Đóng

Tin tức đời sống 15/7: Cứu người đàn ông bị xuất huyết ruột non rất hiếm gặp

  • Đinh Kim (T/h)
(DS&PL) -

Cứu người đàn ông bị xuất huyết ruột non rất hiếm gặp; Gia đình tự ý thuốc nam trị khối “lạ” ở bụng, bé 8 tuổi vào viện… là tin tức đời sống mới nóng ngày 15/7.

Cứu người đàn ông bị xuất huyết ruột non rất hiếm gặp

Theo báo Dân Trí, ngày 14/7, thông tin từ Bệnh viện Nhân dân 115 (TP.HCM) cho hay, đơn vị này vừa điều trị thành công cho một người bệnh bị xuất huyết ruột non rất hiếm gặp. 

Trước đó, người đàn ông tên T.T. (53 tuổi) được đưa vào viện với tình trạng đi cầu phân đen kéo dài, thiếu máu nặng, suy kiệt thể lực và giảm vận động toàn thân.

Ban đầu, nội soi dạ dày và đại tràng không tìm thấy vị trí chảy máu. Tuy nhiên, hemoglobin giảm nhanh xuống 5.6 g/dL chỉ sau vài ngày, báo động một ca xuất huyết tiêu hóa nguy kịch. Các bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân xuất huyết từ ruột non. Đây là khu vực khó tiếp cận và chẩn đoán trong y khoa, thường được gọi là “vùng bóng tối” của hệ tiêu hóa.

Người đàn ông 53 tuổi bị xuất huyết ruột non rất hiếm gặp. Ảnh minh họa

Với tiền sử phức tạp gồm phẫu thuật áp xe não, tai biến mạch máu não và sử dụng thuốc giảm đau (NSAIDs) dài ngày, bệnh nhân đối mặt với nguy cơ tử vong cao do xuất huyết tiêu hóa âm thầm.

Ngay lập tức, bệnh viện đã tổ chức hội chẩn khẩn cấp liên viện, quyết định phẫu thuật cấp cứu cho bệnh nhân. Ekip phẫu thuật có sự tham gia của khoa Ngoại tổng quát, Nội soi tiêu hóa, Gây mê hồi sức và Chẩn đoán hình ảnh, đặc biệt là sử dụng kỹ thuật nội soi ruột non trong lúc phẫu thuật (Intraoperative Enteroscopy – IOE).

Trong quá trình phẫu thuật, các bác sĩ phát hiện một đoạn ruột non dài 5cm sượng cứng, nghi loét, kèm hạch mạc treo lớn 3cm. Kết quả nội soi trực tiếp trong lúc mổ cũng xác định ổ loét rộng 2cm, đáy mỏng, đang rỉ máu, cách góc hồi manh tràng 60cm, cùng nhiều ổ loét nông rải rác khác.

Ekip đã cắt bỏ đoạn ruột tổn thương, lưu thông tiêu hóa được tái lập an toàn. Chỉ sau 48 giờ hậu phẫu, bệnh nhân tỉnh táo, huyết động ổn định, bụng mềm, tự thở.

Xuất huyết ruột non là tình trạng hiếm nhưng nguy hiểm, với các nguyên nhân thường gặp bao gồm loét ruột non do thuốc (NSAIDs), u mạch, Crohn, khối u, hoặc dị dạng mạch máu. 

Tình trạng này thường bị bỏ sót do khó chẩn đoán. Các phương pháp như nội soi viên nang, nội soi bóng kép hay chụp CT/DSA thường không đủ hiệu quả.

Trong trường hợp này, kỹ thuật IOE đã chứng minh giá trị vượt trội. Một nghiên cứu tại Hàn Quốc cho thấy phương pháp này giúp xác định nguồn chảy máu trong 92% trường hợp, thay đổi hướng điều trị ở 37% bệnh nhân.

Báo cáo năm 2023 và nghiên cứu tại Brazil năm 2024 khẳng định IOE đạt hiệu quả 100% trong các ca xuất huyết ruột non nặng, không ghi nhận biến chứng.

