Theo báo Sức Khỏe & Đời Sống, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí (tỉnh Quảng Ninh) vừa điều trị cho người đàn ông bị nhiễm trùng da do bôi dầu nóng để chữa gãy xương.
Cụ thể, người đàn ông 35 tuổi ở xã Hiệp Hòa (thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh) bị gãy xương cẳng chân phải. Thay vì đến các cơ sở y tế để thăm khám và điều trị, người đàn ông này lại nghe theo lời mách bôi dầu nóng khiến cẳng chân có cảm giác nóng, rát và xuất hiện nốt phỏng nước.
Người đàn ông bị nhiễm trùng da do bôi dầu nóng để chữa gãy xương. Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống
Các bác sĩ Khoa Chấn thương – Chỉnh hình và Bỏng cho hay, người dân thường có thói quen xoa dầu nóng, dán cao nóng, đắp lá để chữa gãy xương. Tuy nhiên, đây là việc làm phản khoa học vì sử dụng nhiệt nóng sẽ làm cho các mạch máu giãn nở, gây chảy máu nhiều hơn, khiến tình trạng sưng đau và bầm nơi vùng bị thương càng nặng. Bên cạnh đó, nếu bôi, đắp vào vết thương hở tiềm ẩn nguy cơ gây viêm da, hoại tử, nhiễm trùng máu dẫn đến tử vong.
Qua đây, các bác sĩ khuyến cáo người dân, nếu gặp các chấn thương gãy xương cần đến các cơ sở y tế gần nhất để thăm khám. Tùy từng trường hợp và mức độ thương tổn, các bác sĩ sẽ có chỉ định như phẫu thuật, nẹp cố định…
Tuyệt đối người bệnh không được tự ý điều trị bằng các phương pháp truyền miệng như thoa dầu nóng, dán cao, xoa rượu thuốc bởi đôi khi việc này sẽ làm bệnh lý không hết mà khiến việc điều trị bị chậm trễ, tiềm ẩn rất nhiều biến chứng có thể ảnh hưởng về sau.
Thời báo VTV đưa tin, cách đây 3 tháng, bệnh nhân 52 tuổi ở xã Nghĩa Yên (huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An) bị một con chó cắn nhưng không tiêm phòng bệnh dại.
Ngày 3/1/2025, bệnh nhân có biểu hiện mệt mỏi, sốt, run, tự mua thuốc uống nhưng không giảm. 3 ngày sau, bệnh nhân được người nhà đưa đến Trung tâm Y tế huyện Nghĩa Đàn để điều trị.
Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân mắc bệnh dại. Tối 7/1/2025, bệnh nhân tử vong sau khi được gia đình đưa về nhà.
Người dân nuôi chó, mèo cần tiêm vaccine phòng dại đầy đủ và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y. Ảnh minh họa: Shutterstock
Bệnh dại là bệnh lây truyền từ virus dại qua vết cắn, vết cào, liếm của động vật bị dại (thường là chó, mèo) khi tiếp xúc với phần da bị tổn thương của người (thường là chó, mèo). Bệnh rất nguy hiểm, thường tác động lên hệ thần kinh, tỷ lệ tử vong cao (100%).
Bệnh dại hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, tuy nhiên hoàn toàn có thể phòng tránh được. Để chủ động phòng chống bệnh dại, người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:
- Người dân nuôi chó, mèo cần tiêm vaccine phòng dại đầy đủ và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y; nuôi chó phải xích, nhốt, khi ra đường phải mang rọ mõm.
- Không đùa nghịch, chọc phá chó, mèo.
- Khi bị chó, mèo cắn cần:
+ Rửa vết thương dưới vòi nước chảy ngay lập tức với xà phòng liên tục 15 phút; nếu không có xà phòng có thể xối rửa vết thương bằng nước thông thường. Sau đó, vết thương cần được rửa sạch với cồn 70% hoặc cồn iod; hạn chế làm dập vết thương và không băng kín vết thương.
+ Kịp thời đến cơ sở y tế để khám, tư vấn và tiêm vaccine phòng dại, huyết thanh kháng dại; tuyệt đối không tự chữa trị hoặc nhờ thầy lang chữa trị.
Theo VTC News, đêm sau khi xem xong trận bóng đã giữa đội tuyển Việt Nam và đội tuyển Thái Lan, cụ ông Đ.V.D (103 tuổi, ở Hưng Yên) đột ngột lịm. Gia đình đoán cụ ông bị đột quỵ nên đưa thẳng đến Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu trong tình trạng lơ mơ, yếu nửa người phải, thất ngôn hoàn toàn.
Bác sĩ nhận định, đây là ca bệnh đột quỵ não cấp. Người bệnh được chụp cắt lớp mạch não để đánh giá nhu mô và mạch não. Kết quả cho thấy, cụ bị nhồi máu não thùy đảo, trán trái do tắc động mạch não lớn bên trái.
Các bác sĩ hội chẩn để thống nhất phương án điều trị tối ưu cho cụ ông. "Với các ca đột quỵ thông thường thì việc bác sĩ đưa ra phác đồ tiêu huyết khối kết hợp với can thiệp mạch không phải là điều khó khăn. Tuy nhiên, việc áp dụng cả 2 phương pháp trên với cụ ông 103 tuổi là thách thức vô cùng lớn", TS.BS Đào Việt Phương - Phó Giám đốc Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai nói.
Người bệnh phải đối diện với hàng loạt nguy cơ tiềm ẩn, nguy cơ tiêu huyết khối đơn thuần ít mang lại hiệu quả thông mạch vì tắc ở đoạn mạch lớn, nguy cơ tai biến khi can thiệp mạch cao, vì mạch máu não người 103 tuổi có thể rất dễ vỡ và biến chứng chảy máu.
PGS.TS Đào Xuân Cơ - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai chúc mừng gia đình và trao giấy xuất viện cho cụ D.. Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống
Các bác sĩ phải “cân não” và đưa ra quyết định phối hợp hai phương pháp điều trị tái thông mạch là tiêu huyết khối và lấy huyết khối. Sau 1 giờ can thiệp, động mạch não giữa trái được tái thông hoàn toàn. Bệnh nhân cải thiện tốt, tỉnh táo hơn, cơ lực nửa người phải cải thiện 3/5.
“Chưa đầy 12 tiếng sau can thiệp, cụ ông 103 tuổi tỉnh táo hoàn toàn, không bị mất trí nhớ”, PGS.TS. Đào Xuân Cơ - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho hay. Nhớ lại trận bóng đá, bệnh nhân kể rành mạch từng thời điểm ghi bàn của đội tuyển Việt Nam cũng như đội tuyển Thái Lan.
Trường hợp của cụ ông 103 là ca hiếm gặp và là ca lâm sàng nhồi máu não cao tuổi nhất Việt Nam được điều trị bằng hai phương pháp tái tưới máu thành công.