Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tin tức đời sống 14/12: Chân sưng nề sau khi chữa rắn cắn theo lời thầy lang

  • Đinh Kim (T/h)
(DS&PL) -

Chân sưng nề sau khi chữa rắn cắn theo lời thầy lang; Điều trị thành công cho bé 4 ngày tuổi mắc sốt xuất huyết… là những tin tức đời sống đáng chú ý ngày 14/12.

Chân sưng nề sau khi chữa rắn cắn theo lời thầy lang

Theo tạp chí Tri Thức, bà N.T.H. (38 tuổi, ở Thanh Sơn, Uông Bí, Quảng Ninh) bị rắn lục đuôi đỏ cắn. Ngay sau đó, người phụ nữ lại tìm đến thầy lang gần nhà và được hướng dẫn chữa trị bằng cách băng chặt, nặn máu và rửa vết cắn bằng rượu trắng.

Tuy nhiên, vết thương không thuyên giảm mà ngày càng sưng, tím, khó vận động. Thấy cẳng chân sưng đau nhiều, bà H. quyết định đến Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí để điều trị.

Thời điểm đến bệnh viện, người bệnh có dấu hiệu hạn chế vận động vùng cẳng bàn chân phải, quanh vết cắn vùng cổ chân phải tím, vùng từ cổ chân đến bàn chân phải sưng nề, đau nhức. Kết quả xét nghiệm cho thấy có tình trạng rối loạn đông máu.

Thời điểm đến bệnh viện, quanh vết cắn ở vùng cổ chân phải của bệnh nhân tím, vùng từ cổ chân đến bàn chân phải sưng nề, đau nhức. Ảnh: Tri Thức

Các bác sĩ đã nhanh chóng truyền huyết thanh kháng nọc rắn lục kết hợp với kháng viêm, giảm đau, kháng sinh dự phòng nhiễm trùng, truyền dịch… Sau 3 ngày, sức khỏe người bệnh ổn định, kết quả xét nghiệm máu trở về chỉ số bình thường.

Theo bác sĩ CKI Hoàng Thăng Vân - Trưởng khoa Hồi sức tích cực Nội Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí, khi bị rắn độc cắn, người bệnh cần được sơ cứu đúng cách và cấp cứu kịp thời nhằm hạn chế các nguy cơ ảnh hưởng tính mạng.

Đặc biệt, không được chích rạch, nặn máu hay đắp các loại thuốc lá truyền miệng chưa được khoa học kiểm chứng. Tính đến hiện tại, sử dụng huyết thanh kháng nọc là phương pháp điều trị đặc hiệu, mang lại hiệu quả cao, rút ngắn thời gian điều trị và giảm tỷ lệ tử vong.

Điều trị thành công cho bé 4 ngày tuổi mắc sốt xuất huyết

Theo chuyên trang Pháp Luật và Xã Hội, khoa Sơ sinh Bệnh viện Đa khoa Đức Giang vừa điều trị thành công cho một trẻ sơ sinh 4 ngày tuổi mắc sốt xuất huyết. Cụ thể, bệnh nhi là bé Đ.A.D, sinh non ở tuần thai thứ 35 thông qua phương pháp mổ cấp cứu do ối vỡ non và cạn ối.

Mặc dù có cân nặng 2600 gram và khỏe mạnh sau sinh, đến ngày thứ 4, bé xuất hiện các triệu chứng bất thường như bú kém, ngủ li bì, thóp trũng phải nhập viện điều trị. Qua thăm khám lâm sàng và xét nghiệm, các bác sĩ phát hiện trẻ dương tính với virus Dengue, kèm theo tình trạng cô đặc máu và giảm tiểu cầu.

Đáng chú ý, bệnh nhi chưa từng bị côn trùng đốt, trong khi người mẹ được chẩn đoán mắc sốt xuất huyết trước đó một ngày. Bác sĩ Vũ Thị Thu Nga - Trưởng khoa Sơ sinh, cho biết đây là trường hợp lây truyền virus theo chiều dọc từ mẹ sang con, với người mẹ có triệu chứng sốt trước sinh một ngày và phải mổ cấp cứu - khác với hai lần sinh trước đều đủ tháng.

