Đóng

Tin tức đời sống 11/7: Nam thanh niên ở Đắk Lắk tử vong sau 20 ngày bị chó cắn

  • Đinh Kim (T/h)
(DS&PL) -

Nam thanh niên ở Đắk Lắk tử vong sau 20 ngày bị chó cắn; Cứu bé gái 26 tháng tuổi uống nhầm thuốc diệt nấm… là tin tức đời sống mới nóng ngày 11/7.

Nam thanh niên ở Đắk Lắk tử vong sau 20 ngày bị chó cắn

Báo Sức Khỏe & Đời Sống đưa tin, ngày 10/7, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên cho biết, thông báo vừa có trường hợp tử vong do bệnh dại. Đó là trường hợp anh Y.P.H.W, ở xã Ea Tul, tỉnh Đắk Lắk (xã Cư Dliê M'Nông, huyện Cư'Mgar cũ), bị chó cắn 20 ngày nhưng không tiêm ngừa vaccine phòng bệnh dại.

Theo người nhà bệnh nhân, trước đó, anh W. và 3 người khác bị chó lạ cắn, sau đó 3 người đi tiêm vaccine phòng bệnh dại, riêng anh W. do nghĩ vết cắn ở tay nhỏ, không có dấu hiệu nhiễm trùng nên chủ quan không tiêm vaccine. Cách đây 3 ngày, anh W. có biểu hiện tức ngực, khó thở, mệt tăng dần, sợ gió, sợ nước rõ rệt, tiết nhiều đàm nhớt, lúc này anh W. mới đi tiêm vaccine.

Đến ngày 9/7, gia đình đưa đến Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên để khám, làm xét nghiệm virus dại. Kết quả, bệnh nhân dương tính với virus dại, chẩn đoán dại lên cơn. Được bác sĩ giải thích tiên lượng xấu, gia đình làm thủ tục xin về và bệnh nhân đã tử vong tại nhà.

Khi bị chó mèo cào, cắn cho dù chỉ là một vết xước nhỏ, người dân cũng nên tiêm ngừa vaccine phòng bệnh dại. Ảnh minh họa

Theo bác sĩ H'Nuen H'Đơk - Phó Trưởng khoa Phụ trách Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, bệnh dại là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus dại gây ra lây truyền từ động vật sang người qua vết cắn, vết thương, vết cào, liếm của động vật, thường là chó, mèo. Khi đã lên cơn dại, tỷ lệ tử vong là 100%.

Bệnh nguy hiểm nhưng đã có vaccine phòng bệnh và người dân hoàn toàn có thể phòng tránh được bệnh dại. Do đó, khi bị chó mèo cào, cắn cho dù chỉ là một vết xước nhỏ người dân cũng nên tiêm ngừa vaccine phòng bệnh dại. Vật nuôi trong nhà như chó, mèo cũng cần được tiêm vaccine phòng bệnh dại đều đặn hàng năm.

Cứu bé gái 26 tháng tuổi uống nhầm thuốc diệt nấm

Theo báo Đại Biểu Nhân Dân, Bệnh viện Nhi Hà Nội thông tin, tiếp nhận một bé gái 26 tháng tuổi trong tình trạng nghi ngờ uống nhầm thuốc diệt nấm. Trước đó, người thân phát hiện bé đang cầm vỏ gói thuốc, miệng có dính chất màu trắng xung quanh. Ngay lập tức, gia đình đã kịp thời sơ cứu và nhanh chóng đưa trẻ đi cấp cứu.

Gói thuốc được xác định là thuốc diệt nấm chứa hoạt chất Hexaconazole – một loại thuốc sinh học dạng lỏng, được đóng gói nhỏ như kẹo thạch, rất dễ gây cho trẻ nhầm lẫn.

Sau khi phát hiện, người nhà đã sơ cứu kịp thời và đưa đến Bệnh viện gần nhà, nơi trẻ được rửa dạ dày và uống than hoạt tính, sau đó chuyển tiếp lên Bệnh viện Nhi Hà Nội để theo dõi chuyên sâu.

