Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tin tức đời sống 13/1: 7 giờ phẫu thuật cứu thanh niên 27 tuổi thoát “cửa tử”

  • Đinh Kim (T/h)
(DS&PL) -

7 giờ phẫu thuật cứu thanh niên 27 tuổi thoát “cửa tử”; Cứu sống bé sơ sinh chỉ nặng 550g... là những tin tức đời sống đáng chú ý ngày 13/1.

7 giờ phẫu thuật cứu thanh niên 27 tuổi thoát “cửa tử”

Theo báo Công An Nhân Dân, bác sĩ CKII Lê Nhật Huy - Phó Giám đốc Trung tâm Đại trực tràng - Tầng sinh môn, Bệnh viện Việt Đức cho biết, nam bệnh nhân được đưa đến cấp cứu là anh L.M.T (27 tuổi, quê Lạng Sơn), trong tình trạng tổn thương đa cơ quan như chấn thương sọ não, mắt, hàm mặt, một tay bị cụt và dập nát, mất thị lực một bên. 

Toàn thân bệnh nhân găm đầy vỏ mìn, đặc biệt vùng ngực, bụng. Tay phải của bệnh nhân bị dập nát, 2 mắt tổn thương nặng. Theo người nhà của bệnh nhân, anh mua vật liệu nổ về tự chế mìn theo hướng dẫn trên mạng để đánh cá. 

Bệnh nhân nhập viện với nguy cơ tử vong cao, Bệnh viện Việt Đức đã triển khai nhiều ekip phẫu thuật ngay để cứu sốngngười bệnh. Ca phẫu thuật cấp cứu có sự tham gia của 6 chuyên khoa phối hợp (tim mạch, lồng ngực, tiêu hóa, chấn thương, hàm mặt, mắt) kéo dài 7 giờ, đã giúp anh T. thoát khỏi “cửa tử”.

Sau 8 ngày điều trị tại phòng hồi sức tích cực, anh T. trở lại phòng bệnh, tiếp tục chăm sóc vết thương và hồi phục sức khỏe. Hiện tại, tình trạng người bệnh tạm ổn định, sức khoẻ cơ bản đã hồi phục. Tuy nhiên,bệnh nhân còn tiếp tục được điều trị để vá da ở vùng khuyết do mìn bắn vào.

Bác sĩ CKII Lê Nhật Huy - Phó Giám đốc Trung tâm Đại trực tràng - Tầng sinh môn, Bệnh viện Việt Đức thăm khám cho bệnh nhân. Ảnh: Công An Nhân Dân

Theo các bác sĩ, tai nạn do mìn nổ rất nguy hiểm, không chỉ ảnh hưởng tới tính mạng của người sử dụng vật liệu nổ mà có thể kéo theo nhiều nạn nhân khác. Tai nạn do mìn nổ thường để lại di chứng nghiêm trọng, kể cả may mắn được cứu sống cũng có thể phải chịu đựng tình trạng tàn phế suốt đời. 

Thêm vào đó, việc ngư dân sử dụng chất nổ nói chung hay mìn nói riêng trong hoạt động thủy sản là hành vi bị nghiêm cấm theo quy định pháp luật, không phân biệt số lượng sử dụng là bao nhiêu.

Các bác sĩ khuyến cáo, người dân tuyệt đối không tự chế pháo nổ, không lên mạng học cách chế pháo, gây nguy hiểm đến tính mạng chính mình và người xung quanh. 

Cứu sống bé sơ sinh chỉ nặng 550g

Báo Đại Biểu Nhân Dân đưa tin, sản phụ N.T.H (trú tại TP.Vinh, tỉnh Nghệ An) chuyển dạ sinh con tại Bệnh viện Sản nhi Nghệ An ở tuần thai 24, với vỏn vẹn cân nặng 550g, sau sinh không thở, không khóc, không có phản xạ. Đây là trường hợp em bé non tháng có cân nặng nhỏ nhất tại bệnh viện.

Với sự phối hợp chặt chẽ của khoa Sản và khoa Hồi sức Sơ sinh, các bác sĩ đã túc trực ngay trong phòng sinh, ngay lập tức đặt nội khí quản cho bé và nhanh chóng chuyển bé về khoa Hồi sức Sơ sinh.

Theo bác sĩ CKII Trương Lệ Thi – Trưởng khoa Hồi sức sơ sinh, Bệnh viện Sản nhi Nghệ An, đây là một ca sinh đặc biệt và khó. Bởi trẻ sinh cực non (dưới 28 tuần thai) và nhẹ cân (dưới 1.000g), tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ sơ sinh như ngạt, suy hô hấp, xuất huyết não và phổi, hoại tử ruột, nhiễm khuẩn, rối loạn chuyển hóa, tan máu vàng da… nên phải áp dụng cùng lúc nhiều biện pháp đồng bộ. Bên cạnh đó, trẻ cũng thường xuyên làm các xét nghiệm máu, chụp X-quang để tầm soát các bệnh lý.

