Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tin tức đời sống ngày 22/1: Phát hiện ung thư từ nốt đen nhỏ như hạt đỗ ở cằm

  • Đinh Kim (T/h)
(DS&PL) -

Phát hiện ung thư từ nốt đen nhỏ như hạt đỗ ở cằm; Người đàn ông nhập viện cấp cứu sau liên hoan cuối năm… là những tin tức đời sống đáng chú ý ngày 22/1/2025.

Phát hiện ung thư từ nốt đen nhỏ như hạt đỗ ở cằm

Theo báo Dân Trí, ngày 21/1, Bệnh viện Da liễu Trung ương thông tin về hai ca ung thư da vừa được phát hiện. Trường hợp đầu tiên là nữ bệnh nhân 34 tuổi, đến khám tại khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và phục hồi chức năng do có khối u tăng sắc tố, đen bóng vùng cằm.

Nữ bệnh nhân cho biết, khối u này ban đầu chỉ nhỏ như hạt đỗ, xuất hiện từ lâu nhưng khoảng 6 tháng nay tăng dần kích thước.

Bác sĩ Vũ Nguyên Bình ở Bệnh viện Da liễu Trung ương chia sẻ, bệnh nhân được xác định có khối u tăng sắc tố, đen bóng vùng cằm trái, kích thước 0.5x0.5cm, ranh giới rõ với da lành.

Kết quả chẩn đoán khẳng định bệnh nhân bị ung thư biểu mô tế bào đáy thể nông và thể thâm nhiễm. "Chúng tôi đã hội chẩn trước phẫu thuật, thống nhất phẫu thuật để điều trị bệnh ung thư da cho người bệnh", bác sĩ Bình cho hay.

Hình ảnh nốt đen ở cằm của người bệnh. Ảnh: Dân Trí

Theo bác sĩ Bình, bệnh ung thư biểu mô tế bào đáy thường xuất hiện ở bệnh nhân lớn tuổi hoặc tiếp xúc với ánh sáng cường độ mạnh và hóa chất trong thời gian dài. Các trường hợp bệnh ung thư tế bào đáy gặp ở người trẻ tuổi rất hiếm, trừ trường hợp tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ cao.

Nữ bệnh nhân này trong 5 năm gần đây làm việc trong môi trường tiếp xúc trực tiếp với hóa chất gây ung thư, là yếu tố nguy cơ cao có thể gây bệnh.

Bệnh ung thư tế bào đáy có hình ảnh tổn thương giống với nốt ruồi, nếu không phải là bác sĩ chuyên khoa thì rất dễ dàng bỏ sót tổn thương. Tổn thương có hình ảnh tương tự nốt ruồi nên dễ bị bỏ qua.

Ca bệnh thứ hai là nam bệnh nhân 86 tuổi, đến khám tại khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và phục hồi chức năng với chẩn đoán ung thư biểu mô tại chỗ của da. Khai thác tiền sử cho thấy, bệnh nhân xuất hiện khối u tăng sắc tố ở cánh mũi trái, không đau không ngứa.

Cách đây 2 năm, bệnh nhân đi khám ở một bệnh viện tại Hà Nội, chẩn đoán không rõ và được chỉ định đốt laser loại bỏ tổn thương nhưng không đỡ, khối u sắc tố lại mọc lên.

Gần đây, tổn thương có biểu hiện ngứa, tăng nhanh kích thước, chảy máu khi nặn, kèm loét và đóng vảy tiết, ông đã đến Bệnh viện Da liễu Trung ương khám.

Theo bác sĩ Bình, khối u vùng cánh mũi trái của bệnh nhân tăng sắc tố, ranh giới rõ, kích thước 1.5x1.2cm, bề mặt đóng vảy tiết. Bệnh nhân cũng mắc một số bệnh như tăng huyết áp, đái tháo đường… Kết quả chẩn đoán cho thấy bệnh nhân ung thư biểu mô tế bào đáy thể u và nhập viện điều trị.

"Đáng nói, cả 2 bệnh nhân đều nghĩ đây chỉ là nốt bình thường trên da, như nốt ruồi, nên dù tổn thương xuất hiện và tiến triển dần trong một thời gian dài nhưng không đi khám và điều trị", bác sĩ Bình chia sẻ.

