Theo VietnamPlus, ngày 24/1, Bệnh viện Bạch Mai thông tin tại Trung tâm Nhi Khoa và Trung tâm Chống độc đã tiếp nhận 32 bệnh nhi, hầu hết là học sinh từ 1 đến lớp 5 Trường Tiểu học Phú Bình (TP.Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang), do nghi ngờ uống nhầm thuốc diệt chuột.
Các bác sĩ cho hay, các trẻ kể có uống ống chất lỏng màu đỏ, đặc biệt có 7 cháu uống mức độ đáng kể, mỗi cháu từ 1/3 đến 1 ống, có triệu chứng đau đầu, nôn, chóng mặt và đây là các cháu có nguy cơ cao nhất bị ngộ độc nặng. Các trẻ còn lại uống từ 1-3 giọt.
TS. Nguyễn Thành Nam - Giám đốc Trung tâm Nhi khoa cho biết, ngay khi tiếp nhận các bệnh nhi, Trung tâm Nhi khoa đã khẩn trương huy động nhân lực bác sỹ, điều dưỡng và phối hợp cùng Trung tâm Chống độc, đánh giá, phân loại bệnh nhi, đồng thời xin chỉ đạo thành lập hội đồng khoa học hội chẩn toàn bệnh viện.
Về tình trạng các bệnh nhân và bản chất ngộ độc, các bệnh nhi đồng loạt được khám, đánh giá, xét nghiệm, kiểm tra, bao gồm các chỉ số đánh giá về tổn thương do ngộ độc, độc chất trong nước tiểu, chụp cộng hưởng từ với các cháu có chỉ định, siêu âm tim… theo phác đồ.
Một cháu có co giật ngay tại bệnh viện. Hai cháu có tổn thương não trên phim cộng hưởng từ, một số cháu có dấu hiệu ảnh hưởng chức năng tim. Tất cả các cháu đang tỉnh táo, vẫn chơi và đều đang được theo dõi sát cũng như điều trị theo phác đồ.
Các bác sĩ liên tục rà soát cố gắng không bỏ sót các nguyên nhân chất độc khác. Tiên lượng phải tùy thuộc diễn biến tiếp theo, ít nhất phải sau vài ngày đầu mới rõ.
Các bệnh nhi được điều trị ở Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: VietnamPlus
TS. Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc phân tích, với các đặc điểm ống chất lỏng màu đỏ như vậy, đặc điểm triệu chứng của các cháu và kết quả xét nghiệm độc chất đã có cho thấy đây là vụ ngộ độc hóa chất diệt chuột fluoroacetate/fluoroacetamide.
Ngoài ra, các bác sĩ rất thận trọng theo dõi, đánh giá xem có các chất khác gây ngộ độc đồng thời không vì cháu đầu tiên phát hiện ra túi chứa hóa chất diệt chuột thấy có cả ống màu xanh.
Được biết, Fluoroacetate/fluoroacetamide là hóa chất diệt chuột có nguồn gốc từ Trung Quốc, thường ở các dạng: Ống nước nhỏ bằng nhựa hoặc thủy tinh chứa dung dịch màu hồng, dung dịch không màu, màu nâu, hoặc gói hạt gạo hồng, tất cả không có nhãn mác hoặc có thì hoàn toàn là chữ Trung Quốc.
Đây là loại hóa chất diệt chuột có độc tính cực cao với thần kinh, gây co giật, hôn mê, tổn thương não nặng, tổn thương tim, viêm cơ tim cấp, suy tim cấp, loạn nhịp tim, sốc tim, cùng với biểu hiện đặc trưng là hạ can xi. Trường hợp ngộ độc nặng có thể tổn thương và suy đa tạng.
Giám đốc Trung tâm Chống độc cho hay, hóa chất này là nguyên nhân của phần lớn các trường hợp tử vong do ngộ độc thuốc diệt chuột của những năm 1990 và đầu những năm 2000, tỷ lệ tử vong rất cao. Hóa chất này đã bị cấm ở Việt Nam nhiều năm và quay trở lại vài năm nay dưới dạng bán rong, bán trên mạng, thậm chí có thể một số có thể bán chui một số nơi.
Về khuyến cáo với các cơ quan địa phương, đại diện Trung tâm Chống độc phối hợp cùng Trung tâm Nhi khoa đã hướng dẫn đại diện nhà trường liên hệ các trường bên cạnh cùng rà soát nguy cơ còn sót các ống hóa chất diệt chuột hoặc tất cả các hóa chất khác ở trong khuôn viên nhà trường, tìm tất cả các cháu đã uống các loại ống chất lỏng trên hoặc bất kỳ hóa chất nào khác nghi ngờ và đề nghị nhập viện ngay tại địa phương trước.
Các đơn vị có liên quan cần thông báo cơ quan điều tra, chính quyền để tìm nguyên nhân, nguồn gốc, đảm bảo không bỏ sót các chất độc khác và không bỏ sót các cháu khác bị ngộ độc.
Theo TS. Nguyễn Trung Nguyên, Trung tâm Chống độc đã khám các bệnh nhân, đã có hướng dẫn khám, đánh giá, theo dõi, điều trị và sẽ phối hợp cùng Trung tâm Nhi khoa điều trị tích cực cho các bệnh nhi.
Theo Thời báo VTV, khoa Ngoại thần kinh Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 tiếp nhận nhiều người bệnh lớn tuổi bị chấn thương sọ não có máu tụ dưới màng cứng mạn tính.
