Theo báo Sức Khỏe & Đời Sống, khoa Cấp cứu Bệnh viện 19-8 vừa tiếp nhận nam bệnh nhân H. (54 tuổi) ngã từ độ cao khoảng 6m do tai nạn sinh hoạt. Bệnh nhân được người nhà đưa đến viện khoảng 30 phút sau khi ngã trong tình trạng tỉnh táo, đau nhiều vùng ngực và cột sống thắt lưng.
Tuy nhiên, sau khoảng 30 phút nhập viện, người bệnh bắt đầu rơi vào tình trạng nguy kịch, ý thức lơ mơ, da niêm mạc nhợt, tụt huyết áp, lồng ngực không vững và liệt hoàn toàn 2 chân. Các bác sĩ nhanh chóng truyền dịch, dùng thuốc vận mạch, đồng thời cố định xương gãy và giảm đau tích cực cho bệnh nhân. Bệnh nhân được tiến hành chụp CT toàn thân để tẩm soát tổn thương và chuyển vào khoa Điều trị tích cực và chống độc để điều trị.
Tại khoa Điều trị tích cực và chống độc, huyết áp bệnh nhân tụt sâu chỉ còn 75/50mmHg, mạch 70lần/phút, các chỉ số ở mức báo động nguy kịch. Nhận thấy đây là ca bệnh đặc biệt do phải truyền một lượng máu lớn hiếm gặp, ngay lập tức ekip trực đã kích hoạt báo động đỏ toàn viện để cấp cứu tối khẩn cấp cho bệnh nhân.
Bệnh nhân được dẫn lưu khoang màng phổi 2 bên với khối lượng máu lớn (bên trái 3400ml máu, bên phải 1200ml). Các bác sĩ đã chỉ định mở lồng ngực nhằm xác định tổn thương, đặt ống thông tĩnh mạch trung tâm (catheter) để truyền máu với khối lượng lớn. Cùng lúc đó, các thủ thuật như đặt ống nội khí quản, thông khí nhân tạo xâm nhập, dùng vận mạch kiểm soát huyết động cũng được tiến hành.
Sau khi mổ lồng ngực, các bác sĩ phát hiện người bệnh có tổn thương tim rách tâm nhĩ phải. Ngay lập tức, ekip đã điều trị khâu cầm máu, đặt dẫn lưu khoang màng phổi 2 bên để dẫn lưu khí và máu. Trải qua ca phẫu thuật 4 tiếng, bệnh nhân chuyển về khoa Điều trị tích cực và chống độc điều trị và tiếp tục được truyền máu, giảm đau, vận mạch, kháng sinh nâng đỡ thể trạng.
Bệnh nhân hiện đã tỉnh táo, làm theo lệnh tốt và vận động 2 tay bình thường. Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống
Bác sĩ Phan Hồng Ân (khoa Điều trị tích cực và chống độc Bệnh viện 19-8) - người tham gia cấp cứu ca bệnh chia sẻ: "Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nguy kịch với những chấn thương phức tạp bao gồm vết thương hở, rách tâm nhĩ phải có nguy cơ đe dọa đến tính mạng nếu không được cấp cứu kịp thời.
Bệnh nhân đã được truyền tổng cộng 7200ml máu và chế phẩm máu (4500ml khối hồng cầu, 2400ml huyết tương tươi đông lạnh, 400ml tiểu cầu). Đây có thể xem là khối lượng máu rất lớn và hiếm gặp trong cấp cứu. Rất may, thời gian cấp cứu và phẫu thuật kiểm soát tổn thương của bệnh nhân được tiến hành nhanh chỉ mất 6h từ khi vào viện giúp đảm bảo tính mạng cho người bệnh".
Trong khi đó, bác sĩ Phùng Việt Chiến (khoa Điều trị tích cực và chống độc Bệnh viện 19-8) - bác sĩ điều trị cho bệnh nhân sau phẫu thuật thông tin: "Sau ca mổ cấp cứu tình trạng bệnh nhân vẫn còn rất nặng với mạch nhanh, huyết áp tụt và cần duy trì thuốc vận mạch. Bệnh nhân cần thở máy tuy nhiên lại bị gãy rất nhiều xương sườn, dập phổi khiến hoạt động thở máy gặp khó khăn.
Ngoài ra bệnh nhân bị tổn thương tủy gây ra tình trạng yếu cơ hô hấp khiến quá trình cai máy thở gặp nhiều khó khăn. Sau phẫu thuật, bệnh nhân vẫn cần truyền thêm rất nhiều máu để hồi phục khối tuần hoàn, giữ huyết áp trên mức trung bình nhằm giảm liều vận mạch".
Bác sĩ Chiến nhận định bệnh nhân H có tổn thương tim nặng và đối diện với nguy cơ tử vong bất cứ lúc nào. Các bác sĩ cần theo dõi sát sao sau phẫu thuật để kiểm soát máu, kiểm soát dịch.