Như trường hợp nam bệnh nhân này, tổn thương to, xâm lấn toàn bộ cánh mũi dẫn đến việc phẫu thuật và tạo hình lại khuyết cánh mũi sau khi phẫu thuật cắt bỏ khối u tương đối phức tạp.

Bác sĩ Bình lưu ý, người dân cần chú ý khi có các tổn thương to dần theo thời gian, có dấu hiệu loét, chảy máu chảy dịch thì cần phải đi khám sớm và điều trị kịp thời tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.

Để phòng ngừa ung thư da, cần hạn chế tiếp xúc với ánh nắng mặt trời gay gắt, bằng cách đội mũ, áo chống nắng, bôi các loại kem chống nắng.

Người đàn ông nhập viện cấp cứu sau bữa liên hoan cuối năm

VietNamNet đưa tin, anh N.V.N (42 tuổi, ở Bắc Ninh) vào cấp cứu trong tình trạng nguy kịch sau bữa liên hoan cuối năm. Người thân cho biết anh N. liên tục đi ăn tiệc suốt 4 ngày. 

Sau bữa tối trước khi nhập viện, anh N. đau bụng dữ dội, chuyển sang sốt cao, mệt mỏi, nôn ói. Gia đình đưa anh vào bệnh viện gần nhà, bác sĩ chẩn đoán viêm tụy cấp. Người bệnh được chuyển lên tuyến trên. Tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), bác sĩ cho hay anh N. bị viêm tụy cấp phải lọc máu cấp cứu.

Người đàn ông kể: “Tôi tưởng mình đau bụng do ngộ độc thực phẩm hoặc rượu. Cơn đau bụng xuyên sang thành lưng, nôn ói khiến tôi cảm nhận mình không thể qua khỏi. Sau lần 'chết hụt' này, tôi bỏ rượu”. 

Người bệnh cấp cứu tại Trung tâm A9. Ảnh: VietNamNet

Một trường hợp khác là người đàn ông 32 tuổi (ở Thái Bình) vào viện cấp cứu sau buổi liên hoan tất niên công ty. Trước đó, bệnh nhân đã ăn tiệc liên tục cả tuần. Khi anh vào viện, bác sĩ xét nghiệm triglycerid lên tới 19,13 mmol/l (chỉ số bình thường là 0-1,7 mmol/l). 

Bệnh nhân làm chủ một quán bia hơi thường xuyên sử dụng bia rượu nhưng không kiểm tra sức khỏe. Khi vào viện, người này có chỉ số mỡ máu cao bất thường dẫn đến viêm tuỵ. Sau lọc máu, mỡ lắng đọng lại trong dịch thải của người bệnh.

Theo các bác sĩ, viêm tụy cấp là bệnh phổ biến trong các dịp cuối năm. Bệnh liên quan chặt chẽ tới chế độ ăn uống và thường gắn với tiệc tùng thịnh soạn, uống nhiều bia rượu.

ThS.BS Nguyễn Minh Hiếu - Trung tâm Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, trong đợt cuối năm, tỷ lệ bệnh nhân vào cấp cứu tại đây chủ yếu do đột quỵ, viêm phổi, tắc nghẽn phổi mạn tính, đặc biệt là viêm tụy cấp. 

Cơ chế bệnh sinh của viêm tuỵ cấp chủ yếu do sự hoạt hóa các tiền enzym thành các enzym có hoạt tính ngay trong lòng tuyến tụy, gây hủy hoại nhu mô tụy, từ đó kéo theo một loạt các phản ứng viêm toàn thân dây chuyền khác. 

Trong khi đó, bác sĩ Đặng Kim Khuê ở khoa phẫu thuật Tiêu hóa - Gan mật tụyBệnh viện Bạch Mai cho hay, trước đây viêm tụy cấp chủ yếu do ký sinh trùng nhưng đến nay phần nhiều do bia rượu. Các nguyên nhân khác như sỏi ống mật chủ, u tụy, chấn thương vùng tụy, tăng triglycerid máu, tăng canxi máu.

Các triệu chứng viêm tụy cấp gồm đau vùng thượng vị, đau dữ dội, đột ngột sau bữa ăn. Bệnh nhân có dấu hiệu đau kéo dài, lan ra sau lưng, hoặc hạ sườn 2 bên, buồn nôn, nôn. Chướng bụng và bí trung đại tiện nhất là với các thể viêm tụy cấp hoại tử nặng, một số trường hợp đi ngoài lỏng nhiều lần.

