Theo chuyên trang Gia Đình & Xã Hội, vừa qua, Trung tâm Thẩm mỹ - Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhân N.T.H (25 tuổi, Hà Nội) bị biến dạng mũi, thủng mũi do căng chỉ nâng mũi sau 3 tháng thực hiện tại một cơ sở làm đẹp gần nhà.
Cụ thể, người bệnh đến viện trong tình trạng nhiễm trùng nặng, hoại tử ở mũi. Các sợi chỉ đã lộ ra ngoài, gây nhiễm trùng. Theo lời kể của bệnh nhân, cô được bạn giới thiệu đến một spa mà không tìm hiểu kỹ thông tin về cơ sở này. Sau 3 tháng căng chỉ, cô bắt đầu thấy mũi sưng đỏ, mưng mủ và thủng. Chưa dừng lại ở đó, sống mũi cũng bắt đầu lộ các sợi chỉ.
Bác sĩ tiến hành xử lý ổ áp xe và tháo khoảng 15 sợi chỉ ra khỏi mũi bệnh nhân. Ảnh: Gia Đình & Xã Hội
ThS.BS Ngô Gia Tiến ở Trung tâm Thẩm mỹ - Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, tình trạng mũi của bệnh nhân đã nhiễm trùng nặng. Bác sĩ đã tiến hành xử lý ổ áp xe và tháo khoảng 15 sợi chỉ ra khỏi mũi. Tuy nhiên, do thời gian căng chỉ đã kéo dài (3 tháng), các sợi chỉ đã bị ngâm trong môi trường nhiễm khuẩn lâu, khiến chúng vỡ ra và mủ chảy ra ngoài.
Khi điều trị viêm nhiễm, rất khó tránh khỏi việc để lại sẹo không thẩm mỹ. Mặc dù vậy, bác sĩ vẫn phải đảm bảo loại bỏ hoàn toàn dị vật ra khỏi mũi và ngăn ngừa tình trạng viêm nhiễm tiếp tục.
Theo bác sĩ Tiến, biến chứng do căng chỉ gây nhiễm khuẩn có thể cực kỳ nguy hiểm. Khi sợi chỉ đã bị nhiễm khuẩn, việc loại bỏ chúng trở nên rất khó khăn và thường không thể lấy hết hoàn toàn.
Những sợi chỉ này sẽ dần tan trong môi trường nhiễm khuẩn, gây tổn thương nghiêm trọng cho khuôn mặt. Quá trình xử lý sẽ không thể tránh khỏi việc để lại sẹo và có thể dẫn đến biến dạng khuôn mặt nếu không xử lý kịp thời.
"Đây là một cảnh báo nghiêm trọng về nguy cơ tiềm ẩn của việc căng chỉ và người dân cần phải hết sức cẩn trọng," bác sĩ Tiến nhấn mạnh.
Cũng theo bác sĩ Tiến, bệnh nhân H. đã rất hoảng loạn và đau đớn vì tình trạng nhiễm trùng kéo dài. Đáng nói, khi liên hệ với cơ sở spa nơi thực hiện căng chỉ, bệnh nhân lại không nhận được bất kỳ phản hồi nào.
Vì vậy, bác sĩ Tiến cảnh báo, gần Tết là dịp nhu cầu làm đẹp của người dân có xu hướng tăng cao. Để tránh gặp họa, người dân cần tìm hiểu kỹ về cơ sở thực hiện phẫu thuật nâng mũi, đảm bảo chứng chỉ hành nghề và giấy phép hoạt động hợp lệ, cũng như độ uy tín của cơ sở đó.
Nếu sau khi nâng mũi có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, cần đến ngay các cơ sở y tế uy tín, có bác sĩ giàu kinh nghiệm để được khám và xử lý kịp thời, tránh biến chứng nghiêm trọng có thể xảy ra.
Theo thông tin từ Bệnh viện Nhi đồng 1, bệnh nhi 8 tuổi nhập viện điều trị sau 3 ngày sốt cao, tiêu chảy, nôn ói. Chẩn đoán bệnh nhi bị sốc nhiễm khuẩn kháng trị gây trụy tim mạch. Nếu điều trị nội khoa thất bại, tỷ lệ tử vong gần 100%.
PGS.TS Phạm Văn Quang - Trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc cho biết, bệnh nhi này nhập viện lúc 12h ngày 3/12 trong tình trạng tím tái, bứt rứt, trụy tim mạch; tay chân lạnh, mạch nhanh, huyết áp không đo được.
Khai thác bệnh sử, gia đình cho biết, 3 ngày đầu bệnh nhi ho, không sốt. Ngày thứ tư, bệnh nhi sốt cao 41-42 độ kèm tiêu phân lỏng 1 lần và nôn ói trên 10 lần. Bệnh nhi mệt, tím tái, than đau ngực kèm đau bụng nên gia đình đưa bé nhập Bệnh viện Nhi Đồng 1.
