Người Đưa Tin Pháp Luật dẫn thông tin từ Bệnh viện Đà Nẵng cho biết, các bác sĩ khoa Ngoại tiêu hóa đã thực hiện thành công ca phẫu thuật phức tạp, loại bỏ khối u mỡ “khổng lồ” nặng hơn 5kg cho bệnh nhân Đ.V.T. (58 tuổi, đến từ TP.Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi).
Trước khi nhập viện, bệnh nhân T. đã có những triệu chứng mệt mỏi, đau bụng kéo dài, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và sinh hoạt hàng ngày.
Các bác sĩ tại Bệnh viện Đà Nẵng đã tiến hành thăm khám và thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng, từ đó phát hiện một khối u lớn trong ổ bụng, gây chèn ép các cơ quan nội tạng, làm gia tăng nguy cơ gặp phải các biến chứng nghiêm trọng.
Các bác sĩ kiểm tra hình ảnh khối u mỡ của người bệnh. Ảnh: Người Đưa Tin Pháp Luật
Ca phẫu thuật được thực hiện bởi đội ngũ bác sĩ đến từ nhiều chuyên khoa như: Gây mê hồi sức, Ngoại tiêu hóa, Ngoại lồng ngực và Ngoại tiết niệu, với sự phối hợp chặt chẽ nhằm đảm bảo an toàn tối đa cho bệnh nhân.
Do khối u có kích thước lớn và chèn ép vào các tạng quan trọng, ca mổ diễn ra trong suốt gần 3 giờ, với những thao tác cẩn thận, khéo léo để bảo vệ các cơ quan xung quanh. Sau khi bóc tách thành công, khối u đã được loại bỏ hoàn toàn mà không gây ra bất kỳ biến chứng nào.
Bác sĩ Trần Văn Nghĩa - bác sĩ trực tiếp thực hiện ca phẫu thuật tại khoa Ngoại tiêu hóa chia sẻ, khối u có kích thước rất lớn và chèn ép nhiều cơ quan quan trọng. Điều này khiến cho việc bóc tách trở nên vô cùng khó khăn. Tuy nhiên, với sự phối hợp của các bác sĩ từ các chuyên khoa khác nhau, ca mổ đã hoàn thành an toàn, bảo vệ tối đa sức khỏe cho bệnh nhân.
Cũng theo bác sĩ Nghĩa, u mỡ (lipoma) là loại u lành tính của mô mỡ, có thể hình thành ở nhiều vị trí khác nhau trong cơ thể, từ dưới da cho đến trong ổ bụng. Mặc dù u mỡ thường không gây nguy hiểm nhưng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, chúng có thể phát triển lớn, gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng, đặc biệt là khi chèn ép các cơ quan nội tạng.
Các bác sĩ khuyến cáo người dân nên chủ động thăm khám khi xuất hiện các triệu chứng như: đau bụng kéo dài, khó tiêu, buồn nôn hoặc đau tức vùng bụng. Việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ giúp ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm, bảo vệ sức khỏe người bệnh một cách hiệu quả.
Báo Pháp Luật TP.HCM đưa tin, ngày 23/12, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) cho biết vừa tiếp nhận điều trị cho một nữ bệnh nhân (62 tuổi, ngụ Lạng Sơn) bị sốc nhiễm khuẩn nặng.
Được biết, gia đình của bệnh nhân có xưởng làm mì khô, sử dụng nước từ khe đá chảy ra là nguồn nước chính cho việc sản xuất mì. Do công việc thường xuyên phải ngâm chân trong nước nên chân của bệnh nhân thường trong tình trạng không lúc nào khô ráo.
3 năm trở lại đây, chân bệnh nhân xuất hiện những nốt phỏng nước. Bệnh nhân mua thuốc về bôi, tuy nhiên do chân vẫn thường xuyên tiếp xúc với nước nguồn nên các vết phỏng không khỏi.
Đầu năm 2024, các vết phỏng nước ở chân bệnh nhân chuyển biến nặng hơn. Cùng với đó, bệnh nhân thấy người mệt mỏi, sốt, 2 chân đau nhức từ đầu gối trở xuống.
Sau đó, các cơn đau ngày càng tăng dần, bệnh nhân không đi lại được, giọng nói khàn. Tại bệnh viện tỉnh, bệnh nhân được kết luận bị suy gan, suy thận, huyết áp tụt, bắt đầu cảm thấy khó thở.
