Tạp chí Tri Thức dẫn thông tin từ bác sĩ Thái Đàm Dũng ở khoa Cấp cứu Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Hà Nội), cho biết gần đây, đơn vị liên tục tiếp nhận bệnh nhân đột quỵ. So với năm ngoái, số ca nhập viện do đột quỵ trong mùa đông năm nay đang có xu hướng gia tăng.
Một trường hợp là ông Đ.V.Đ. (45 tuổi, ở Hà Nội) được đưa đi cấp cứu trong tình trạng hôn mê sau khi tắm khuya (ngày 6/12) dù không có tiền sử bệnh lý. Kết quả chẩn đoán cho thấy ông Đ. bị xuất huyết não với khối máu 90 cm3. Bệnh nhân buộc phải phẫu thuật mở sọ để giải ép áp lực não. Hiện tại, bệnh nhân vẫn phải điều trị tích cực, duy trì thở máy, tiên lượng rất nặng.
Hình ảnh phim CLVT của bệnh nhân Đ.V. Đ cho thấy khối máu tụ bán cầu phải. Ảnh: Tri Thức
Một trường hợp khác là bệnh nhân N.X.K. (42 tuổi, Hải Dương). Sau khi tắm đêm ngày 17/12, ông K. đột ngột đau đầu, ý thức chậm dần rồi hôn mê.
Bệnh nhân được sơ cứu tại tuyến trước và chuyển đến Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 vào giờ thứ 3. Dù đã được hồi sức tích cực, do tổn thương chảy máu não quá nặng, bệnh nhân hôn mê sâu và không còn khả năng cứu chữa.
Theo bác sĩ Thái Đàm Dũng, cả hai trường hợp trên đều là những người bệnh khá trẻ, không có bệnh lý mạn tính. Tai biến xảy ra sau khi người bệnh tiếp xúc với lạnh đột ngột, để lại di chứng nặng nề và đe dọa tính mạng.
"Điều đáng tiếc này có thể không xảy ra nếu chúng ta biết cách phòng tránh hợp lý. Thời tiết lạnh không chỉ gây co thắt mạch máu, làm tăng huyết áp mà còn làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông, dẫn đến cả đột quỵ do xuất huyết não và nhồi máu não. Đặc biệt, thói quen tắm khuya, một vấn đề phổ biến ở Việt Nam, đã trở thành nguyên nhân gây ra nhiều trường hợp đáng tiếc", bác sĩ Dũng nhấn mạnh.
Theo VOV, Bệnh viện Ung bướu tỉnh Kiên Giang cho biết, ekip y, bác sĩ của bệnh viện vừa thực hiện thành công ca mổ lấy khối u buồng trứng trái nặng 15kg, đường kính khoảng 50 cm ra khỏi cơ thể bệnh nhân L.T.H (54 tuổi, ngụ huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang). Ca mổ kéo dài hơn 4 tiếng.
Trước đó, ngày 28/11, bệnh nhân nhập viện Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang được khám và chẩn đoán theo dõi u buồng trứng. Sau đó, người bệnh được chuyển qua Bệnh viện Ung bướu tỉnh Kiên Giang tiếp tục điều trị.
Ekip y, bác sĩ thực hiện thành công ca mổ lấy khối u buồng trứng trái nặng 15kg cho nữ bệnh nhân. Ảnh: VOV
Theo người nhà bệnh nhân, cách đây khoảng 5-6 tháng, chị L.T.H phát hiện bụng to bất thường nhưng không đi khám bệnh, chỉ sử dụng thuốc nam tại nhà. Tuy nhiên, càng ngày thấy bụng ngày càng to bất thường, kèm theo khó thở liên tục nên được người nhà đưa L.T.H đến bệnh viện khám.
Sau khi được các bác sĩ khám bệnh và được chẩn đoán là có khối u vùng hạ vị to khoảng 45x50cm, chiếm hết ổ bụng, giới hạn không rõ; khối u buồng trứng ác tính và được chỉ định phẫu thuật.
Theo lời kể của gia đình, người phụ nữ 49 ở Thu Cúc (Tân Sơn, Phú Thọ) có có tiền sử táo bón kéo dài, nghe mọi người mách là lá lộc mại có thể chữa được táo bón nên đã lấy lá cuốn với thịt lợn để ăn.
Vài tiếng sau khi ăn lá lộc mại, người bệnh xuất hiện đau bụng, vàng da, nước tiểu đỏ, mệt mỏi, chóng mặt… Các triệu chứng nặng dần nên đã được gia đình đã đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ cấp cứu, theo VTV Times.
Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau bụng thượng vị, đi ngoài phân lỏng, vàng mắt, vàng da, chóng mặt, buồn nôn, người yếu mệt, đi tiểu ra máu. Kết quả xét nghiệm máu cho thấy có hiện tượng tan máu cấp, thiếu máu nặng, rối loạn đông máu, suy đa tạng.
Sau khi thực hiện các kiểm tra lâm sàng, cận lâm sàng, kết hợp với bệnh sử, loại trừ các nguyên nhân tan máu khác, các bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc đã xác định đây là trường hợp tan máu cấp do ngộ độc lá lộc mại và đã áp dụng các biện pháp chống độc, thải độc, truyền máu, thuốc bổ gan, thuốc chống chảy máu, thuốc lợi tiểu…
Sau 5 ngày điều trị, người bệnh đã đáp ứng thuốc và tiến triển tốt, tình trạng tan máu đã cải thiện, suy gan, suy thận giảm. Người bệnh tiếp tục được theo dõi và sẽ được ra viện trong những ngày tới.
Hình ảnh cây lộc mại. Ảnh: VTV Times
Theo y học cổ truyền, lá lộc mại (hay còn gọi là cây du mại) có tác dụng nhuận tràng (liều nhỏ), tẩy (liều lớn), tiêu độc, sát trùng. Dân gian truyền nhau kinh nghiệm uống nước lá lộc mại để chữa bệnh táo bón, kiết lỵ… Tuy nhiên, việc sử dụng không đúng cách, sai liều lượng có thể dẫn đến ngộ độc. Độc tính của lá lộc mại có thể gây ra hiện tượng nhịp tim nhanh, người mệt yếu, da xanh, ăn không tiêu, đau bụng, đi tiểu màu đỏ…
ThS.BS Phan Hồng Thái - khoa Hồi sức tích cực - Chống độc cho biết, mặc dù các bác sĩ đã đưa ra rất nhiều cảnh báo về sự nguy hiểm của lá lộc mại nhưng từ đầu năm 2024 đến nay, bệnh viện đã tiếp nhận điều trị 3 trường hợp người bệnh bị ngộ độc nặng do ăn lá lộc mại.
Qua những trường hợp nói trên, bác sĩ Thái khuyến cáo, người dân không nên sử dụng lá lộc mại dưới bất kỳ hình thức nào. Khi xuất hiện các triệu chứng ngộ độc, cần nhanh chóng đưa người bệnh tới cơ sở y tế có chuyên khoa cấp cứu - chống độc để được xử trí kịp thời.