Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tin tức đời sống 16/1: Em trai hiến thận cứu chị gái suy thận mạn giai đoạn cuối

  • Đinh Kim (T/h)
(DS&PL) -

Em trai hiến thận cứu chị gái suy thận mạn giai đoạn cuối; Phẫu thuật nội soi cứu thanh niên gãy cột sống cổ phức tạp… là các tin tức đời sống đáng chú ý ngày 16/1.

Em trai hiến thận cứu chị gái suy thận mạn giai đoạn cuối

Theo báo Sức Khỏe & Đời Sống, chiều 15/1, tin từ Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết, bác sĩ của bệnh viện đã phối hợp với chuyên gia Bệnh viện Chợ Rẫy phẫu thuật ghép thận thành công cho bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối.

Cụ thể, nữ bệnh nhân L.T.H (SN 1967, quê Đồng Tháp) được phát hiện suy thận mạn giai đoạn cuối từ năm 2022 và điều trị ngoại trú. Tháng 9/2024, bệnh nhân bắt đầu lọc máu định kỳ tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ. Sau khi hội chẩn, các bác sĩ quyết định phẫu thuật ghép thận cho bệnh nhân từ người em trai ruột.

Ekip phẫu thuật do PGS.TS. Thái Minh Sâm (nguyên Trưởng khoa Ngoại Tiết niệu - BV Chợ Rẫy, Phó Chủ tịch Hội Tiết niệu - Thận học Việt Nam) cùng các y bác sĩ của hai bệnh viện phối hợp thực hiện.

Kíp phẫu thuật thực hiện phương pháp nội soi ổ bụng, lấy thận bên trái của người hiến và ghép vào hố chậu phải của người nhận. Sau khi nối mạch máu, thận hồng hào và có nước tiểu ngay tại bàn mổ. Ca phẫu thuật kéo dài khoảng 5 giờ.

Các bác sĩ thực hiện lấy thận từ người hiến. Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống

Sau ghép, sức khỏe bệnh nhân cải thiện tốt, vết mổ khô, tổng trạng phục hồi tốt; các chỉ số xét nghiệm chức năng thận gần như trở về bình thường. tiếp xúc tốt, sức khỏe ổn định, chức năng tim và thận đã phục hồi gần như bình thường.

Bệnh nhân đang được theo dõi chặt chẽ tại khoa Thận – Thận nhân tạo và dự kiến kết thúc điều trị vào ngày 16/1. Trong khi đó, người hiến thận sức khỏe ổn định và đã được về nhà chăm sóc và hẹn tái khám sau 7 ngày.

Dự kiến Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ tiếp tục tiến hành 2 cặp ghép mới vào tháng 2/2025. 6 ca ghép thận thực hiện trước đó tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ đều ổn định và hồi phục tốt, đang được tái khám định kỳ.

Phẫu thuật nội soi cứu thanh niên gãy cột sống cổ phức tạp

Theo báo Nhân Dân, ngày 1/1, khoa Chấn thương chỉnh hình và Cột sống Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận người bệnh 25 tuổi gặp tai nạn giao thông. Người này tự ngã xe máy, cắm đầu xuống nền cứng, dẫn đến tình trạng đau cổ dữ dội. Sau khi thăm khám và chụp chiếu, các bác sĩ xác định anh bị gãy mỏm nha - một cấu trúc quan trọng trong vận động cột sống cổ.

Các chuyên gia chia sẻ, gãy mỏm nha là dạng chấn thương nguy hiểm, dễ dẫn đến di lệch, không liền xương và có nguy cơ cao gây liệt tủy, để lại di chứng nặng nề. Phương pháp điều trị bảo tồn thường có tỷ lệ thất bại lên đến 85%.

Thay vì áp dụng phương pháp mổ mở truyền thống, các bác sĩ quyết định phẫu thuật nội soi vít trực tiếp vào mỏm nha qua đường mổ phía trước cột sống cổ. Đây là kỹ thuật tiên tiến, giúp bảo tồn vận động tự nhiên của khớp C1-C2 (khớp này đảm nhiệm 50% khả năng xoay của cổ), đồng thời giảm nguy cơ nhiễm trùng, ít mất máu và rút ngắn thời gian hồi phục.

Quá trình phẫu thuật đòi hỏi đội ngũ y tế có tay nghề cao, phối hợp nhịp nhàng do vùng cổ chứa nhiều mạch máu lớn và cơ quan quan trọng. Theo các bác sĩ tại Bệnh viện Bạch Mai, đây là ca phẫu thuật nội soi vít trực tiếp mỏm nha đầu tiên thành công tại Việt Nam.

Chỉ sau một ngày phẫu thuật, bệnh nhân đã có thể ngồi dậy, đi lại và ăn uống bình thường. Ảnh: Nhân Dân

Trước đây, phương pháp mổ mở thường cố định cứng hai đốt sống C1-C2, gây hạn chế vận động tự nhiên của cổ và dễ dẫn đến thoái hóa khớp liền kề. Phẫu thuật nội soi không chỉ khắc phục những hạn chế này mà còn duy trì khả năng vận động xoay của cổ, đặc biệt phù hợp với người bệnh trẻ tuổi.