Bệnh nhi hiện đã ổn định, có thể được xuất viện về nhà. Ảnh: Đại Biểu Nhân Dân

Do sinh cực non và nhẹ cân, bệnh nhi diễn biến hết sức phức tạp, luôn ở trong tình trạng nặng. Trẻ được nằm lồng ấp, hỗ trợ thông khí bằng máy thở, đặt longline (catheter tĩnh mạch trung tâm 1 nòng), đặt đường nuôi dưỡng qua tĩnh mạch rốn và duy trì thuốc vận mạch. Ngoài ra, bệnh nhi còn được điều trị kết hợp bệnh lý vàng da và bệnh võng mạc ở trẻ sinh non.

Đối với các trẻ non yếu, cân nặng cực thấp, chế độ điều trị được tính toán cẩn thận bao gồm lượng dịch, năng lượng và lượng sữa theo từng ngày tùy thuộc cân nặng. Trẻ được theo dõi cân nặng 2 lần/tuần để điều chỉnh kịp thời, đảm bảo trẻ tăng cân tốt trong quá trình điều trị. Việc tuân thủ chế độ chăm sóc, đảm bảo vô khuẩn trong quá trình trẻ nằm viện được thực hiện nghiêm ngặt.

Trải qua 100 ngày điều trị, sức khỏe của bé sơ sinh liên tục được cải thiện mỗi ngày. Hiện, bệnh nhi đã ổn định, có thể được xuất viện về nhà.

“Dưới sự chăm sóc của các y bác sĩ tại khoa Hồi sức cấp cứu sơ sinh, em bé sinh non nặng vỏn vẹn 500g, giờ đã đạt 2,1kg, có sức khỏe ổn định. Cân nặng của bé lúc ra viện gần tương đương với tuổi thai hiệu chỉnh và tương đương với một bé được nuôi dưỡng trong bụng mẹ. Trước khi ra viện, bệnh nhi được khám sàng lọc đầy đủ về thính lực, sàng lọc bệnh võng mạc trẻ đẻ non”, bác sĩ CKII Trương Lệ Thi chia sẻ.

Hai vợ chồng sốt cao li bì sau khi bị chuột cắn

Theo VietNamNet, Trung tâm Bệnh Nhiệt đới - Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) vừa tiếp nhận cặp vợ chồng trú tại Hải Dương vào cấp cứu với các triệu chứng nhiễm trùng nặng. 

Trước đó, họ cùng nhau đuổi bắt chuột và bị cắn vào tay. Năm ngày sau, cả hai sốt cao li bì. Gia đình đưa các bệnh nhân đến cơ sở y tế tiêm phòng uốn ván và chuyển lên Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng sốt trên 39 độ, vết thương ở bàn tay sưng tấy nhiễm trùng. Tại đây, bác sĩ chẩn đoán họ mắc bệnh sốt do chuột cắn (Sodoku). Sau hơn 1 tuần điều trị tích cực, các dấu hiệu lâm sàng cải thiện, 2 vợ chồng được ra viện.

Vết thương trên tay do chuột cắn. Ảnh: VietNamNet

Bác sĩ Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới - Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ, sốt do chuột cắn là bệnh nhiễm trùng - nhiễm độc toàn thân do xoắn khuẩn Spirillum minus có trong hầu họng của loài chuột, lây trực tiếp qua vết cắn của chúng, ủ bệnh từ 3 ngày đến 2 tuần.

Người bệnh sẽ có các triệu chứng sốt cao, ớn lạnh, đau cơ, đau khớp, đau đầu, viêm họng, viêm hạch, nôn mửa, mệt mỏi, mê sảng, hôn mê. Trường hợp nhiễm độc nặng không điều trị kịp thời có thể dẫn tới biến chứng viêm màng não, viêm gan, viêm màng phổi, viêm cơ tim, viêm khớp, nhiễm khuẩn huyết, viêm nội tâm mạc, thậm chí tử vong. Bệnh không phổ biến nhưng không ít trường hợp phải nhập viện với nhiều biến chứng do chủ quan.

Bác sĩ Cường khuyến cáo khi bị chuột cắn hoặc cào xước da, trong 15 phút đầu, người dân cần vệ sinh vết thương bằng nước sạch và xà phòng rồi rửa lại bằng dung dịch sát trùng như cồn 90 độ, iodine, betadine.

Sau đó, bệnh nhân nên tới cơ sở y tế gần nhất để được đánh giá nguy cơ phơi nhiễm, có thể tiêm phòng vaccine uốn ván và sử dụng liệu pháp kháng sinh nhóm beta-lactam trong 5 đến 7 ngày. Khi bị sốt cao, vết thương sưng tấy, nổi hạch, người bệnh cần đến cơ sở y tế khám và điều trị kịp thời.

Tin nổi bật