Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tin tức đời sống 18/1: Nhiễm trùng nặng do chữa bỏng bô xe máy theo cách này

  • Đinh Kim (T/h)
(DS&PL) -

Nhiễm trùng nặng do chữa bỏng bô xe máy theo cách này; Viên thuốc còn nguyên vỏ mắc kẹt trong thực quản cô gái... là những tin tức đời sống đáng chú ý ngày 18/1.

Nhiễm trùng nặng do chữa bỏng bô xe máy theo cách này

Theo Thời báo VTV, bệnh nhân Đ.V.Đ. (28 tuổi) trong lúc sửa xe giúp bố đã vô tình chạm tay vào ống bô xe máy còn nóng, dẫn đến bỏng vùng mu bàn tay và các ngón tay. Sau khi xảy ra tai nạn, bệnh nhân được đưa đến Trung tâm Y tế thị xã Quảng Yên (tỉnh Quảng Ninh) để rửa vết bỏng và được hướng dẫn chăm sóc tại nhà.

Tuy nhiên, thay vì tuân thủ phác đồ điều trị, bệnh nhân lại sử dụng cao sim - một loại cao bôi truyền thống để tự chữa bỏng. Việc bôi cao sim không chỉ khiến vết thương không lành mà còn dẫn đến nhiễm trùng, viêm loét sâu và co kéo nghiêm trọng các khớp ngón tay, gây ảnh hưởng lớn đến chức năng vận động.

Sau khi nhập viện lần thứ hai sau 1 tháng trong tình trạng nhiễm trùng nặng, vết bỏng chảy dịch mủ viêm kèm đau nhức, vận động khó. Bệnh nhân được các bác sĩ tiến hành đánh giá toàn diện: Vết bỏng đã nhiễm trùng, chảy dịch mủ, bị hoại tử sâu, da và mô mềm tại khu vực tổn thương bị mất, co kéo và dính các khớp đốt – bàn ngón I, II, IV, V tay phải khiến bệnh nhân không thể cử động ngón tay.

Để cứu chữa và khôi phục chức năng tay, các bác sĩ đã thực hiện cắt lọc loại bỏ hoại tử và tổ chức nhiễm trùng, xơ dính, giải phóng gân các ngón đồng thời nẹp duỗi các ngón tay bị co rút, sau đó phẫu thuật ghép da tay cho bệnh nhân.

Các bác sĩ tiến hành phẫu thuật ghép da tay cho bệnh nhân. Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống

Trong quá trình phẫu thuật, các bác sĩ đã loại bỏ mô hoại tử làm sạch hoàn toàn vùng tổn thương để ngăn chặn sự lan rộng của nhiễm trùng, cắt bỏ các mô sẹo co rút, gỡ dính các tổ chức xơ và hệ thống gân gấp. Ghép da mỏng tự thân từ cẳng tay của bệnh nhân được lấy để ghép vào vị trí bỏng.

Quá trình ghép được thực hiện tỉ mỉ nhằm đảm bảo độ bám của da ghép và khả năng phục hồi. Sau ghép da, các bác sĩ đã tiến hành cố định tay và hướng dẫn bài tập phục hồi chức năng, giúp bệnh nhân dần lấy lại khả năng cử động.

Ca phẫu thuật thành công sau hơn 1 giờ đồng hồ. Hiện tại, bệnh nhân đang được theo dõi và phục hồi chức năng dưới sự chăm sóc tận tình của đội ngũ y tế. Sức khỏe bệnh nhân ổn định, vùng da ghép bắt đầu bám dính và cải thiện tốt.

Trường hợp của bệnh nhân trên là một bài học cảnh tỉnh về hậu quả của việc tự chữa trị không đúng cách. Trung tâm Y tế thị xã Quảng Yên khuyến nghị người dân:

- Xử lý bỏng đúng cách: Làm mát vết bỏng ngay lập tức bằng nước sạch, che phủ tốt, không bôi các loại cao hoặc thuốc không rõ nguồn gốc.

- Đến cơ sở y tế: Đảm bảo vết thương được xử lý an toàn, đúng chuyên môn.

- Tuân thủ hướng dẫn điều trị: Không tự ý áp dụng các phương pháp dân gian khi chưa có sự đồng ý của bác sĩ.

