Đóng

Tin tức đời sống 17/7: Bị sét đánh, người phụ nữ 55 tuổi chảy máu não

  • Đinh Kim (T/h)
(DS&PL) -

Bị sét đánh, người phụ nữ 55 tuổi chảy máu não; Phát hiện khối tóc nặng khoảng 500g trong bụng bé 5 tuổi… là những tin tức đời sống mới nóng ngày 17/7.

Bị sét đánh, người phụ nữ 55 tuổi chảy máu não

Theo Người Đưa Tin, Bệnh viện Bạch Mai vừa tiếp nhận một nữ bệnh nhân 55 tuổi, quê ở Tứ Kỳ (Hải Phòng) bị sét đánh khi đang làm việc ngoài đồng, dẫn đến tổn thương chảy máu não nghiêm trọng.

Người nhà cho hay, vào khoảng 17h ngày 9/7, bà ra đồng làm việc như thường lệ. Sau khi chứng kiến một tia sét đánh xuống khu vực cánh đồng nhưng không thấy bà trở về, gia đình đi tìm thì phát hiện bệnh nhân nằm bất tỉnh, tóc bị cháy sém, xung quanh có nhiều vật dụng bị hất văng, biểu hiện rõ rối loạn ý thức.

Bệnh nhân nhanh chóng được sơ cứu tại tuyến y tế cơ sở rồi chuyển đến khoa Hồi sức tích cực thần kinh, Trung tâm Thần kinh – Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng nguy kịch như nói nhảm, yếu nửa người phải, rối loạn ý thức, men tim tăng cao. May mắn không phát hiện tổn thương xương khớp hay nội tạng.

Ngay khi tiếp nhận, các bác sĩ đã tiến hành chụp CT sọ não, phát hiện bệnh nhân bị chảy máu tại vùng hạch nền hai bên và bao trong trái, những vùng có hệ mạch máu nhỏ, không có tuần hoàn bàng hệ, rất dễ tổn thương khi dòng điện chạy qua.

Bệnh nhân đã cải thiện đáng kể, bắt đầu hồi phục ý thức sau một tuần điều trị tích cực. Ảnh: Người Đưa Tin

Ban đầu, các bác sĩ nghi ngờ chảy máu não do tăng huyết áp. Tuy nhiên, sau khi rà soát các dữ liệu y văn quốc tế và hồi cứu lại các trường hợp sét đánh từng điều trị tại Bạch Mai, vị trí tổn thương đặc trưng của bệnh nhân lại trùng khớp hoàn toàn với các tổn thương do dòng điện sét gây ra.

"Chẩn đoán đúng ngay từ giai đoạn cấp cứu có ý nghĩa sống còn vì nó quyết định toàn bộ chiến lược điều trị. Chúng tôi phải loại trừ các tổn thương cơ học, tổn thương tim, để xác định chính xác nguyên nhân và xây dựng phác đồ điều trị phù hợp", ThS.BS Nguyễn Hải Anh – người trực tiếp điều trị cho biết.

Sau một tuần điều trị tích cực, bệnh nhân đã cải thiện đáng kể, bắt đầu hồi phục ý thức. Tuy nhiên, các di chứng thần kinh và chức năng vận động vẫn cần được theo dõi sát sao.

PGS.TS.BS Lương Quốc Chính – Trưởng khoa Hồi sức tích cực thần kinh, Trung tâm Thần kinh cho biết đây là ca bệnh hiếm gặp nhưng không phải chưa từng xảy ra. 

Một vài trường hợp tương tự từng được tiếp nhận, phần lớn là người lao động ngoài trời như nông dân, công nhân xây dựng, người chăn thả gia súc… đặc biệt ở các vùng đồi cát, đồng trống hoặc nơi không có công trình che chắn.

Dấu hiệu tổn thương do sét đánh rất đa dạng từ bỏng ngoài da, rối loạn ý thức, liệt nửa người, đến ngừng tim, ngừng thở. Nếu không phát hiện sớm, các biến chứng thần kinh có thể để lại hậu quả nặng nề, thậm chí tử vong.

Từ ca bệnh này, các bác sĩ đưa ra khuyến cáo đặc biệt với người dân, nhất là lao động nông thôn tuyệt đối không làm việc ngoài trời khi có dấu hiệu giông bão. Ngoài ra, cần luôn theo dõi thời tiết qua TV, radio, điện thoại.

Khi thấy trời chuyển mưa, cần ngừng làm ngay và tìm nơi trú ẩn an toàn, tránh đứng dưới cây to, cột điện hay mang theo vật dụng kim loại ở nơi trống trải. Sau sét đánh, nếu người gặp nạn có biểu hiện bất thường về ý thức hoặc vận động, cần đưa đi cấp cứu ngay để sàng lọc tổn thương thần kinh.

"Người dân nông thôn thường có thói quen 'làm cố cho xong việc', nhưng đôi khi sự cố gắng ấy phải trả giá bằng cả mạng sống. Chỉ cần lùi lại vài phút chờ mưa qua đi là có thể giữ được sự sống", PGS.TS Lương Quốc Chính chia sẻ.