Khi thăm khám, bác sĩ có thể thấy, bệnh nhân có bụng chướng nhẹ, phản ứng thành bụng, trường hợp nặng co cứng thành bụng, nhu động ruột giảm hoặc mất do liệt ruột, các dấu hiệu của nguyên nhân như tắc mật.

Ngoài ra, bệnh nhân có thể bị rối loạn ý thức, nhịp tim nhanh, huyết áp tụt, sốt, thiểu niệu hoặc vô niệu…

Phẫu thuật nội soi bóc khối u tuyến tiền liệt cho cụ ông

Theo TTXVN, ngày 21/1, Bệnh viện Gia đình Đà Nẵng cho biết vừa thực hiện thành công phẫu thuật nội soi bóc nhân tuyến tiền liệt bằng laser cho cụ ông L.B (95 tuổi, trú tại tỉnh Quảng Nam), khối u nặng 120gram đã được lấy ra khỏi cơ thể an toàn. Đây là ca phẫu thuật laser Holmium (HoLEP) cho bệnh nhân cao tuổi nhất từ trước đến nay tại miền Trung.

Cụ thể, cụ ông mắc bệnh phì đại tuyến tiền liệt từ nhiều năm nay. Bệnh khiến cụ ông bị nhiễm khuẩn đường tiết niệu tái diễn nhiều lần và thường xuyên phải nhập viện điều trị vì các cơn bí tiểu cấp đau đớn.

Gần đây nhất, cụ ông phải cấp cứu tại một cơ sở y tế vì bí tiểu nhưng sau khi điều trị được một tuần, vừa rút ống sonde là tình trạng bệnh lại tái diễn. Do vậy, người thân đã quyết định chuyển cụ đến Bệnh viện Gia Đình Đà Nẵng để thăm khám và điều trị.

Tại bệnh viện, sau khi thăm khám và thực hiện cận lâm sàng chuyên sâu, các bác sĩ xác định tuyến tiền liệt của bệnh nhân có khối u có trọng lượng hơn 120 gram, chèn ép niệu đạo gây bí tiểu.

Ngoài bệnh lý phì đại tuyến tiền liệt, cụ ông còn mắc một số bệnh nền như tăng huyết áp, cơn gout cấp tính sưng nề 2 bàn chân và đau dây thần kinh tọa khiến việc phẫu thuật theo phương án cắt đốt nội soi truyền thống tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

Sau phẫu thuật, cụ ông hồi phục nhanh chóng, thoát khỏi tình trạng bí tiểu đeo bám nhiều năm. Ảnh: TTXVN

Bác sĩ CKI Đặng Phước Đạt ở Đơn vị Nam khoa - Tiết niệu Bệnh viện Gia đình Đà Nẵng cho biết, với tình trạng của bệnh nhân, thông thường các bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp can thiệp tối thiểu đặt dẫn lưu bàng quang để chuyển dòng nước tiểu, giúp bệnh nhân không phải đặt thông tiểu ở niệu đạo. Tuy nhiên, phương pháp này sẽ gây nhiều bất tiện và khó chịu cho bệnh nhân, đồng thời tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu.

Sau khi hội chẩn kỹ lưỡng với các chuyên gia ở nhiều chuyên ngành, các bác sĩ đã quyết định lựa chọn phẫu thuật nội soi bóc u tuyến tiền liệt bằng laser Holmium - một kỹ thuật tiên tiến được triển khai tại bệnh viện từ cuối năm 2024. Phương pháp này được đánh giá là phù hợp nhất với tình trạng của bệnh nhân hiện tại.

Sau 2 giờ can thiệp, ekip bác sĩ đã bóc thành công trọn khối nhân tuyến tiền liệt nặng 120gram. Toàn bộ nhân tuyến tiền liệt được xay nhỏ và hút ra khỏi cơ thể bệnh nhân qua niệu đạo thuận lợi, không phát sinh biến chứng và hoàn toàn không có vết mổ nào. Đặc biệt, kỹ thuật này giảm thiểu tối đa tình trạng chảy máu.

Sau phẫu thuật, bệnh nhân hồi phục nhanh chóng, thoát khỏi tình trạng bí tiểu đeo bám nhiều năm. Chỉ sau 2 ngày, bệnh nhân đã có thể tự đi tiểu lại bình thường, cơ thể khỏe khoắn và tinh thần vui vẻ hơn rất nhiều.

Tin nổi bật