Chỉ sau một ngày phẫu thuật, người bệnh đã có thể ngồi dậy, đi lại và ăn uống bình thường mà không cảm thấy khó chịu hay hạn chế vận động ở cổ. Vết mổ nhỏ chỉ khoảng 1cm gần như không để lại dấu vết. "Tôi không hề cảm nhận thấy có đinh vít ở cổ mình. Mọi sinh hoạt đều như trước khi bị tai nạn", bệnh nhân cho hay.

PGS.TS.BS Hoàng Gia Du - Trưởng Khoa Chấn thương chỉnh hình và Cột sống nhận định: "Phẫu thuật nội soi vít trực tiếp mỏm nha là một bước tiến lớn, mang lại hiệu quả cao với tỷ lệ thành công từ 90-95%. Kỹ thuật này không chỉ là thành tựu của đội ngũ y tế mà còn mở ra cơ hội điều trị an toàn, tiên tiến cho nhiều người bệnh Việt Nam".

Thành công của Bệnh viện Bạch Mai không chỉ là niềm tự hào của ngành y học Việt Nam mà còn khẳng định sự phát triển vượt bậc về trình độ chuyên môn và kỹ thuật. Đây là một bước tiến lớn trong lĩnh vực phẫu thuật chấn thương chỉnh hình cột sống, mang lại hy vọng mới cho người bệnh.

Ghi nhận 8 ca tử vong nghi do virus Marburg ở Tanzania

Theo TTXVN, ngày 14/1, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa ra cảnh báo đối với Tanzania cũng như các nước khác ở châu Phi đề phòng nguy cơ cao lây lan virus Marburg - loại virus hiếm gặp và nguy hiểm như virus Ebola, sau khi ghi nhận một đợt bùng phát nghi ngờ do loại virus này gây ra tại Tanzania khiến 8 người tử vong.

WHO đã thông báo đến các nước trong khu vực vào ngày 13/1 về một đợt bùng phát các trường hợp bị bệnh nghi do virus Marburg gây ra ở khu vực Kagera thuộc Tây Bắc Tanzania. 

Trên mạng xã hội X (trước đây là Twitter), Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, tính đến nay đã có 9 trường hợp mắc bệnh nghi do virus Marburg gây ra ở Tanzania, trong đó có 8 trường hợp tử vong. WHO dự báo sẽ có thêm nhiều trường hợp trong những ngày tới khi công tác giám sát dịch bệnh được cải thiện.

Khu vực Kagera đã ghi nhận đợt bùng phát virus Marburg lần đầu tiên vào tháng 3/2023, kéo dài gần 2 tháng, với 9 ca mắc bệnh, trong đó có 6 trường hợp tử vong.

Virus Marburg là một loại vi khuẩn có độc lực cao, gây sốt nặng và thường kèm theo các biểu hiện như xuất huyết và suy nội tạng. Ảnh minh họa: Shutterstock

WHO đánh giá nguy cơ bùng phát dịch bệnh ở cấp quốc gia tại Tanzania là "cao" do một số yếu tố đáng lo ngại. Các yếu tố này bao gồm tỷ lệ tử vong lên tới 89%, nguồn gốc đợt bùng phát hiện tại vẫn chưa được xác định và sự lây lan theo địa lý của các ca bệnh. 

Cơ quan y tế của Liên hợp quốc đang cung cấp hỗ trợ cho Chính phủ Tanzania và các cộng đồng bị ảnh hưởng. Cơ quan này cũng cảnh báo khả năng lây lan dịch bệnh sang các quốc gia láng giềng như Rwanda, Uganda, Burundi và Cộng hòa Dân chủ Congo vì Kagera nằm ở khu vực biên giới với các nước nói trên. Tuy nhiên, WHO không khuyến cáo hạn chế hoạt động đi lại hoặc giao thương với Tanzania vào thời điểm này.

WHO đưa ra thông báo trên chưa đầy 1 tháng sau khi tuyên bố đợt bùng phát virus Marburg kéo dài hơn 3 tháng ở nước láng giềng Rwanda, khiến 15 người tử vong.

Được biết, virus Marburg là một loại vi khuẩn có độc lực cao, gây sốt nặng và thường kèm theo các biểu hiện như xuất huyết và suy nội tạng. Virus được truyền sang người từ dơi ăn quả và lây lan thông qua tiếp xúc trực tiếp với chất dịch cơ thể của người nhiễm bệnh hay qua các bề mặt và vật liệu có virus.

Theo thống kê của WHO trong các đợt bùng phát trước đó, tỷ lệ tử vong do mắc virus Marburg dao động trong khoảng từ 24% - 88%.

Tin nổi bật