Gia đình tự ý thuốc nam trị khối “lạ” ở bụng, bé 8 tuổi vào viện

Thời báo VTV đưa tin, theo thông tin từ khoa Ngoại tổng hợp và Liên chuyên khoa, Trung tâm Y tế Đoan Hùng (Phú Thọ), đơn vị này vừa tiếp nhận một bệnh nhi 8 tuổi (trú tại xã Phú Lương, tỉnh Tuyên Quang) trong tình trạng sốt cao, bụng sưng to, đỏ, đau và quấy khóc liên tục.

Trước đó khoảng một tháng, gia đình phát hiện một khối bất thường ở bụng của bé. Tuy nhiên, thay vì đưa con đi khám chuyên khoa, người nhà đã tự ý đắp thuốc nam với hy vọng khối sẽ tan và bé sẽ khỏi đau. Thực tế, khối ngày càng to hơn, bé bắt đầu sốt cao, đau tăng, ăn kém và mệt mỏi.

Qua thăm khám, các bác sĩ xác định đây là ổ áp xe vùng bụng đã viêm nặng, có nguy cơ lan rộng và gây nhiễm trùng máu nếu không xử trí kịp thời. Bé lập tức được gây mê, trích rạch dẫn lưu mủ, làm sạch ổ viêm, khâu phục hồi và điều trị kháng sinh tích cực.

Hiện sức khỏe bệnh nhi đã ổn định sau can thiệp. Tuy nhiên, theo bác sĩ điều trị, nếu đến muộn hơn, ổ áp xe có thể vỡ, dẫn đến nhiễm trùng huyết và các biến chứng nghiêm trọng khác.

Cảnh báo từ bác sĩ, việc tự ý đắp lá, sử dụng thuốc nam không kiểm soát, đặc biệt trên trẻ nhỏ, có thể gây hậu quả nguy hiểm vì làm chậm trễ chẩn đoán và điều trị kịp thời; Nguy cơ nhiễm trùng lan rộng, hoại tử mô; Dẫn đến áp xe sâu, nhiễm trùng huyết; Tăng thời gian điều trị và tổn thương cơ thể.

Do đó, khi trẻ xuất hiện khối bất thường, sưng đau hoặc có biểu hiện sốt, tuyệt đối không tự ý điều trị tại nhà bằng các biện pháp dân gian chưa được kiểm chứng. Cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được thăm khám và xử lý đúng cách, kịp thời.

Cấp cứu người đàn ông 59 tuổi bị vỡ thận do tai nạn giao thông

Theo TTXVN, ngày 14/7, Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (tỉnh Phú Thọ) cho biết, bệnh viện đã cấp cứu thành công một bệnh nhân bị vỡ thận độ IV do tai nạn giao thông nghiêm trọng, bằng kỹ thuật nút mạch cầm máu.

Cụ thể, bác sĩ Trần Văn Kiên - Phó trưởng Khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương chia sẻ, vào đêm 13/7, bệnh viện tiếp nhận nam bệnh nhân 59 tuổi nhập viện trong tình trạng đa chấn thương.

Các bác sĩ cấp cứu cho người bệnh bị chấn thương sọ não, vỡ thận do tai nạn giao thông. Ảnh: TTXVN

Qua thăm khám lâm sàng, cận lâm sàng, kết quả CT ổ bụng của người bệnh ghi nhận, bệnh nhân bị vỡ thận phải độ IV, chảy máu hoạt động, tụ máu quanh thận. Ngoài ra, bệnh nhân còn bị chấn thương sọ não, vỡ xương sọ và xương mặt. Sau hội chẩn liên khoa, người bệnh được tiên lượng rất nặng.

Ngay trong đêm, bệnh viện đã tiến hành can thiệp nút mạch khẩn cấp. Nhờ xử trí kịp thời, các bác sĩ kiểm soát được tình trạng chảy máu, bảo tồn tối đa nhu mô thận và giành lại sự sống cho người bệnh. Hiện, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch và đang tiếp tục được theo dõi tại khoa Hồi sức cấp cứu.

Trước đó, Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương đã nhiều lần thực hiện thành công kỹ thuật nút mạch cứu sống các trường hợp chấn thương bụng kín, vỡ đa tạng phức tạp như gan, thận, dạ dày, tá tràng... Khả năng ứng dụng kỹ thuật cao tại bệnh viện tuyến tỉnh góp phần giảm tỷ lệ chuyển tuyến, giảm áp lực cho các cơ sở y tế tuyến trên.

Tin nổi bật