Viên thuốc còn nguyên vỏ mắc kẹt trong thực quản cô gái

Theo báo Sức Khỏe & Đời Sống, ngày 17/1, Bệnh viện Lê Văn Việt (TP.HCM) cho biết, các bác sĩ của đơn vị này vừa thực hiện nội soi gắp một viên thuốc chưa bóc vỏ, mắc kẹt trong thực quản của một nữ bệnh nhân 27 tuổi.

Cụ thể, ngày 14/1, bệnh nhân N.T.N.H. (SN 1998, ngụ huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp) đến thăm khám tại Bệnh viện Lê Văn Việt. Người bệnh cho biết sau khi uống thuốc thì có cảm giác nuốt vướng, khó chịu, kèm ợ chua nhiều. Lo lắng đến tình trạng sức khỏe, chị H. đã đến thăm khám tại bệnh viện, các bác sĩ nghi ngờ có dị vật trong thực quản và chỉ định thực hiện nội soi kiểm tra.

Kết quả nội soi cho thấy, niêm mạc 1/3 trên phát hiện một dị vật thuốc bao kẽm 4 cạnh sắc kích thước 1,7cm x 1,7cm cắm sâu vào thành vị trí các cạnh. Sau khi gắp dị vật, bệnh nhân giảm đau rõ rệt và cảm thấy thoải mái hơn, không còn cảm giác vướng ở cổ họng.

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Nhã ở Bệnh viện Lê Văn Việt, việc xử lý các dị vật có góc cạnh sắc nhọn đòi hỏi phải sử dụng thiết bị chuyên dụng để tránh gây tổn thương thêm cho thực quản.

Bác sĩ khuyến cáo cả người lớn lẫn trẻ nhỏ phải luôn cẩn thận trong việc uống thuốc và dùng các thực phẩm. Bên cạnh đó, nên kiểm tra và đọc kỹ đường dùng thuốc, khi uống thuốc không nên cười đùa hay la hét để tránh tình trạng nuốt phải thuốc chưa bóc vỏ.

Viên thuốc chưa bóc vỏ được gắp ra từ thực quản người bệnh. Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống

Trong trường hợp nghi ngờ có dị vật trong thực quản, cần đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám và xử lý kịp thời. Tuyệt đối không tự ý dùng tay hay vật dụng gì móc hoặc chọc ngoáy vào họng có thể gây phù nề hạ họng gây nguy hiểm.

Nếu không được xử lý kịp thời, các dị vật này có thể gây viêm nhiễm, áp xe, chảy máu thậm chí thủng thực quản, nhiễm trùng sâu có thể đe dọa tính mạng người bệnh.

Gặp họa vì xử trí vôi tôi bắn vào sai cách

Thời báo VTV đưa tin, trong lúc đang dọn dẹp nhà, bệnh nhân N.T.T. (trú tại Phú Thọ) không may bị cục vôi tôi bắn vào mắt. Do phản xạ khó chịu nên bệnh nhân đã dùng nước rửa liên tục vào mắt. Tuy nhiên, đây là cách xử trí sai - vôi cục dính trong mắt gặp nước gây phản ứng tỏa nhiệt làm đau rát hơn, bỏng nặng hơn cho mắt bệnh nhân.

Bệnh nhân đến Phòng khám Mắt - Trung tâm Y tế huyện Tân Sơn (Phú Thọ). Qua thăm khám, các bác sĩ thấy nhiều vôi cục còn trong mắt, bỏng kết giác mạc.

Sau khi xác định rõ nguyên nhân gây bỏng, bác sĩ nhanh chóng chóng tiến hành cấp cứu bỏng bazơ: Nhỏ tê, gắp hết phần vôi sống ở cùng đồ, kết mạc mi, đo PH, tiếp tục rửa mắt với nước muối sinh lý để làm sạch chất gây bỏng từ 15 - 30 phút.

Sau gần 40 phút xử trí, kiểm tra lại PH đã về bình thường, bệnh nhân bị bỏng trắng kết mạc, giác mạc. Sau cấp cứu, bệnh nhân được đánh giá tình trạng tổn thương do bỏng, sử dụng thuốc nội khoa và theo dõi điều trị tiếp.

Các bác sĩ khuyến cáo, bỏng mắt là một chấn thương mắt thường gặp, có thể gây ra mù loà. Người dân cần đến các cơ sở y tế sớm nhất để được cấp cứu đúng cách.

Tin nổi bật