Đóng

Tin tức đời sống 13/7: Phẫu thuật khẩn cấp cho bé 4 tuổi bị chó nhà cắn

  • Đinh Kim (T/h)
(DS&PL) -

Phẫu thuật khẩn cấp cho bé 4 tuổi bị chó nhà cắn; Người đàn ông bất ngờ ngã gục, bác sĩ chỉ sai lầm khi sơ cứu… là tin tức đời sống mới nóng ngày 13/7.

Phẫu thuật khẩn cấp cho bé 4 tuổi bị chó nhà cắn

Theo báo Giáo Dục và Thời Đại, ngày 12/7, thông tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang cho biết, ekip bác sĩ khoa Ngoại Thần kinh phối hợp khoa Gây mê - Hồi sức tiến hành phẫu thuật khẩn cấp cho bé trai 4 tuổi do bị chó nhà cắn ở vùng đầu.

Trước đó, trưa 11/7, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang tiếp nhận bé trai 4 tuổi (trú tại Tuyên Quang) nhập viện trong tình trạng chảy máu nhiều vùng đầu do bị chó nhà cắn.

Sau khi được khám cấp cứu và tư vấn chuyên môn, bệnh nhi được tiêm huyết thanh kháng dại và vaccine phòng dại ngay tại bệnh viện. Tiếp đó, bệnh nhi nhanh chóng được ekip bác sĩ khoa Ngoại Thần kinh phối hợp khoa Gây mê - Hồi sức tiến hành phẫu thuật khẩn cấp.

Các bác sĩ tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhi. Ảnh: Giáo Dục và Thời Đại

Theo bác sĩ CKI Âu Trung Khánh - Phó khoa Ngoại Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang, bệnh nhi có nhiều vết thương sâu, nham nhở vùng đầu, chứa đất, lông và da chết.

Ekip đã tiến hành sát trùng, cắt lọc dị vật, khâu phục hồi tổn thương theo từng lớp giải phẫu dưới gây mê nội khí quản. Sau mổ, bệnh nhi đã tỉnh táo, tiếp tục được theo dõi và chăm sóc đặc biệt tại khoa Ngoại Thần kinh.

Các bác sĩ khuyến cáo phòng ngừa chó cắn ở trẻ nhỏ, các gia đình cần trang bị kiến thức sơ cứu cơ bản, rửa sạch vết thương, cầm máu, đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay lập tức để được tư vấn, tiêm phòng kịp thời.

Nếu gia đình có trẻ nhỏ, nên hạn chế nuôi chó hoặc chỉ nuôi khi chó đã được tiêm phòng đầy đủ, xích/nhốt cẩn thận. Không để trẻ tiếp xúc gần với chó vào mùa hè - thời điểm virus dễ lây lan và chó dễ bị kích động hơn. Tránh cho trẻ chơi ở khu vực có chó lạ, chó không rọ mõm, đặc biệt là chó lang thang.

Người đàn ông bất ngờ ngã gục, bác sĩ chỉ sai lầm khi sơ cứu

Theo tạp trí Tri Thức, các bác sĩ Trung tâm Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), cho biết họ vừa tiếp nhận trường hợp nam bệnh nhân 38 tuổi ở Bắc Ninh bất ngờ ngã gục xuống ghế tại nhà.

Người thân chứng kiến đã nghĩ anh bị đột quỵ nên sơ cứu theo mẹo dân gian như bấm huyệt nhân trung, xoa ngực rồi nhanh chóng gọi xe đưa đi cấp cứu.

Khi nhập viện, tim bệnh nhân đã ngừng đập quá lâu, não tổn thương nặng, cơ hội sống rất thấp. Các bác sĩ cho biết nếu gia đình kiểm tra mạch và ép tim ngay tại nhà, bệnh nhân có thể đã có cơ hội sống cao hơn.

Từ trường hợp trên, các bác sĩ cho hay khi phát hiện người gặp nạn rơi vào trạng thái ngất hay bất tỉnh, việc đầu tiên cần làm là kiểm tra dấu hiệu tuần hoàn bằng cách đặt ngón tay nhẹ dưới gốc hàm để cảm nhận nhịp đập của động mạch cảnh.

Nếu vẫn còn mạch đập, nhiều khả năng bệnh nhân bị đột quỵ. Lúc này, việc quan trọng nhất là giữ nạn nhân nằm ở tư thế an toàn, duy trì thông thoáng đường thở, quan sát nhịp thở và nhanh chóng gọi cấp cứu. Tuyệt đối không được bế dậy, lắc mạnh người hay vỗ mặt nạn nhân vì có thể khiến tình trạng trở nên nghiêm trọng hơn.

Ngược lại, nếu không còn cảm nhận được mạch đập, bệnh nhân có khả năng đã rơi vào tình trạng đột tử. Trong trường hợp này, việc ép tim ngoài lồng ngực cần được tiến hành ngay lập tức, càng sớm càng tốt, không chờ xe cấp cứu tới mới bắt đầu.

