Theo thông tin trên VietNamNet, bác sĩ tim mạch Trần Quán Nhiệm ở Trung Quốc mới đây đã chia sẻ về một trường hợp phải nhập viện liên quan tới món lẩu. Cụ thể, sau khi ăn, người đàn ông đi ra ngoài trời rét buốt. Đột nhiên, anh ngã xuống đất, ngất xỉu. Khi tới phòng cấp cứu, bác sĩ xác định bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp.
Bác sĩ Trần Quán Nhiệm giải thích, ăn lẩu giúp giữ ấm cơ thể nhưng người dân cần lưu ý 2 điều khi thưởng thức món ăn phổ biến vào mùa đông.
Thứ nhất, đừng ăn lẩu chứa quá nhiều muối và đường. Thực phẩm quá béo, quá mặn hoặc quá ngọt có thể dẫn đến huyết áp cao, lượng đường trong máu cao và lipid máu cao.
Thứ hai, sau khi ăn lẩu phải giữ ấm cơ thể trước khi ra khỏi phòng. Món ăn nóng khiến cơ thể có cảm giác ấm áp hơn, đặc biệt với những người uống thêm rượu. Bởi vậy, một số người chủ quan không mặc áo khoác khi ra ngoài.
Sau khi ăn lẩu, người đàn ông đi ra ngoài trời rét buốt rồi đột ngột ngã xuống đất, ngất xỉu. Ảnh minh họa: Shutterstock
Bác sĩ Trần Quán Nhiệm đã gặp nhiều trường hợp lên cơn đau tim do mặc phong phanh ra ngoài trời, có người chỉ hơn 30 tuổi. Chênh lệch nhiệt độ tức thời quá lớn có thể gây co thắt mạch máu, gây ra các tai nạn như đau tim và nhồi máu cơ tim. Đối với những người bị huyết áp cao và có thói quen hút thuốc, mạch máu mỏng manh, việc giữ ấm đầu và cổ càng quan trọng hơn.
Bác sĩ Trần Duệ Sinh (chuyên khoa phẫu thuật kinh) từng điều trị cho một người đàn ông trung niên bị đột quỵ sau khi ăn một bữa rất no với bạn bè và đi thẳng ra ngoài trời lạnh lẽo.
“Ở cổ có những mạch máu lớn. Nếu chúng ta đi sang môi trường quá lạnh có thể khiến lưu lượng máu bị ảnh hưởng, nguy cơ dẫn tới đột quỵ”, bác sĩ cho hay.
Trong một bài đăng trên mạng xã hội, nhà dinh dưỡng học Cao Mẫn Mẫn cũng đã chỉ ra rằng các trường hợp đột tử vào mùa đông thường liên quan đến việc "không giữ ấm cổ và tai đúng cách".
Theo báo Hà Nội Mới, ngày 25/1, Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức đưa ra cảnh báo về nguy cơ gia tăng các ca tai nạn sinh hoạt do bận rộn dọn dẹp, sửa soạn nhà cửa đón Tết.
Điển hình là trường hợp bà T.T.N (63 tuổi, ở Thái Bình) bị ngã từ trên thang xuống đất trong lúc hái na bày mâm ngũ quả. Hậu quả, bà N phải nhập viện do bị xẹp đốt sống L1. Hiện tại, bệnh nhân đang được điều trị tại khoa Phẫu thuật Cột sống Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức.
Bị ngã từ trên thang xuống đất trong lúc hái na bày mâm ngũ quả, người phụ nữ phải nhập viện do bị xẹp đốt sống L1. Ảnh minh họa
Trường hợp khác là bà N.T.H (59 tuổi, ở Hải Phòng) bị ngã khi xuống xe đi mua sắm Tết. Hậu quả, bà H bị vỡ bánh chè và thoái hóa khớp gối phải. Tại bệnh viện, bệnh nhân đã được bó bột và dự kiến tái khám sau Tết.
Các trường hợp nêu trên chính là lời cảnh báo về việc mọi người không nên chủ quan mà phải luôn cẩn thận trong các hoạt động sinh hoạt hàng ngày, đặc biệt là trong những ngày giáp Tết. Việc sử dụng thang để hái quả, dọn dẹp hay sửa chữa nhà cửa cần được thực hiện cẩn trọng với các dụng cụ hỗ trợ an toàn.
Để vui xuân, đón Tết an toàn, các bác sĩ đưa ra khuyến cáo, người dân cần đảm bảo an toàn lao động khi thực hiện các công việc chuẩn bị cho Tết, như trang trí và dọn dẹp nhà cửa, cũng như chú trọng đến an toàn giao thông trong những ngày cao điểm.
