Theo VTC News, ngày 13/1, Bệnh viện Việt Đức cho biết, chỉ trong 6 ngày (từ ngày 6/11 đến 11/1), đơn vị ghi nhận những thành tích nổi bật trong vận động hiến tạng và ghép tạng.
Với sự đồng thuận từ 4 gia đình bệnh nhân chết não hiến tạng, các y bác sĩ đã lấy và ghép tạng thành công cho 15 người bệnh đang mong chờ cơ hội được sống. Trong đó, 4 bệnh nhân ghép tim, 1 bệnh nhân ở Nam Định được ghép đồng thời gan - thận, 3 bệnh nhân ghép gan, 7 bệnh nhân ghép thận.
Cùng thời điểm này, bệnh viện cũng thực hiện ghép theo kế hoạch cho 6 người bệnh thận (nguồn tạng được lấy từ người cho sống). Như vậy, chỉ trong một tuần, 21 trường hợp được ghép tạng thành công tại Bệnh viện Việt Đức.
Một trong số những người bệnh được ghép tạng. Ảnh: VTC News
Để thực hiện thành công số ca ghép kỷ lục này, đội ngũ y bác sĩ làm việc liên tục không kể ngày đêm. Các ca phẫu thuật được phối hợp nhịp nhàng từng khâu với độ chính xác cao nhất. Mỗi ca ghép là cuộc chạy đua với thời gian. Dù áp lực lớn và khối lượng công việc khổng lồ, tất cả đều chung mục tiêu cứu sống bệnh nhân.
Hiện, tình trạng sức khoẻ của các bệnh nhân sau ghép đều ổn định, được chăm sóc và điều trị tích cực. Đây là lần đầu tiên Bệnh viện Việt Đức đạt con số 21 trường hợp ghép tạng trong một tuần, ghi nhận dấu mốc mới trong ngành y tế Việt Nam.
Thành tích này không chỉ khẳng định vị thế của bệnh viện trong lĩnh vực ghép tạng mà còn mở ra hy vọng cho hàng ngàn bệnh nhân đang chờ ghép tạng trên cả nước.
Tại Hội nghị Tổng kết về công tác hiến, ghép mô tạng, PGS.TS Đồng Văn Hệ - Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia cho biết, số ca ghép tạng từ người cho chết não năm 2024 tăng mạnh so với năm 2023. Cùng với đó, số lượng người đăng ký hiến mô tạng sau khi chết/chết não tăng gấp 3 lần. Đây được coi là kỷ lục về ca hiến tạng tại Việt Nam từ trước tới nay.
Với tốc độ tăng số ca hiến và ghép tạng từ người cho chết não như hiện nay, chỉ trong 3 năm nữa Việt Nam sẽ có số ca hiến tạng từ người cho chết não bằng với Hàn Quốc. Theo Thứ trưởng Y tế Trần Văn Thuấn, năm 2024 là năm chuyên ngành ghép tạng ghi dấu ấn mạnh mẽ khi được vinh danh là một trong những sự kiện tiêu biểu của y học Việt Nam.
VTV Times đưa tin, nữ bệnh nhân 52 tuổi (trú tại Đại Lộc, Quảng Nam) ở nhà khò khè, khó thở tăng dần, dùng thuốc không rõ loại, tình trạng càng lúc càng nặng nên nhập viện. Khai thác tiền sử bệnh, bệnh nhân bị tăng huyết áp, hen không tuân thủ điều trị.
Tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Quảng Nam, bệnh nhân hôn mê, tím tái, ngưng hô hấp tuần hoàn. Bệnh nhân được bác sĩ cấp cứu và bác sĩ hồi sức xử lý khẩn cấp hồi sức tim phổi.
Sau khi mạch và huyết áp hồi phục lại, bệnh được hội chẩn khẩn chuyển khoa Hồi sức tích cực - Chống độc điều trị tiếp với chẩn đoán: đợt cấp hen mức độ nguy kịch, ngưng hô hấp tuần hoàn đã cấp cứu hồi phục.
Tại khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, bệnh nhân hôn mê, suy hô hấp nặng, huyết áp phụ thuộc vận mạch liều cao, tiên lượng rất nặng. Bệnh nhân được điều trị tích cực, thở máy xâm nhập qua nội khí quản, dùng thuốc tối ưu cho bệnh nhân.
Sau 1 tuần, bệnh nhân bắt đầu có nhịp tự thở và đáp ứng lại kích thích đau, ngưng dùng thuốc vận mạch, được tập cai máy thở. Sau 2 tuần, bệnh nhân gọi hỏi biết, thở đều, phổi thông khí cải thiện, các bác sĩ thống nhất rút nội khí quản, thở oxy lưu lượng cao qua ống thông mũi (HFNC) và theo dõi tích cực. Sau thêm 10 ngày điều trị tại bệnh viện, bệnh nhân cải thiện dần và được xuất viện.
Để hạn chế khởi phát cơn hen, bệnh nhân cần điều trị chuyên khoa, dự phòng mỗi ngày tùy theo tình trạng bệnh. Ảnh minh họa
Bệnh hen là một bệnh lý viêm mạn tính của hệ hô hấp. Khi gặp các tác nhân kích thích, dị ứng như bụi, côn trùng, phấn hoa, thời tiết thay đổi…, bệnh nguy cơ khởi phát đợt cấp, gây co thắt nhiều đường thở, gây suy hô hấp nặng, thậm chí tử vong nếu không xử trí kịp thời.
