Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tin tức đời sống 12/1: Chạy đua với “tử thần” cứu người đàn ông bị ngừng tim

  • Đinh Kim (T/h)
(DS&PL) -

Chạy đua với “tử thần” cứu người đàn ông bị ngừng tim; Cứu sống bé trai bị sốc sốt xuất huyết nặng… là những tin tức đời sống đáng chú ý ngày 12/1.

Chạy đua với “tử thần” cứu người đàn ông bị ngừng tim

Theo VnExpress, gia đình cho biết khoảng 23h ngày 10/1, người đàn ông 61 tuổi đau ngực dữ dội, khó thở, kích thích vật vã. Trên đường đi cấp cứu, tình trạng ngày càng nguy kịch. Người bệnh tím tái, ngừng tim, ngừng thở khi còn cách Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) khoảng 500 m. Các nhân viên y tế trên xe cứu thương nhanh chóng ép tim ngoài lồng ngực để duy trì tuần hoàn cho người bệnh.

Tại phòng cấp cứu, người bệnh đã hôn mê sâu, không bắt được mạch, da lạnh tái, toan chuyển hóa nặng, "tiên lượng lành ít dữ nhiều". Các bác sĩ khoa Hồi sức Cấp cứu và Tim mạch triển khai mọi biện pháp tối ưu như sốc điện chuyển nhịp, bóp bóng, đặt nội khí quản trong thời gian ngắn nhất. Sau 30 phút, mạch bệnh nhân trở lại.

Bác sĩ xác định nguyên nhân ngừng tim do nhồi máu cơ tim cấp, chỉ định đặt stent tái thông. Sau một ngày, sức khỏe bệnh nhân tạm ổn định, đang tiếp tục được theo dõi để kịp thời phòng ngừa biến chứng.

"Tình huống lúc đó như một trận chiến rượt đuổi với 'tử thần' để đưa bệnh nhân từ cửa tử trở về", bác sĩ Việt Anh ở khoa Tim mạch Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương cho biết hôm 1/11.

Sức khỏe bệnh nhân tạm ổn định, đang tiếp tục được theo dõi để kịp thời phòng ngừa biến chứng. Ảnh: VietNamNet

Được biết, ngừng tuần hoàn hô hấp là trạng thái gián đoạn đột ngột hoạt động bơm máu của tim, khiến máu không thể lưu thông tới các bộ phận khác của cơ thể. Theo lý thuyết, người bệnh không có mạch, tim không đập trở lại sau khi ép tim ngoài lồng ngực và hỗ trợ thở oxy (CPR) 30-60 phút, tức là cấp cứu không thành công.

Mục đích cao nhất của cấp cứu ngừng tuần hoàn là duy trì nhịp thở, quá trình vận hành của nhịp tim, ngăn nguy cơ não ngừng hoạt động với biến chứng gây tổn thương các bộ phận khác trong cơ thể.

Khi rơi vào trạng thái ngừng tuần hoàn, bệnh nhân đối diện với nguy cơ thiếu máu mang oxy tới cơ quan. Đây cũng là nguyên nhân gây tử vong hoặc biến chứng tổn thương não vĩnh viễn trong thời gian vài phút. Nếu phát hiện sớm và cấp cứu nhanh chóng, đúng cách thì nạn nhân có thể thoát được những mối nguy này.

Cứu sống bé trai bị sốc sốt xuất huyết nặng

Thời báo VTV đưa tin, các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) vừa cứu sống bé trai 8 tuổi bị sốc sốt xuất huyết nặng. Khai thác bệnh sử ghi nhận, bệnh nhi sốt cao liên tục 2 ngày, đến ngày thứ 3 của bệnh, bệnh nhi biểu hiện đau bụng, ói, tay chân lạnh nên được đưa vào bệnh viện địa phương trong tình trạng mạch nhẹ, chi mát, huyết áp 80/60mmHg, được chẩn đoán sốc sốt xuất huyết nặng.

Ngày thứ 3 điều trị tích cực truyền dịch chống sốc theo phác đồ, tình trạng bệnh nhi diễn tiến nặng, biểu hiện suy hô hấp, rối loạn đông máu, xuất huyết tiêu hóa, tổn thương gan mức độ trung bình nên chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng Thành phố.