Ép tim đúng cách sẽ giúp duy trì tuần hoàn tạm thời, tránh não bị tổn thương không hồi phục do thiếu oxy. Khi cấp cứu, người hỗ trợ cần tiếp tục ép tim cho tới khi có dấu hiệu mạch đập trở lại hoặc nhân viên y tế chuyên môn tiếp nhận. Mỗi giây phút chậm trễ đều làm giảm đáng kể cơ hội cứu sống và hồi phục của người gặp nạn.

Cấp cứu khâu eo tử cung, giữ thành công thai kỳ 18 tuần dọa sẩy

Thời báo VTV đưa tin, ngày 10/7, Bệnh viện Đa khoa Gia Đình cho biết, các bác sĩ Khoa Phụ Sản của bệnh viện vừa thực hiện thành công ngoạn mục một trường hợp cấp cứu khâu eo tử cung, giữ lại thai nhi mới 18 tuần tuổi trong tình trạng dọa sẩy nghiêm trọng.

Trước đó, chị T.T.T.N. (33 tuổi, Đà Nẵng) mang thai ở tuần thứ 18 được người nhà đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Gia Đình bởi đau bụng lâm râm. Bác sĩ thăm khám ghi nhận cổ tử cung của sản phụ đã mở đến 4 cm, ối thòng, dọa sẩy.

Đây là một biến cố sản khoa cực kỳ nguy hiểm, thường dẫn đến sẩy thai muộn hoặc sinh non cực sớm, khi thai nhi chưa đủ khả năng sống sót ngoài tử cung. Ngay lập tức, các bác sĩ Khoa Phụ sản đã khẩn trương hội chẩn để xử trí.

Sau thủ thuật, tình trạng của thai phụ đã ổn định, thai nhi tiếp tục phát triển an toàn trong bụng mẹ. Ảnh: Thời báo VTV

ThS. BS. Nguyễn Thị Thanh Loan - Trưởng khoa Phụ Sản, Bệnh viện Gia Đình cho biết, lúc nhập viện thai nhi mới 18 tuần, nghĩa là chỉ hơn 4 tháng. Nếu phải sinh ra ở giai đoạn này, cơ hội sống sót của em bé là vô cùng mong manh, đối mặt với rất nhiều rủi ro về sức khỏe và sự phát triển. Tình thế này đòi hỏi một quyết định nhanh chóng và kỹ thuật can thiệp chuyên sâu để giữ thai nhi an toàn trong tử cung mẹ.

Sau khi hội chẩn khẩn cấp, ekip các bác sĩ đã quyết định thực hiện kỹ thuật khâu eo tử cung cấp cứu (Emergent/Rescue Cerclage). Đây là một thủ thuật phức tạp, được chỉ định trong những trường hợp cổ tử cung đã mở và có nguy cơ sinh non rất cao, nhằm mục đích giữ chặt cổ tử cung, ngăn không cho thai nhi tụt ra ngoài. Trước khi tiến hành thủ thuật, sản phụ được điều trị bằng thuốc giảm co tử cung để ổn định cơn gò, giảm thiểu rủi ro vỡ ối trong quá trình can thiệp.

Tại phòng phẫu thuật, với sự tập trung cao độ, các bác sĩ đẩy phần màng ối đã sa trở lại vào buồng tử cung và đặt một vòng chỉ vững chắc xung quanh cổ tử cung, như "niêm phong" lại cánh cửa đang mở sớm cho sản phụ.

"Khi thủ thuật khâu eo thành công, cả ekip bác sĩ thực hiện mới thực sự thở phào nhẹ nhõm. Khâu eo tử cung cấp cứu là một thử thách lớn vì đòi hỏi kỹ năng cao và sự chuẩn bị kỹ lưỡng, đặc biệt khi cổ tử cung đã mở nhiều và thai còn rất non.

Thành công này không chỉ là niềm vui của riêng chúng tôi, gia đình sản phụ mà còn là niềm hy vọng cho nhiều gia đình đang đối mặt với nguy cơ sinh non.", bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Loan chia sẻ.

Sau thủ thuật, tình trạng của thai phụ đã ổn định, cơn co tử cung được kiểm soát, và thai nhi tiếp tục phát triển an toàn trong bụng mẹ.

Chị T.T.T.N. tiếp tục được theo dõi sát tại khoa Phụ sản của bệnh viện. Các bác sĩ sẽ tiếp tục sử dụng các phương pháp hỗ trợ và tư vấn chế độ nghỉ ngơi, dinh dưỡng phù hợp để đảm bảo thai kỳ được duy trì đến đủ tháng. Chỉ khâu sẽ được tháo vào khoảng tuần 36-37 của thai kỳ hoặc khi có dấu hiệu chuyển dạ thực sự, để em bé có thể chào đời an toàn.

Thông qua trường hợp này, bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Loan cũng khuyến cáo, Các trường hợp sẩy thai do hở eo tử cung đa phần đều không có triệu chứng mà được phát hiện tình cờ khi khám thai. Do vậy việc khám thai định kỳ đặc biệt ở 3 tháng giữa rất quan trọng trong việc dự phòng. V

iệc khâu vòng cổ tử cung cấp cứu là một thủ thuật khó nên cần được thực hiện tại những cơ sở sản khoa lớn, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bác sĩ chuyên ngành sản khoa, gây mê hồi sức để có cách xử lý an toàn và tốt nhất cho cả mẹ và thai nhi.

Tin nổi bật