Để hạn chế khởi phát cơn hen, bệnh nhân cần điều trị chuyên khoa, dự phòng mỗi ngày tùy theo tình trạng bệnh. Vì vậy, các bác sĩ khuyên người dân có các dấu hiệu khò khè, khó thở, ho kéo dài, có tiền sử dị ứng hay gia đình có người bị hen, dị ứng nên đi khám và tầm soát sớm, điều trị dự phòng kịp thời, nhằm giảm thiểu sự nguy hiểm của căn bệnh này.
Theo báo Sức Khỏe & Đời Sống, ngày 13/1, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, trước khi nhập viện một tuần, chị V.T.T (54 tuổi, ở Hải Phòng) xuất hiện một đợt sốt. Chị T. đi khám bệnh và được chẩn đoán mắc sốt xuất huyết, điều trị hết sốt, tình trạng ổn định. Tuy nhiên khi về nhà, chị T. vẫn thấy còn đau mỏi vai gáy nên người nhà đưa đến một phòng khám tư và được tiêm trực tiếp vào vùng vai gáy.
Sau quá trình tiêm 1 ngày, chị T. sốt trở lại kèm theo liệt hai chân dần dần lan đến hai tay và mất cảm giác toàn bộ vùng từ thắt lưng trở xuống. Chị T. ngay lập tức được nhập viện với chẩn đoán nhiễm khuẩn - viêm cột sống tủy.
Ngay sau đó, chị T. được chuyển tuyến đến khoa Cấp cứu Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Khi nhập viện Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, chị T. ở trong tình trạng tỉnh táo nhưng liệt toàn bộ từ vùng cổ trở xuống.
Hai tay liệt nhưng chỉ cử động được 1/5, liệt toàn bộ 2 chân. Chị T. cũng mất cảm giác toàn bộ từ vùng thắt lưng trở xuống, bắt đầu có biểu hiện của liệt cơ hô hấp, phải thở máy, duy trì các thuốc vận mạch.
Bệnh nhân hiện đã phục hồi một phần chi trên, mục tiêu thời gian tới phục hồi vận động cơ bản chi trên để người bệnh có thể tự vận động trong sinh hoạt hàng ngày. Ảnh: Sức Khỏe & Đời sống
Bác sĩ Phạm Thanh Bằng - khoa Cấp cứu Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết: "Chị T. được chẩn đoán nhiễm khuẩn huyết - viêm vùng tủy cổ theo dõi tụ cầu. Chụp MRI phát hiện hình ảnh tổn thương tủy lan toả, phù tủy gây mất chức năng vận động và cảm giác, phù hợp với lâm sàng, không có hình ảnh áp xe vùng tủy cổ nên được hội chẩn đa chuyên khoa với chỉ định mở tủy giải áp, điều trị kháng sinh. Sau điều trị, tình trạng nhiễm trùng của bệnh nhân ổn định nhưng liệt tứ chi cải thiện chậm".
"Đây là trường hợp hiếm gặp của viêm tủy do các trực cầu khuẩn gram dương đặc biệt là tụ cầu gây ra. Tụ cầu đa phần xâm nhập qua đường tiêm truyền, vi khuẩn xâm nhập trực tiếp gây viêm vùng tủy xương lan tỏa (không gây ra viêm màng não) làm cho toàn bộ vùng tủy xương mất chức năng với biểu hiện liệt trên lâm sàng", bác sĩ Phạm Thanh Bằng chia sẻ thêm.
Ngoài quá trình điều trị nội khoa, chị T. được điều trị kết hợp phương pháp y học cổ truyền, phục hồi chức năng bằng điện châm, xoa bóp nhẹ nhàng và kết hợp tập vận động trong 2 tháng sau khi điều trị ổn định tình trạng viêm tủy.
Bác sĩ Nguyễn Trung Nghĩa - khoa Y học cổ truyền và Phục hồi chức năng Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho hay: "Với tình trạng yếu chi trên, liệt mềm hoàn toàn chi dưới, mất cảm giác nông, cảm giác sâu chi dưới, chị T. được sử dụng kim châm cứu vào các huyệt ở các vùng chi trên, các huyệt giáp tích và các huyệt chi dưới để kích thích hệ thần kinh và cơ, phục hồi lại chức năng hệ vận động và cảm giác cho bệnh nhân".
"Đến nay, chị T. đã phục hồi một phần chi trên, mục tiêu thời gian tới phục hồi vận động cơ bản chi trên để bệnh nhân có thể tự vận động trong sinh hoạt hàng ngày. Cơ lực chi trên từ sức cơ 1/5 đã tiến triển lên được 3/5. Với chi dưới, từ việc không thể gấp duỗi được, mất cảm giác nông sâu hoàn toàn chị T. đang được hỗ trợ phục hồi chức năng với dụng cụ trợ giúp nên đã có cảm giác sờ, cảm giác nóng lạnh, tuy nhiên cảm giác đau vẫn chưa rõ rệt", bác sĩ Nguyễn Trung Nghĩa nói.
Các bác sĩ khuyến cáo người dân cần cẩn trọng khi tiêm truyền tại các phòng khám tư hoặc cơ sở y tế không đảm bảo điều kiện chuyên môn. Việc tiêm thuốc không đúng quy trình có thể gây nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng. Người bệnh nên đến các bệnh viện hoặc cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và điều trị kịp thời, tránh hậu quả nghiêm trọng.