Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tin tức đời sống 24/1: Bé trai tử vong sau khi uống mật cá trắm chữa bệnh

  • Đinh Kim (T/h)
(DS&PL) -

Bé trai tử vong sau khi uống mật cá trắm chữa bệnh; Người đàn ông mang khối u hiếm gặp suốt 10 năm… là những tin tức đời sống đáng chú ý ngày 24/1.

Bé trai tử vong sau khi uống mật cá trắm chữa bệnh

Theo VietnamPlus, ngày 23/1, Bệnh viện Nhi Trung ương thông tin, các bác sĩ tại bệnh viện đã tiếp nhận ca ngộ độc mật cá trắm, là bé trai 6 tuổi ở Sơn La. Các bác sĩ đã rất nỗ lực cứu chữa nhưng tình trạng trẻ quá nặng nên không thể qua khỏi.

Khai thác bệnh sử, gia đình bệnh nhi cho biết, 2 tuần gần đây trẻ bị viêm phổi điều trị tại bệnh viện huyện. Sau khi nghe lời mách rằng uống mật cá trắm có thể chữa bệnh và tăng cường sức khỏe, gia đình đã tự cho cháu bé uống.

Vài phút ngay sau khi uống, trẻ có biểu hiện tím tái, suy hô hấp, tim chậm. Trẻ được cấp cứu tại cơ sở y tế địa phương rồi vận chuyển cấp cứu đến Bệnh viện Nhi Trung ương.

Trẻ được đưa đến Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng hết sức nguy kịch, ngừng thở, ngừng tim. Mặc dù đã được cấp cứu có tim trở lại, nhưng do tình trạng bệnh nhi quá nặng nên đã không qua khỏi.

Trong các loại mật cá thuộc họ cá chép như cá mè, cá trôi, cá trắm hay kể cả các loại cá tầm đều chứa một loại độc tố nguy hiểm là 5α-cyprinol. Ảnh minh họa: Tuổi Trẻ Online

Theo các bác sĩ, các ca ngộ độc do nuốt mật cá trắm khá phổ biến nhưng thường ở người lớn, bởi nhiều người nghĩ mật cá trắm to rất tốt cho sức khỏe, thậm chí có tác dụng chữa bệnh nên ăn mật cá.

Tuy nhiên, bên trong các loại mật cá thuộc họ cá chép như cá mè, cá trôi, cá trắm hay kể cả các loại cá tầm đều có chứa một loại độc tố nguy hiểm là 5α-cyprinol. Đây là một hợp chất alcohol độc của mật với 5 nhóm hydroxyl trong phân tử. Độc tố này bền vững với nhiệt, giữ độc tính khi nấu chín nên kể cả khi nấu chín ăn vào vẫn sẽ gây ngộ độc.

Khi nuốt vào dạ dày, chất độc này gây tổn thương, gây viêm, loét đường tiêu hóa, gây đau bụng, nôn và tiêu chảy… Sau đó, nhanh chóng làm tổn thương, suy thận, hoại tử ống thận, tổn thương gan gây suy gan…

Khi ngộ độc mật cá trắm, trường hợp nhẹ thường có biểu hiện rối loạn tiêu hóa như đau bụng, nôn và đại tiện phân lỏng nhiều lần, nhưng tiểu tiện vẫn bình thường. Trường hợp nặng có thể dẫn đến suy thận cấp, suy gan cấp, suy đa tạng, vô niệu, hôn mê và có thể tử vong.

Người đàn ông mang khối u hiếm gặp suốt 10 năm

Theo báo Sức Khỏe & Đời Sống, anh N.V.T (52 tuổi, Hà Nội) mang trong mình nỗi lo lắng về một khối u vùng tầng sinh môn suốt 10 năm. Khối u ngày càng lớn, gây khó khăn khi ngồi và đi lại, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống sinh hoạt.

Theo lời kể, anh T. từng điều trị tại nhiều nơi bằng uống thuốc kết hợp thảo dược nhưng không hiệu quả, khối u vẫn tiếp tục phát triển. Gần đây, may mắn thay, qua tìm hiểu thông tin anh T. đã tìm đến khoa Nam học - Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.

Tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, sau khi thăm khám, ThS.BS Nghiêm Trung Hưng ở khoa Nam học chẩn đoán anh T. mắc nang biểu bì tầng sinh môn - một dạng u nang lành tính hiếm gặp, thường xuất hiện ở mặt, cổ hoặc thân mình, rất ít khi gặp ở tầng sinh môn.

Ca phẫu thuật cắt bỏ nang đã diễn ra thành công, khối u khoảng 7cm được lấy ra. Sau 5 ngày phẫu thuật, anh T. được xuất viện với vết mổ liền tốt, không còn lo lắng về khối u “đeo bám” mình suốt 10 năm.

Các bác sĩ tiến hành phẫu thuật cho người bệnh. Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống

Theo bác sĩ Nghiêm Trung Hưng, nang biểu bì là một loại u nang lành tính, thường nhỏ và không có triệu chứng. Tuy nhiên, trong một số trường hợp hiếm gặp, nang có thể phát triển với kích thước lớn (như trường hợp của anh T.) và gây ra các biến chứng thậm chí ung thư hóa.

Loại nang này thường được nhìn thấy ở những vùng da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời mãn tính bao gồm mặt, cổ hoặc thân mình, với vị trí tầng sinh môn và tứ chi hiếm gặp. Tỷ lệ mắc bệnh ở nam giới cao gấp đôi so với nữ giới và có thể được chẩn đoán ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp hơn ở thập kỷ thứ ba và thứ tư của cuộc đời

Cứu bé 3 tháng tuổi bị bệnh sởi biến chứng viêm phổi

Thời báo VTV đưa tin, bé trai 3 tháng tuổi, vào viện vì sốt cao liên tục khó hạ kèm ho, khàn tiếng, phát ban, mắt đỏ, có tiền sử tiếp xúc với trẻ mắc bệnh sởi.

Các bác sĩ nhận thấy bệnh nhi có các triệu chứng và yếu tố dịch tễ phù hợp với chẩn đoán của bệnh sởi biến chứng viêm phổi. Cùng với đó, phim X-quang tim phổi thẳng bé có tràn khí màng phổi chèn ép một bên, dẫn đến suy hô hấp nặng và nhanh. 

Phim chụp cho thấy bệnh nhi bị tràn khí màng phổi. Ảnh: Thời báo VTV

Ngay lập tức, bệnh nhi được đặt nội khí quản, thở máy thông số cao, can thiệp dẫn lưu khí màng phổi giải áp thành công, mặc dù lồng ngực của bệnh nhi rất nhỏ để can thiệp thủ thuật, phối hợp kháng sinh đường tĩnh mạch, truyền Gamma Globulin và vitamin A theo phác đồ. 

Qua 5 ngày điều trị tích cực, tình trạng bệnh nhi dần được cải thiện, thông số máy giảm dần và cai máy thành công.

Qua đây, Bệnh viện Nhi đồng TP.Cần Thơ khuyến nghị cha mẹ hoặc người chăm sóc phát hiện bé có các đặc điểm như sốt cao, phát ban, mắt đỏ, ho... thì nên đưa bé đến cơ sở y tế gần nhất để khám và điều trị kịp thời, hạn chế biến chứng nguy hiểm cho trẻ.

Tin nổi bật