Theo VTC News, người đàn ông 47 tuổi ở Bắc Ninh có tiền sử đau mỏi cột sống kéo dài 10 tháng, tê rát nửa cánh tay trái. Gần đây, anh rối loạn cảm giác, yếu nửa người nên đến bệnh viện khám.
Người đàn ông được chỉ định chụp cộng hưởng từ, kết quả phát hiện khối u nằm trong tủy sống. Đây là một trong những bệnh lý nguy hiểm, cần can thiệp sớm để tránh nguy cơ tổn thương tủy không thể hồi phục.
PGS.TS Đồng Văn Hệ - Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, u trong tủy là bệnh lý phức tạp. Loại u người đàn ông này mắc thuộc nhóm nguy hiểm nhất.
“Các bác sĩ phải thực hiện kỹ thuật bổ đôi tủy sống để tiếp cận và cắt bỏ khối u. Phương pháp này đòi hỏi sự chuẩn xác tuyệt đối, tủy sống là cơ quan thần kinh trung ương, điều khiển mọi hoạt động vận động, cảm giác và chức năng nội tạng”, PGS.TS Đồng Văn Hệ nói.
Sức khỏe người bệnh cải thiện đáng kể sau khi phẫu thuật. Ảnh: VTC News
Trước khi phẫu thuật, người bệnh được các bác sĩ tư vấn về nguy cơ cao, bao gồm mất chức năng vận động hoặc cảm giác và liệt hoàn toàn. Do khối u nằm trong tủy, u lớn, vị trí khối u gần trung tâm hô hấp, tuần hoàn, nguy cơ liệt, không thở được, tử vong cao.
Sau phẫu thuật, sức khoẻ người bệnh cải thiện đáng kể, cảm giác nửa thân trái bắt đầu phục hồi, chức năng vận động dần cải thiện, các cơn đau và co thắt cơ giảm rõ rệt.
Bệnh nhân hồi phục và đã được xuất viện, được hướng dẫn phục hồi chức năng, theo dõi sát sao để bảo đảm không có biến chứng sau mổ.
Chuyên gia khuyến cáo, những người có triệu chứng đau lưng kéo dài, rối loạn cảm giác hoặc giảm vận động cần được thăm khám sớm để phát hiện các khối u trong tủy từ giai đoạn đầu. Điều này không chỉ giúp phẫu thuật dễ dàng mà còn giảm thiểu nguy cơ mất chức năng vĩnh viễn.
Báo Lao Động đưa tin, ngày 15/12, tại Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội, sản phụ Đ.T.M.L (29 tuổi) mang thai lần 2, nhập viện trong tình trạng chuyển dạ ở hơn 37 tuần. Khi tiến hành mổ lấy thai, ekip do ThS.BS CKII Nguyễn Xuân Hải - Trưởng khoa Phụ Nội tiết A1 đã phát hiện bé bị 9 vòng dây rốn quấn chặt quanh cổ. Đây là một tình huống rất nguy hiểm, đòi hỏi ekip phải nhanh chóng tháo gỡ và cắt bỏ từng vòng dây rốn để giải cứu em bé.
Em bé chào đời với 9 vòng dây rốn quấn quanh cổ. Ảnh: Lao Động
ThS.BSCKII Nguyễn Xuân Hải - người trực tiếp thực hiện ca phẫu thuật lấy thai cho biết, trường hợp dây rốn quấn cổ nhiều vòng như vậy là cực kỳ hiếm. Việc này có thể làm giảm lưu lượng máu qua thai nhi, dẫn đến suy dinh dưỡng nặng, thậm chí mất tim thai bất kỳ lúc nào. Do đó, quyết định mổ bắt con trong trường hợp này là rất kịp thời và may mắn cho cả 2 mẹ con sản phụ.
Bác sĩ khuyến cáo, thai phụ cần đi khám thai định kỳ hoặc theo lịch hẹn của bác sĩ và đi khám ngay khi có những dấu hiệu bất thường. Trong quá trình chuyển dạ, nếu thai nhi bị dây rốn quấn cổ sẽ được bác sĩ tư vấn cũng như theo dõi cuộc sinh nhằm phát hiện sớm những bất thường để xử lý phù hợp.
Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí thông tin, đơn vị tiếp nhận một bệnh nhân bị hóc xương cá và tiến hành nội soi cho người bệnh. Cụ thể, trong lúc ăn cơm, ông N.Đ.C (69 tuổi, trú tại Kinh Môn, Hải Dương) bị hóc xương cá, cảm giác đau và vướng khi nuốt nước bọt.
Theo báo Bảo Vệ Pháp Luật, thay vì đến các cơ sở y tế để được hỗ trợ lấy dị vật, người bệnh đã cố gắng móc dị vật nhưng không được. Cảm giác đau ở cổ ngày càng tăng, sưng to và khó thở nên người bệnh được người nhà đưa đến Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí. Tại bệnh viện, các bác sĩ đã tiến hành nội soi lấy dị vật là mảnh xương cá cho người bệnh.
Người đàn ông bị hóc xương cá, cảm giác đau và vướng khi nuốt nước bọt. Ảnh minh họa
Theo bác sĩ CKI Nguyễn Thanh Huyền – Phó Trưởng khoa Tai mũi họng Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí, nhiều người khi bị hóc xương cá thường dùng tay để móc họng hoặc dùng mẹo như: nuốt cơm nóng, uống nước.... Tuy nhiên, cách làm này rất nguy hiểm, dễ khiến xương cá trôi sâu hơn hoặc làm tổn thương, gây thủng thực quản.
Vì vậy, nếu không may bị hóc xương cá hoặc các dị vật khác, không nên cố nuốt, chú ý không móc họng vì sẽ gây nôn nhiều, có thể gây phù nề hoặc khiến khó thở. Thay vào đó, hãy đến các cơ sở y tế gần nhất để thăm khám và có hướng xử trí kịp thời.