Ngoài ra, khi lao động, người dân cần trang bị các phương tiện phòng hộ cần thiết. Nếu không may xảy ra tai nạn, nhanh chóng sơ cứu ban đầu và đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được xử lý và điều trị kịp thời.
Thời báo VTV đưa tin, gần đây, khoa Nội hô hấp - Tiêu hóa Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ tiếp nhận và điều trị nhiều trường hợp nhập viện sau khi uống thuốc nam không rõ nguồn gốc, các loại lá cây theo truyền miệng với những triệu chứng nặng nề.
Điển hình như trường hợp của người bệnh H.T.V. (SN 2002, trú tại Tân Sơn, Phú Thọ), nhập viện trong tình trạng da niêm mạc vàng, củng mạc mắt vàng, mệt mỏi, ăn kém, chán ăn, nước tiểu vàng, tức bụng, bụng mềm.
Người bệnh cho biết, khoảng 1 tháng trước khi nhập viện có bị đau bụng và nghĩ rằng đó là do đau dạ dày. Nghe theo những lời truyền miệng, gia đình đã mua thuốc nam về cho người bệnh uống. Tuy nhiên, sau 1 tháng uống thuốc nam, người bệnh xuất hiện triệu chứng mệt mỏi, buồn nôn và ăn kém.
Kết quả xét nghiệm của người bệnh cho thấy men gan cao gấp 284 lần so với bình thường; đông máu giảm nhiều. Người bệnh được chẩn đoán: Suy gan cấp do ngộ độc thuốc nam. Người bệnh được xử trí: truyền dịch, truyền huyết tương, bổ gan, vitamin.
Sau 12 ngày điều trị, người bệnh ổn định, chức năng gan và các chỉ số xét nghiệm gần về mức bình thường. Người bệnh được ra viện, tiếp tục dùng thuốc theo đơn của bác sĩ và khám lại theo lịch hẹn.
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân bị suy gan do ngộ độc thuốc nam. Ảnh: Thời báo VTV
Trường hợp người bệnh M.T.Đ. (62 tuổi, trú tại Yên Sơn, Tuyên Quang) nhập viện với triệu chứng mệt mỏi, đau bụng, ăn kém… và được chẩn đoán: Viêm dạ dày - suy thận cấp.
Người bệnh cho biết, nghe nói nước lá tía tô rất tốt cho sức khỏe nên người bệnh đã nấu nước uống hàng ngày. Sau một thời gian, người bệnh xuất hiện triệu chứng mệt mỏi, khó chịu nên đã quyết định đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ khám.
Bệnh nhân được xử trí: Truyền dịch, giảm tiết, vitamin. Sau 12 ngày điều trị, người bệnh ổn định, các chỉ số xét nghiệm về mức bình thường và được ra viện.
Bác sĩ Trần Văn Sơn ở khoa Nội hô hấp - Tiêu hóa chia sẻ, thuốc nam thường có nguồn gốc từ các loại cây, lá thuốc tự nhiên. Tác dụng chữa bệnh của các loại thuốc nam, lá thuốc đã được khẳng định trong y văn.
Tuy nhiên việc sử dụng thuốc nam không rõ nguồn gốc, dùng lá thuốc không đúng cách, sai liều lượng… có thể dẫn đến ngộ độc, nặng hơn có thể gây suy đa tạng. Vì vậy, việc sử dụng thuốc nam, lá thuốc cần được tư vấn và theo dõi bởi các bác sĩ chuyên khoa để tránh những biến chứng như ngộ độc cấp, suy gan, suy thận…
Trên thực tế, khoa Nội hô hấp – Tiêu hóa Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ thường xuyên tiếp nhận nhiều trường hợp người bệnh nhập viện sau khi dùng thuốc nam hoặc chữa bệnh theo "lời đồn", theo hướng dẫn không có căn cứ khoa học trên các trang mạng xã hội,… thậm chí có nhiều trường hợp đã chuyển sang suy thận giai đoạn cuối và phải lọc máu chu kỳ.
Qua đây, bác sĩ Sơn khuyến cáo người dân nên thận trọng khi sử dụng thuốc nam, tránh sử dụng tùy tiện và nghe theo lời truyền miệng thiếu căn cứ khoa học. Khi có các dấu hiệu bất thường về sức khỏe, hãy đến khám tại các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Bên cạnh đó, người dân cần đi khám sức khỏe định kỳ để xác định các bệnh lý tiềm ẩn cũng như các bệnh lý di truyền, để được theo dõi quản lý bệnh, tránh những biến chứng không mong muốn xảy ra.