoài. Ảnh: VietNamNet

Sau khi điều trị hồi sức, nâng cao thể trạng, sử dụng kháng sinh và thuốc chống viêm, người bệnh được chỉ định gây mê nội khí quản và nội soi gắp dị vật.

Kíp phẫu thuật của bác sĩ CKII Hồ Quốc An và ThS.BS Lê Công Hải đã thành công lấy ra một đoạn xương cá sắc nhọn, dài khoảng 1cm. Quá trình thực hiện an toàn, không xảy ra tai biến hay biến chứng.

Các bác sĩ khuyến cáo, khi bị hóc dị vật, người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế chuyên khoa để được xử trí kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm.

Để phòng tránh sự cố, khi ăn thực phẩm có xương, người dân cần chú ý nhai kỹ, tránh cười đùa, nói chuyện trong lúc ăn để giảm nguy cơ hóc. Với người già và trẻ nhỏ, nên gỡ xương cẩn thận trước khi ăn. Nếu nấu cháo, cần lọc kỹ để loại bỏ xương nhỏ.

Tin nổi bật