Điển hình là trường hợp bệnh nhân nam 89 tuổi, nhập viện trong tình trạng ý thức không tỉnh táo, nói khó, đi lại khó khăn. Qua khám và hình ảnh chụp cắt lớp vi tính, bệnh nhân được chẩn đoán có khối máu tụ dưới màng cứng mạn tính.
Theo lời kể của gia đình, cách đây 1 tháng, bệnh nhân có bị va đầu nhẹ vào cánh cửa, sau va đập bệnh nhân không có biểu hiện gì khác thường. Thời gian sau đó, bệnh nhân làm việc sinh hoạt bình thường.
Sau thời điểm chấn thương 1 tháng, bệnh nhân bắt đầu có các biểu hiện khác thường, đau đầu âm ỉ, ý thức xấu dần, nói khó khăn, đi lại yếu, phải có người dìu nên gia đình đã đưa bệnh nhân tới Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 khám và có chỉ định phẫu thuật. Sau phẫu thuật dẫn lưu ổ máu tụ, bệnh nhân đã phục hồi hoàn toàn cả về ý thức lẫn vận động.
Sau phẫu thuật dẫn lưu ổ máu tụ, cụ ông đã phục hồi hoàn toàn cả về ý thức lẫn vận động. Ảnh: Thời báo VTV
Máu tụ dưới màng cứng là khối máu đông hình thành trong khoang dưới màng cứng, khoang giữa màng cứng và màng nhện, thường do chấn thương đầu gây tổn thương các tĩnh mạch vỏ não và là một loại chảy máu trong sọ, vị trí nằm gần não. Các triệu chứng có thể phát triển ngay sau chấn thương hoặc nhiều ngày đến nhiều tháng sau đó, lúc này được gọi là máu tụ dưới màng cứng mạn tính.
Ở những người lớn tuổi, các mạch máu trên vỏ não trở nên yếu, mỏng, dễ bị tổn thương và dễ gây chảy máu, đặc biệt là các bệnh nhân nghiện rượu, người bệnh mắc chứng sa sút trí tuệ (Alzheimer), sử dụng thuốc chống đông hoặc thuốc chống ngưng tập tiểu cầu...
Mặt khác, não bị teo nhỏ làm khoảng cách giữa nhu mô não và hộp sọ tăng lên, điều này làm căng các mạch máu và khi bị chấn thương ở đầu sẽ dễ bị tổn thương và chảy máu hơn.
Đối với chấn thương ở người già triệu chứng thường xuất hiện muộn nên nhiều gia đình không đưa bệnh nhân đến các cơ sở y tế khám ngay, sớm là từ 1 - 3 tuần và muộn là vài tháng mới bắt đầu xuất hiện các triệu chứng bất thường.
Thậm chí, có những trường hợp đáng tiếc nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh do gia đình chủ quan hoặc không rõ tiền sử ngã hay va đập, nghĩ do bệnh nhân bị cảm, mệt mỏi nên để muộn không đưa bệnh nhân tới cơ sở y tế điều trị kịp thời.
Triệu chứng của bệnh máu tụ dưới màng cứng mạn tính sau chấn thương sọ não phụ thuộc vào độ nặng của chấn thương và kích cỡ, cũng như vị trí của khối máu tụ. Các triệu chứng bắt đầu xuất hiện như: Mất ý thức hoặc thay đổi mức độ tỉnh táo, đau đầu, lú lẫn và nói ngọng, chóng mặt, nôn, yếu chân tay, co giật…
Máu tụ dưới màng cứng là một tình trạng nguy hiểm có thể đe dọa tính mạng, do vậy, cần phòng tránh chấn thương đầu, đặc biệt ở người cao tuổi. Cần kiểm soát tốt các bệnh nền như tăng huyết áp, tiểu đường… Sử dụng thuốc chống đông đúng chỉ định và theo dõi chặt chẽ.
Lưu ý, máu tụ dưới màng cứng mạn tính có thể bị bỏ sót do triệu chứng không đặc hiệu, vì thế đối với người cao tuổi, khi có bất kỳ dấu hiệu thần kinh nào cần được đánh giá kỹ lưỡng.
VTC News đưa tin, Bệnh viện Nhi Trung ương vừa tiếp nhận hai bệnh nhi đến từ Yên Bái và Thái Nguyên trong tình trạng nguy kịch do uống nhầm dầu thắp đèn bàn thờ. Trước đó, các bé vô tình uống phải dầu thờ được gia đình chiết ra từ chai lớn và không dán nhãn cảnh báo.
Gia đình đã đưa các bé đến cơ sở y tế gần nhất để sơ cứu. Do tình trạng nguy kịch, các bé được đặt nội khí quản và chuyển gấp đến Bệnh viện Nhi Trung ương. Lúc nhập viện, cả hai đều trong tình trạng suy hô hấp nặng, tổn thương phổi nghiêm trọng, hôn mê và suy giảm tri giác.
Bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương kiểm tra sức khoẻ cho bệnh nhân. Ảnh: VTC News
Các bác sĩ đã hỗ trợ thở máy, điều trị bằng kháng sinh, thuốc chống viêm và theo dõi sát các chỉ số sinh tồn. Sau 5 ngày điều trị tích cực, sức khỏe của hai bệnh nhi có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, các bé vẫn cần được theo dõi chặt chẽ để phòng ngừa biến chứng có thể xảy ra.
Chuyên gia khuyến cáo phụ huynh cần bảo quản các loại hóa chất, dầu thờ trong tủ có khóa và đặt ở vị trí cao, ngoài tầm với của trẻ nhỏ. Đồng thời, cần dán nhãn cảnh báo rõ ràng trên các chai đựng hóa chất để tránh nhầm lẫn đáng tiếc.