Phát hiện khối tóc nặng khoảng 500g trong bụng bé 5 tuổi

Theo báo Sức Khỏe & Đời Sống, ngày 16/7, Bệnh viện Đa khoa Ninh Thuận (tỉnh Khánh Hòa) cho biết, bệnh nhi N.Đ.A.K. (5 tuổi, ở xã Liên Hương, tỉnh Lâm Đồng) nhập viện trong tình trạng thường xuyên đau bụng và nôn ói. Bệnh nhi có thể trạng gầy yếu, ăn uống kém, thường xuyên nôn sau ăn no, bụng chướng.

Qua thăm khám lâm sàng, ekip các bác sĩ khoa Ngoại tổng hợp phát hiện một khối cứng chắc vùng thượng vị, di động, ranh giới rõ. Kết quả siêu âm cho thấy dạ dày dãn đến rốn, trong lòng dạ dày có khối kích thước 87mm, CT Scanner phát hiện dãn ứ dịch các quai ruột non, dạ dày dãn to, nhiều thức ăn cục bên trong kích thước 48x115mm.

Bệnh nhi được các bác sĩ khoa Ngoại tổng hợp phẫu thuật mở dạ dày lấy một khối tóc, nặng khoảng 500g, chủ yếu là tóc, lấp gần đày toàn bộ dạ dày một phần xuống tá tràng. Sau phẫu thuật, bệnh nhi đã đi lại bình thường, ăn uống được, sức khỏe ổn định.

Sau phẫu thuật, bệnh nhi đã đi lại bình thường, ăn uống được, sức khỏe ổn định. Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống

Theo y văn, chứng ăn tóc (Trichophagia) là một rối loạn hiếm gặp, thường liên quan hội chứng Rapunzel – tình trạng tóc ăn vào không thể tiêu hóa, tích tụ trong dạ dày gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.

Chứng ăn tóc thường xuất hiện ở trẻ em và thanh thiếu niên. Nguyên nhân ăn tóc có thể liên quan yếu tố tâm lý và thần kinh.

Hậu quả của chứng ăn tóc rất nguy hiểm, đặc biệt khi khi tóc tích tụ trong dạ dày tạo thành búi (Bezoar) gây tắc ruột, viêm loét dạ dày, thậm chí thủng. Biểu hiện thường gặp gồm đau bụng, buồn nôn, sụt cân và rối loạn tiêu hóa kéo dài.

Do đó, các bậc phụ huynh nên theo dõi con trẻ sát sao, khi phát hiện trẻ có những dấu hiệu bất thường như nghiện ăn tóc, các bậc cha mẹ nên đưa trẻ tới các cơ sở y tế để được tư vấn, chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Người phụ nữ 36 tuổi có viên sỏi bàng quang “to như quả bóng”

Theo báo Người Lao Động, ngày 16/7, Bệnh viện Hùng Vương Gia Lai cho biết vừa phẫu thuật, lấy thành công viên sỏi bàng quang "to như quả bóng" khỏi người nữ bệnh nhân V.T.T.N (36 tuổi, trú tại phường Pleiku, tỉnh Gia Lai).

Trước đó, bệnh nhân V.T.T.N nhập viện Bệnh viện Hùng Vương Gia Lai trong tình trạng tiểu buốt và tiểu ra cặn sỏi, tiểu rắt, đau tức vùng hạ vị. Bệnh nhân V.T.T.N cho biết có tiền sử sỏi bàng quang từ nhỏ.

ThS.BSNT Hoàng Văn Công ở khoa Ngoại Tổng hợp, cho biết qua thăm khám và thực hiện các cận lâm sàng, các bác sĩ phát hiện trong bàng quang bệnh nhân có một viên sỏi lớn chiếm toàn bộ lòng bàng quang, gây nguy cơ tổn thương niêm mạc, nhiễm khuẩn và suy giảm chức năng tiểu tiện.

Do sỏi có kích thước quá lớn, không thể tự tống xuất tự nhiên, các bác sĩ đã chỉ định thực hiện phẫu thuật mở bàng quang để lấy sỏi. Sau khoảng thời gian phẫu thuật, các bác sĩ đã lấy thành công viên sỏi có kích thước hơn 10cm ra khỏi người bệnh nhân.

Viên sỏi đường kính 10cm và phần vỏ bọc bị dập nát sau khi được lấy ra. Ảnh: Người Lao Động

Hiện sức khỏe của bệnh nhân V.T.T.N đã ổn định, vết mổ tiến triển tốt. Bệnh nhân cho biết sau khi được phẫu thuật đã "thực sự nhẹ nhõm sau nhiều năm chịu đau đớn".

Theo bác sĩ Công, trường hợp bệnh nhân V.T.T.N khá đặc biệt. Người bệnh đã sống chung với sỏi bàng quang gần 30 năm, trong tâm thế e ngại và âm thầm chịu đựng những cơn đau kéo dài.

Bác sĩ Công cũng khuyến cáo khi xuất hiện các dấu hiệu bất thường như tiểu buốt, tiểu rắt, đau tức vùng bụng dưới…, người dân không nên chủ quan mà cần đến ngay các cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Tin nổi bật