Ban xuất huyết rải rác ở tay của bé sơ sinh. Ảnh: Pháp Luật và Xã Hội

Sau 10 ngày điều trị tích cực theo phác đồ sốt xuất huyết Dengue có dấu hiệu cảnh báo, bệnh nhi đã hồi phục tốt. Tại thời điểm xuất viện, trẻ tỉnh táo, tự thở, ăn bú tốt, các chỉ số xét nghiệm đều trở về mức bình thường, chỉ còn một số ban xuất huyết nhẹ ở hai cẳng tay.

Theo các bác sĩ, sốt xuất huyết ở trẻ sơ sinh có một cách thức lây truyền khác không do côn trùng đốt, đó là lây truyền từ mẹ sang con. Các triệu chứng lâm sàng không đặc trưng nên dễ dẫn đến nhầm lẫn và bỏ sót.

Nếu không được chẩn đoán kịp thời và chính xác, trẻ có thể dẫn đến tình trạng suy tuần hoàn, suy hô hấp. Sốt xuất huyết có thể lây truyền trong giai đoạn chu sinh (lây truyền theo chiều dọc).

Qua đây, các bác sĩ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc theo dõi và chẩn đoán sớm sốt xuất huyết ở cả sản phụ và trẻ sơ sinh, đặc biệt trong mùa dịch. Việc phát hiện và can thiệp kịp thời sẽ giúp ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng như suy hô hấp, suy tuần hoàn, thậm chí tử vong ở trẻ sơ sinh.

Người phụ nữ mắc Zona thần kinh bị biến chứng nguy hiểm

VietNamNet đưa tin, các bác sĩ Khoa Nội thần kinh Bệnh viện E (Hà Nội) vừa tiếp nhận và điều trị cho một bệnh nhân nữ (72 tuổi, trú ở Hà Nội) bị bệnh Zona thần kinh gây biến chứng nguy hiểm. 

Trước đó, bệnh nhân xuất hiện triệu chứng đau nhức mạng sườn trái nên lấy dầu nóng bôi để giảm đau. Sau đó, vị trí này có nhiều mụn phỏng nước nên bà tới cơ sở y tế chuyên khoa bỏng và được các bác sĩ chẩn đoán ban đầu là Zona thần kinh trên nền u lympho.

Bệnh nhân chuyển về khoa Nội thần kinh Bệnh viện E điều trị. Bác sĩ đã chỉ định sử dụng thuốc kháng virus để kiểm soát sự phát triển của bệnh và truyền kháng sinh. Đồng thời, kết hợp với khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và hàm mặt để chăm sóc da hàng ngày, giảm nguy cơ để lại sẹo và tổn thương da kéo dài cho người bệnh.

Nữ bệnh nhân bị bệnh Zona thần kinh gây biến chứng nguy hiểm. Ảnh: VietNamNet

Theo bác sĩ CKII Nguyễn Xuân Huyến - Trưởng khoa Nội thần kinh, đây là trường hợp mắc Zona thần kinh bị biến chứng nguy hiểm và rất nặng mà gần 20 năm qua bác sĩ mới gặp.

Bệnh Zona thần kinh là tình trạng nhiễm trùng do virus varicella-zoster gây ra, thường gặp ở những người lớn tuổi hoặc có hệ miễn dịch suy giảm. Ở các đối tượng này, bệnh dễ dẫn đến các biến chứng nặng nề như đau rát, ngứa ngáy và nổi mụn nước trên da; đặc biệt là đau sau Zona như đau dây thần kinh kéo dài, ảnh hưởng đến giấc ngủ, tâm lý và sức khỏe người bệnh.

Bác sĩ khuyến cáo khi có các triệu chứng đau nhức, mụn phỏng nước, người bệnh cần đến các cơ sở y tế chuyên sâu để được thăm khám và xác định chính xác nguyên nhân.

Tin nổi bật