Tại khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi Hà Nội, trẻ được theo dõi chặt chẽ, truyền dịch và lợi tiểu cưỡng bức nhằm tăng đào thải chất độc. Các xét nghiệm chuyên sâu về chức năng tim và thần kinh được thực hiện ngay sau đó.

Sau 3 ngày điều trị tích cực, trẻ ổn định hoàn toàn, các chỉ số xét nghiệm trong giới hạn bình thường, không có dấu hiệu tổn thương tim hoặc thần kinh. Hiện, bệnh nhi đã chơi ngoan, ăn ngủ tốt và được xuất viện.

Bệnh nhi hiện đã chơi ngoan, ăn ngủ tốt và được xuất viện. Ảnh: Đại Biểu Nhân Dân

Theo bác sĩ Bệnh viện Nhi Hà Nội, mặc dù là thuốc sinh học, Hexaconazole có thể gây ngộ độc ở trẻ nhỏ nếu uống nhầm với liều lượng lớn. Các triệu chứng bao gồm: Nôn, buồn nôn, đau bụng; tổn thương cơ tim; ngộ độc thần kinh.

Tự ý tiêm thuốc giảm đau cột sống cổ, cụ ông 70 tuổi bị liệt tứ chi

Theo báo Sức Khỏe & Đời Sống, khoa Cấp cứu Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương vừa tiếp nhận một trường hợp rất nghiêm trọng, là trường hợp của bệnh nhân Đ.Đ.B (70 tuổi, đến từ Quảng Ninh).

Ông nhập viện trong tình trạng liệt hoàn toàn tứ chi, mất cảm giác, suy hô hấp cấp. Các bác sĩ phải đặt ống nội khí quản và mở khí quản khẩn cấp. Dù vẫn tỉnh táo, ông không thể tự thở hay cử động.

Người nhà cho biết, trước đó ông B. bị đau mỏi cổ – vai gáy kéo dài. Thay vì đến bệnh viện, ông tự tiêm thuốc giảm đau tại một phòng khám tư nhân không rõ chuyên môn. Sau khi tiêm, tình trạng không khá hơn mà ngày càng nặng: yếu chi, mất cảm giác, khó thở rồi liệt hoàn toàn từ cổ trở xuống. Ông buộc phải chuyển viện khẩn cấp.

ThS.BS Lê Sơn Việt ở khoa Cấp cứu cho biết, bệnh nhân nhập viện với liệt tứ chi hoàn toàn, cơ lực bằng 0, mất phản xạ. Ông bị suy hô hấp nặng do cơ hô hấp bị liệt. Kết quả chụp cộng hưởng từ cho thấy ông bị thoát vị đĩa đệm cổ nghiêm trọng ở vị trí C2–C3, chèn ép tủy sống, dẫn đến viêm tủy cổ lan rộng. Bệnh nhân được phẫu thuật giải ép khẩn cấp, có sự phối hợp giữa khoa Cấp cứu và khoa Ngoại chấn thương – chỉnh hình và thần kinh cột sống.

Đáng chú ý, bệnh nhân còn bị nhiễm khuẩn huyết và viêm màng não mủ. Ông từng điều trị lao phổi, khiến hệ miễn dịch suy yếu, làm tăng nguy cơ nhiễm trùng và tổn thương thần kinh trung ương.

Bệnh nhân vẫn phải thở máy và chưa có cải thiện về vận động. Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống

Bác sĩ CKII Nguyễn Thanh Tùng – Phó Trưởng khoa Ngoại chấn thương chỉnh hình và thần kinh cột sống chia sẻ: "Tủy cổ của bệnh nhân phù nề nặng, dính sát vào thành ống sống. Nếu không mổ kịp, bệnh nhân có thể tử vong trong vài giờ. Dù đã giải ép thành công nhưng tổn thương quá nghiêm trọng – khả năng phục hồi vận động gần như không có”.

Hiện tại, bệnh nhân vẫn phải thở máy và chưa có cải thiện về vận động. Dù giữ được tính mạng, tiên lượng phục hồi chức năng chỉ khoảng 40%. Rất có thể ông sẽ không thể đi lại hay sinh hoạt độc lập như trước.

Tin nổi bật