Sau một tuần điều trị, bệnh nhân đã cai máy thở, rút dẫn lưu khoang màng phổi 2 bên, thở oxy qua dụng cụ mở khí quản. Hiện tại, bệnh nhân tỉnh táo, làm theo lệnh tốt và vận động 2 tay bình thường. Vấn đề lớn nhất của bệnh nhân là chức năng hô hấp nhưng bệnh nhân hiện đã tự thở được, tiên lượng tốt.
Theo báo Hà Tĩnh, bác sĩ Trần Đình Phi – Trưởng khoa Ngoại Trung tâm Y tế huyện Hương Khê (tỉnh Hà Tĩnh) cho biết, sáng 16/12, ekip mổ phát hiện một dị vật đâm thủng manh tràng trong khi cắt ruột thừa cho bệnh nhân.
Trước đó, ngày 15/12, bệnh nhân N.H.K (49 tuổi, trú tại thị trấn Hương Khê, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh) có biểu hiện đau mạnh ở vùng bụng, được người nhà đưa đến Trung tâm Y tế huyện Hương Khê để thăm khám.
Tại đây, các y, bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Hương Khê thăm khám và chẩn đoán bệnh nhân bị đau do viêm ruột thừa và tiến hành phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa viêm cho bệnh nhân. Trong quá trình phẫu thuật, ekip đã phát hiện một xương cá dài 3cm đâm thủng vùng manh tràng trong bụng của bệnh nhân.
Ekip mổ đã gắp dị vật ra ngoài và tiến hành khâu vết thương cho bệnh nhân. Hiện, sức khỏe của bệnh nhân đang hồi phục.
Theo báo Giao Thông, T.H.N.Y (20 tuổi, ở Cẩm Lệ, Đà Nẵng) vốn là một cô gái trẻ khỏe mạnh. Tuy nhiên, khoảng 2 tuần trước ngày nhập viện điều trị, cô xuất hiện những biểu hiện rối loạn tâm thần, nói nhảm nên được người nhà đưa đi khám ở bệnh viện tâm thần tại Đà Nẵng.
Sau 6 ngày điều trị tâm thần ngoại trú, bệnh nhân bắt đầu xuất hiện những cơn co giật ở vùng tay và mặt kéo dài khoảng 30 giây/lần với tần suất từ vài phút đến vài tiếng/lần. Ngay lập tức, bệnh nhân được nhập viện điều trị.
Sau 3 ngày điều trị tại đây, tình trạng bệnh của bệnh nhân không cải thiện, ý thức chậm hơn, tình trạng co giật vẫn thường xuyên xảy ra nên được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa TP.Đà Nẵng để điều trị. Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh viêm não. Kết quả chụp cộng hưởng từ sọ não cho thấy hình ảnh tổn thương não. Người bệnh được theo dõi điều trị bệnh viêm não virus.
Sau 3 ngày điều trị nhưng tình trạng bệnh không thay đổi, bệnh nhân được chuyển tuyến đến khoa Cấp Cứu Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Khi nhập viện, bệnh nhân ở trong tình trạng rối loạn tâm thần, kích thích la hét, gọi hỏi không trả lời, co giật vùng mặt, tay và nửa người bên phải nhiều hơn. Bệnh nhân được chỉ định theo dõi viêm não tự miễn ngay khi nhập viện.
Cô gái trẻ bị mắc viêm não tự miễn. Ảnh: Báo Giao Thông
Ths.Bs Phạm Thanh Bằng ở khoa Cấp cứu cho biết, bệnh nhân được làm các xét nghiệm tầm soát viêm não tự miễn, viêm não do căn nguyên virus và khởi động điều trị viêm não tự miễn với phác đồ corticoid liều cao, dùng thuốc chống động kinh. Sau 4 ngày, bệnh nhân có kết quả khẳng định mắc viêm não tự miễn.
Siêu âm ổ bụng phát hiện khối u buồng trứng với kích thước 4 x 10cm. Bệnh nhân được hội chẩn sản khoa để tiến hành cắt khối u. Khi tiến hành phẫu thuật cắt khối u lại có kích thước thực khá lớn 20 x 20cm. Đây là nguồn khởi phát bệnh viêm não tự miễn. Sau khi cắt bỏ khối u buồng trứng và lọc huyết tương, bệnh nhân hết cơn co giật, không còn kích thích la hét, ý thức có cải thiện nhưng chưa nhiều.
Được biết, viêm não tự miễn là loại viêm não cấp tính hiếm gặp, bệnh gây nên do hệ thống miễn dịch của cơ thể tự sinh ra kháng thể chống lại thụ thể Glutamate trong não (NMDA- N methyl D aspartate). Bệnh này đa phần thường xảy ra trên đối tượng là bệnh nhân nữ, trẻ tuổi.
Biểu hiện ban đầu của bệnh thường là những rối loạn tâm thần, co giật. Bệnh do tự cơ thể sinh ra, đa phần từ các khối u, ung thư buồng trứng, tử cung hoặc bộ phận sinh dục ở nữ. Thời gian điều trị bệnh tiến triển tốt sẽ mất khoảng 2 tuần và thường sẽ kéo dài từ 1 - 2 tháng.