“Bệnh nhi được hỗ trợ hô hấp, chống sốc nhưng tình trạng không cải thiện nên được đặt nội khí quản giúp thở, dùng kháng sinh mạnh và 3 thuốc vận mạch liều tối đa để trợ tim nhưng không nâng được huyết áp”, PGS.TS Phạm Văn Quang thông tin.
Siêu âm tim tại giường, ghi nhận tim co bóp rất yếu. Bệnh viện tiến hành hội chẩn liên chuyên khoa gồm các bác sĩ khoa Hồi sức tích cực, Cấp cứu, Tim mạch, xác định đây là tình trạng sốc nhiễm khuẩn kháng trị gây trụy tim mạch, sốc tim không đáp ứng điều trị nên kích hoạt báo động đỏ. Đồng thời, nhanh chóng chuyển bệnh nhi đến khoa Hồi sức tích cực để thực hiện kỹ thuật ECMO nhằm cứu sống bệnh nhi.
Bệnh nhi hiện tỉnh táo, hồng hào, ăn uống được, dự kiến xuất viện vào cuối tuần này. Ảnh: Giáo Dục và Thời Đại
Với sự hỗ trợ của các bác sĩ Ngoại tim mạch, Gây mê, đội ngũ các bác sĩ khoa Hồi sức tích cực chạy đua với thời gian nhanh chóng thiết lập hệ thống ECMO để hỗ trợ huyết động học cho bệnh nhi và trái tim nhỏ bé đang đập yếu ớt.
“Để bảo vệ não, điều trị tổn thương gan thận và phản ứng viêm rất mạnh, các bác sĩ tiến hành hạ thân nhiệt chỉ huy, lọc máu liên tục. Sau khoảng 30 phút, bệnh nhi từ tình trạng tím tái, trụy tim mạch hồng hào trở lại”, PGS.TS Phạm Văn Quang cho hay.
Sau gần 7 ngày chạy ECMO, tình trạng tim mạch và các cơ quan cải thiện. Ngày 9/12, bệnh nhi cai ECMO. Hiện, tình trạng nhiễm khuẩn của bệnh nhi đã được kiểm soát tốt, tỉnh táo, hồng hào, ăn uống được. Dự kiến, bệnh nhi sẽ xuất viện vào cuối tuần này, theo báo Giáo Dục và Thời Đại.
“Đây là một ca được cứu sống ngoạn mục nhờ áp dụng kỹ thuật chuyên sâu (ECMO, lọc máu, hạ thân nhiệt) cùng với kích hoạt báo động đỏ nội viện. Thành công này mở ra cơ hội hồi sinh cho các bệnh nhi sốc nhiễm khuẩn kháng trị mà trước đây hầu như không thể cứu được”, PGS.TS Phạm Văn Quang nhận định.
VietNamNet đưa tin, ngày 20/12, Bệnh viện Bà Rịa cho biết trên địa bàn tỉnh vừa ghi nhận thêm một trường hợp tử vong do bệnh dại, là người đàn ông 33 tuổi trú tại xã Phước Tỉnh (huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Người này làm nghề giết mổ và bán quán nhậu thịt chó, mèo ở địa phương.
Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa ghi nhận thêm 1 trường hợp tử vong do bệnh dại. Ảnh minh họa
Trước đó, vào ngày 17/12, người này xuất hiện triệu chứng mệt, khó thở nên gia đình đưa lên Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) khám, được chẩn đoán mắc bệnh dại. Sau đó, bệnh nhân được chuyển về Bệnh viện Nhiệt đới, lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR cho kết quả dương tính virus dại.
Ngày hôm sau, gia đình đưa người này về lại nhà để tiếp tục theo dõi. Đến sáng 19/12, người đàn ông lên cơn dại, được đưa đến Bệnh viện Bà Rịa nhập viện điều trị tại khoa Nhiễm trong tình trạng lơ mơ, sùi bọt mép, run giật các cơ toàn thân. Tại đây, các bác sĩ đã cho bệnh nhân dùng thuốc an thần.
Khoảng 11h20 cùng ngày, bệnh nhân tiếp tục xuất hiện triệu chứng như trên, các bác sĩ đã điều trị thuốc an thần nhưng không đáp ứng, người tím tái và tử vong ngay sau đó.
Đây là trường hợp tử vong thứ 2 do bệnh dại chưa đầy 1 tháng qua trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ca bệnh trước đó là người phụ nữ 53 tuổi ở phường Long Tâm (TP.Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) bị mèo cào nhưng chủ quan, không tiêm vaccine hoặc huyết thanh kháng dại.