Người bệnh được chẩn đoán bị nhiễm trùng do vi khuẩn Leptospira. Ảnh: Pháp Luật TP.HCM
Bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương trong tình trạng 2 chân sưng nề, đau cơ vùng bắp chân, đùi, đau cơ cánh cẳng tay bên phải, không vận động đi lại được. Kèm đó, bệnh nhân còn có tình trạng sốc nhiễm khuẩn nặng, suy hô hấp, suy gan, suy thận, phải dùng thuốc hỗ trợ tim mạch, thở oxy.
“Với những biểu hiện lâm sàng, xét nghiệm và yếu tố dịch tễ của bệnh nhân, chúng tôi chẩn đoán bệnh nhân bị nhiễm trùng do vi khuẩn Leptospira, còn gọi là xoắn khuẩn vàng da”, bác sĩ Võ Đức Linh ở khoa Hồi sức tích cực, cho biết.
Hiện tại, tình trạng bệnh nhân đã cải thiện, người bệnh đang tiếp tục được theo dõi.
Bác sĩ Linh khuyến cáo để phòng bệnh xoắn khuẩn vàng da, các nhà xưởng sản xuất, chuồng trại chăn nuôi súc vật, lò mổ phải cao ráo, dễ thoát nước, thường xuyên cần được cọ rửa sạch sẽ và khử trùng tẩy uế.
Người làm việc trong môi trường lao động hoặc nghề nghiệp có nguy cơ bị nhiễm bệnh xoắn khuẩn vàng da phải được trang bị các phương tiện bảo hộ lao động, như quần áo lao động, tạp dề, ủng, găng tay, kính mắt...
Theo chuyên trang Pháp Luật và Xã Hội, các bác sĩ tại Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí vừa phẫu thuật thành công cho một sản phụ mang thai 36 tuần 5 ngày với tình trạng viêm ruột thừa cấp kèm dấu hiệu chuyển dạ.
Được biết, trước khi nhập viện, sản phụ xuất hiện các triệu chứng đau bụng, buồn nôn và nôn ra thức ăn. Sau khi khám tại cơ sở y tế gần nhà, các bác sĩ nghi ngờ viêm ruột thừa cấp và nhận thấy dấu hiệu chuyển dạ. Sản phụ sau đó được chuyển ngay đến Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí để cấp cứu.
Tại đây, qua quá trình thăm khám và hội chẩn liên chuyên khoa, sản phụ được chẩn đoán viêm ruột thừa cấp trên nền mang thai 36 tuần 5 ngày và có biểu hiện chuyển dạ. Trước tình trạng này, các bác sĩ đã quyết định thực hiện phẫu thuật khẩn cấp để mổ lấy thai và cắt bỏ ruột thừa viêm.
Hai kíp phẫu thuật được triển khai đồng thời để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé. Sau gần 2 giờ, ca phẫu thuật diễn ra thành công. Thai nhi chào đời khỏe mạnh, hồng hào với cân nặng 2.900 gram, trong khi ruột thừa viêm căng mủ của sản phụ đã được xử lý kịp thời.
Các bác sĩ tiến hành phẫu thuật cho sản phụ. Ảnh: Pháp Luật và Xã Hội
Theo bác sĩ CKII Vũ Thị Dung - Trưởng khoa Điều trị theo yêu cầu, viêm ruột thừa trên phụ nữ mang thai là một tình trạng ít gặp và đòi hỏi sự đánh giá kỹ lưỡng trong cách xử trí.
Trường hợp này đặc biệt phức tạp vì ruột thừa căng mủ nằm ở vị trí khó xử lý, trong khi sản phụ đã có biểu hiện dọa đẻ non với tử cung mở 2 cm và thai nhi 36 tuần đạt cân nặng tiêu chuẩn. Sau khi cân nhắc lợi ích cho cả mẹ và bé, các bác sĩ quyết định thực hiện đồng thời mổ lấy thai và cắt ruột thừa viêm ngay trong ca phẫu thuật.
Bác sĩ Vũ Thị Dung cũng cảnh báo, trong những tháng cuối thai kỳ, các dấu hiệu viêm ruột thừa cấp như đau vùng hố chậu phải, đau bụng kéo dài, sốt nhẹ hay rối loạn tiêu hóa dễ bị nhầm lẫn với các vấn đề của thai kỳ.
Điều đó có thể dẫn đến chậm trễ trong xử lý, đặc biệt khi viêm ruột thừa xảy ra cùng lúc với các biến cố sản khoa. Vì vậy, thai phụ cần chú ý theo dõi sức khỏe, đặc biệt khi có những triệu chứng bất thường, và nhanh chóng đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.