Tại đây, bệnh nhi được chẩn đoán sốc sốt xuất huyết nặng ngày 3-4, rối loạn đông máu, xuất huyết tiêu hóa, tổn thương gan, suy hô hấp nặng. Các bác sĩ tiếp tục truyền dịch cao phân tử dextran 40 10%, albumin 10%, chống sốc với sự hỗ trợ của các phương tiện đo huyết áp động mạch xâm lấn, đo áp lực tĩnh mạch trung ương, đo áp lực bàng quang, dùng các thuốc vận mạch phối hợp.

Sau gần 2 tuần điều trị, bệnh nhi bình phục dần, cai được máy thở, tỉnh táo, chức năng gan thận trở về bình thường. Ảnh: Thời báo VTV

Bệnh nhi được hỗ trợ hô hấp với thở áp lực dương liên tục, thở máy không xâm nhập, sau đó được đặt nội khí quản thở máy sớm, chọc dò dẫn lưu dịch màng bụng giải áp. Tình trạng rối loạn đông máu, xuất huyết tiêu hóa nặng được truyền máu, huyết tương tươi đông lạnh, kết tủa lạnh, tiểu cầu đậm đặc, vitamin K1, điều trị hỗ trợ gan. Kết quả, qua gần 2 tuần điều trị, bệnh nhi bình phục dần, cai được máy thở, tỉnh táo, chức năng gan thận trở về bình thường.

Qua trường hợp này, các bác sĩ khuyến cáo phụ huynh cần lưu ý thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh như diệt muỗi, lăng quăng, ngủ màn… Khi thấy trẻ sốt cao trên 2 ngày, có một trong các dấu hiệu sau cần lập tức đưa trẻ vào bệnh viện: bứt rứt, lăn lộn hoặc li bì, lơ mơ, nói sảng; chảy máu cam, máu răng hoặc ói ra máu, tiêu phân đen; đau bụng, ói; tay chân lạnh; lừ đừ, nằm một chỗ không chơi hoặc bỏ bú, bỏ ăn uống.

Người đàn ông bị chấn thương mắt nghiêm trọng do tai nạn lao động

Báo Dân Trí đưa tin, ngày 11/1, Bệnh viện Mắt Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) cho biết, vừa phẫu thuật cấp cứu thành công cho ca bệnh chấn thương mắt nghiêm trọng do tai nạn lao động gây ra.

Theo đó, bệnh nhân N.L.A. (SN 1992, trú tại xã Yên Khánh, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định) làm nghề cơ khí. Trong quá trình lao động, anh A. bị đinh vít bắn vào mắt. Anh được người nhà đưa đến bệnh viện cấp cứu trong tình trạng đau nhức dữ dội vùng mắt, có chảy máu.

Sau khi thăm khám, bác sĩ Trịnh Thế Sơn cho biết, mắt trái bệnh nhân bị rách giác mạc khoảng 7mm, vết rách hình cung, bờ không đều, dịch kính tại vết thương, lệch thủy tinh thể, đứt chân mống mắt và xuất huyết dịch kính.

Bác sĩ đã nhanh chóng chỉ định dùng thuốc tích cực và phẫu thuật cấp cứu ngay để giảm thiểu nguy cơ nhiễm trùng và giữ mắt cho người bệnh. Sau ca phẫu thuật, mắt bệnh nhân căng trở lại, tổ chức nội nhãn được đưa trở về bên trong. Người bệnh tiếp tục được theo dõi và điều trị tích cực.

Bệnh nhân tiếp tục được theo dõi và điều trị tích cực. Ảnh: Dân Trí

Theo bác sĩ Trịnh Thế Sơn, chấn thương mắt là tình trạng bệnh lý thường gặp ở người trẻ trong độ tuổi lao động. Các chấn thương thường gặp như: bỏng mắt, đụng dập, vật nhọn bắn vào mắt.

Để phòng ngừa chấn thương ở mắt, trong quá trình lao động, người lao động cần tuân thủ quy định an toàn lao động, đeo kính bảo hộ. Khi bị chấn thương, người bệnh cần đến ngay các bệnh viện chuyên khoa để được các bác sĩ thăm khám và điều trị kịp thời.

Tin nổi bật