Theo VietNamNet, ông B.V.P (63 tuổi, quê Hậu Giang) có tiền sử tăng huyết áp, đái tháo đường khoảng 14 năm, điều trị ở bệnh viện địa phương. Ngày 19/1, ông bị nhồi máu cơ tim, được người nhà đưa vào bệnh viện ở địa phương cấp cứu, sau đó chuyển tới Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ trong tình trạng "mạch chậm, huyết áp thấp, choáng, đau ngực trái".
Bác sĩ chẩn đoán ông bị nhồi máu cơ tim, chỉ định can thiệp mạch vành cấp cứu. Khi nghe bệnh viện thông báo kinh phí để can thiệp mạch vành, gia đình ông P. suy sụp, gần như buông xuôi. Với quan điểm "cứu người trước, viện phí tính sau" của ban giám đốc bệnh viện, bác sĩ khoa Tim mạch can thiệp đã "chạy đua" với thời gian thực hiện cấp cứu cho bệnh nhân.
Các bác sĩ thực hiện quy trình báo động đỏ, bỏ qua mọi thủ tục, bệnh nhân được chuyển xuống phòng can thiệp. Kết quả, bệnh nhân bị tắc động mạch vành phải đoạn 3, huyết khối; bác sĩ can thiệp thành công bằng stent phủ thuốc.
Người đàn ông hiện đã tỉnh, sinh hoạt gần như bình thường. Ảnh: VietNamNet
Hiện tại, ông P. đã tỉnh, tiếp xúc tốt, giảm đau ngực, dấu hiệu sinh tồn ổn định, sinh hoạt gần như bình thường, dự kiến xuất viện vào ngày mai trong niềm vui của gia đình.
Ông P. có hoàn cảnh rất khó khăn, bản thân mất sức lao động nhiều năm; con trai ông bị kém trí nhớ được hưởng trợ cấp của nhà nước; vợ ông bán vé số dạo nuôi cả gia đình.
Toàn bộ viện phí ngoài bảo hiểm được “chương trình chia sẻ yêu thương lần thứ 8" của bệnh viện hỗ trợ - ông P. được điều trị với viện phí 0 đồng.
Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết, sau 8 năm thực hiện công tác hỗ trợ bệnh nhân, nơi đây đã tiếp sức cho hơn 6.000 bệnh nhân, với số tiền 27,7 tỷ đồng.
Theo báo Người Lao Động, ngày 22/1, thông tin từ Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh tỉnh Đồng Nai, cho biết trên địa bàn vừa ghi nhận thêm 1 trường hợp tử vong do bệnh sởi, là bé Q. (19 tháng tuổi, ngụ TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai). Đây là ca tử vong thứ 4 trên địa bàn kể từ đầu mùa dịch sởi năm 2024.
Bé Q. đã tiêm các mũi vaccine cơ bản như viêm gan B, 5 trong 1, bại liệt (OPV), lao, cúm… nhưng chưa tiêm vaccine có thành phần sởi.
Đồng Nai ghi nhận thêm 1 trường hợp tử vong do bệnh sởi. Ảnh minh họa
Đầu tháng 12/2024, bệnh nhi phát bệnh, được người nhà đưa đến một Phòng khám ở xã Bắc Sơn (huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) khám, chẩn đoán viêm phế quản, theo dõi viêm phổi và cho thuốc về nhà uống theo dõi.
Ngày 6/12, bệnh nhi sốt, ho, chảy máu mũi ít, đốm trắng trong miệng. Người nhà đưa bé đến một Phòng khám khác ở phường Tân Hòa (TP.Biên Hòa) khám, bác sĩ cho thuốc về nhà uống với chẩn đoán theo dõi bệnh sởi.
1 ngày sau đó, bé gái biểu hiện nặng hơn, người nhà đưa bé đến Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP.HCM) khám và nhập viện tại khoa nhiễm với chẩn đoán bệnh sởi/viêm phế quản.
Ngày 9/12, bệnh nhi được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả dương tính với virus sởi. Đến ngày 11/12, bệnh nhi khó thở, được chuyển đến phòng hồi sức khoa Nhiễm. Đến ngày 6/1/2025, tình trạng bệnh nhi trở nặng, người nhà xin đưa bé về.
Chẩn đoán lúc ra viện, bệnh nhi sốc nhiễm trùng, nhiễm trùng huyết, nhiễm nấm phổi, viêm phổi nặng, hậu sởi. Bệnh nhân tử vong tại nhà riêng vào ngày 6/1.
Ngành y tế tỉnh Đồng Nai khuyến cáo phụ huynh cần chủ động đưa con mình đến Trạm Y tế và các cơ sở tiêm chủng tiêm vaccine có thành phần sởi đúng lịch, đủ liều để tránh những trường hợp đáng tiếc do không được tiêm vaccine phòng bệnh sởi.
Báo Đồng Nai đưa tin, Bệnh viện Thuận Mỹ ITO Đồng Nai vừa tiếp nhận và phẫu thuật loại bỏ viên sỏi bàng quang có kích thước “khổng lồ” cho nam bệnh nhân P.H.Đ. (72 tuổi, ngụ xã Gia Tân 3, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai).
Ông Đ. bị tiểu khó, tiểu lâu, thậm chí phải ngồi tiểu do không thể tiểu đứng. Qua thăm khám, người bệnh được chẩn đoán phì đại lành tính tuyến tiền liệt, hẹp cổ bàng quang dẫn đến sỏi bàng quang kích thước lớn gây triệu chứng đường tiểu dưới.
Đặc biệt, viên sỏi có kích thước "khủng" lên tới 11cm x 8cm. Đây là một trong những trường hợp sỏi bàng quang lớn nhất từng ghi nhận tại Bệnh viện Thuận Mỹ ITO Đồng Nai.
Viên sỏi bàng quang có kích thước lên tới 11cm x 8cm. Ảnh: Báo Đồng Nai
Bác sĩ CKII Nguyễn Văn Truyện - Phó khoa Ngoại - Sản - Liên chuyên khoa, phẫu thuật viên chính, cùng ekip phẫu thuật đã thực hiện phương pháp kết hợp "2 trong 1" tiên tiến, vừa mổ nội soi vừa mổ mở tối thiểu để điều trị u phì đại lành tính tuyến tiền liệt, hẹp cổ bàng quang, vừa để lấy viên sỏi bàng quang có kích thước “khủng”.
Sau 2 giờ, ca phẫu thuật thành công. Bệnh nhân phục hồi nhanh chóng và xuất viện sau 5 ngày điều trị.
Theo bác sĩ CKII Nguyễn Văn Truyện, sỏi bàng quang không chỉ gây khó chịu trong sinh hoạt mà còn có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như: viêm bàng quang tái đi tái lại, u bàng quang, thận ứ nước, suy thận nếu sỏi lớn chèn vào 2 miệng niệu quản khiến nước tiểu không xuống được bàng quang.
Một số dấu hiệu cảnh báo của bệnh cần lưu ý như: tiểu khó, tiểu buốt, dòng nước tiểu yếu hoặc bị gián đoạn giữa dòng; đau vùng bụng dưới hoặc đau lan ra sau lưng; tiểu máu hoặc nhiễm khuẩn niệu tái đi tái lại.
Người dân chủ động thăm khám định kỳ, đặc biệt khi xuất hiện các triệu chứng bất thường, nhằm phát hiện sớm và điều trị kịp thời các bệnh lý niệu khoa nguy hiểm.