Theo Thời báo VTV, những ngày nắng nóng gay gắt, nhiệt độ ngoài trời có thể vượt 40 độ C, khiến nguy cơ say nắng, say nóng và sốc nhiệt tăng cao. Mới đây, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ đã tiếp nhận và cấp cứu kịp thời cho một ca sốc nhiệt điển hình.
Cụ thể, nam bệnh nhân N.T.H. (65 tuổi, trú tại Cẩm Khê, Phú Thọ) khi đang lao động ngoài đồng đã đột ngột ngất xỉu do sốc nhiệt. Sau cấp cứu ban đầu tại trung tâm y tế khu vực, người bệnh được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ trong tình trạng hôn mê sâu, phải thở máy, huyết áp phụ thuộc thuốc vận mạch, thân nhiệt 39 độ C.
Tại khoa Hồi sức tích cực – Chống độc, các bác sĩ đã khẩn trương hạ thân nhiệt cho người bệnh bằng phương pháp chườm ấm, truyền dịch, duy trì thở máy và ổn định huyết động. Sau 6 giờ điều trị tích cực, người bệnh cải thiện: hạ sốt, tiểu được, dừng thuốc vận mạch và hiện đã xuất viện an toàn.
Bệnh nhân đột ngột ngất xỉu do sốc nhiệt. Ảnh: Thời báo VTV
ThS.BS Nguyễn Đức Lịch cho biết, sốc nhiệt xảy ra khi nhiệt độ cơ thể tăng cao (≥ 40 độ C) và cơ chế tự làm mát không còn hoạt động hiệu quả. Nếu không được cấp cứu kịp thời, sốc nhiệt có thể gây lú lẫn, hôn mê, tổn thương đa cơ quan và thậm chí tử vong.
Khi gặp người bị sốc nhiệt, việc quan trọng nhất là làm mát ngay: di chuyển người bệnh đến nơi mát, cởi bớt quần áo, chườm nước mát hoặc dùng túi đá tại cổ, nách, bẹn và gọi cấp cứu. Người dân tuyệt đối không được chủ quan vì chậm xử trí có thể dẫn đến tổn thương não, đa phủ tạng không hồi phục.
Để phòng sốc nhiệt, mỗi người cần tránh làm việc, lao động ngoài trời trong thời gian nắng gắt. Mặc quần áo sáng màu, rộng, đội mũ, uống đủ nước, nghỉ ngơi hợp lý, theo dõi sát sức khỏe, đặc biệt người cao tuổi và trẻ nhỏ. Khi có dấu hiệu mệt mỏi, choáng váng, nóng đỏ da, cần ngừng hoạt động và đến ngay cơ sở y tế.
Theo chuyên trang Pháp Luật & Xã Hội, mới đây, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí vừa tiếp nhận và điều trị thành công một trường hợp bệnh nhân có khối sỏi thận tồn tại gần 20 năm, hình dạng như san hô chiếm gần toàn bộ thận phải.
Cụ thể, ông P.T.Đ (46 tuổi, trú tại Đông Triều, Quảng Ninh) đến khám trong tình trạng đau âm ỉ vùng thắt lưng phải, tiểu buốt. Khai thác bệnh sử, được biết bệnh nhân đã từng phẫu thuật sỏi thận cách đây 20 năm. Bệnh nhân sau đó có đi khám 1 vài lần và phát hiện sỏi nhưng không điều trị. Gần đây, bệnh nhân thấy xuất hiện đau nhiều nên đến bệnh viện để kiểm tra.
Tại bệnh viện, kết quả chụp X-quang và CT Scanner cho thấy bệnh nhân có sỏi thận 2 bên. Đặc biệt, thận bên phải có khối sỏi lớn hình dạng giống san hô chiếm gần hết bể thận.
Sau hội chẩn, bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật mổ mở lấy sỏi. Ca phẫu thuật diễn ra trong hơn 2 giờ, các bác sĩ đã lấy ra 2 viên sỏi, trong đó một viên sỏi "khổng lồ" kích thước 3x6cm, nặng gần 100g hình dạng giống san hô, và một viên kích thước gần 1cm. Hiện tại, sức khỏe bệnh nhân ổn định, ăn uống và sinh hoạt bình thường, chức năng thận được cải thiện.
Viên sỏi thận kích thước "khủng" được lấy ra thành công. Ảnh: Pháp Luật & Xã Hội
Theo bác sĩ khoa Ngoại thận - Tiết niệu, sỏi thận hình san hô là biến chứng nặng của bệnh sỏi tiết niệu, thường phát triển âm thầm trong nhiều năm. Bệnh nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn tới ứ nước, nhiễm trùng và có thể mất hoàn toàn chức năng thận. Trong trường hợp này, việc mổ mở là cần thiết vì kích thước và độ phức tạp của viên sỏi vượt quá khả năng điều trị bằng tán sỏi nội soi.
Qua đây, các bác sĩ khuyến cáo người dân cần đi khám sức khỏe định kỳ. Đặc biệt là những người có tiền sử mắc các bệnh lý về đường tiết niệu, tuyệt đối không chủ quan, cần điều trị dứt điểm khi được phát hiện, tránh để lâu dẫn đến các biến chứng nguy hiểm.
Theo TTXVN, ngày 8/7, thông tin từ Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, bệnh nhân N.V.Q (sinh năm 1983, trú Quảng Ngãi) là ca ghép tim thứ 18 của đơn vị vừa được xuất viện sau hơn 3 tuần ghép và theo dõi. Đây là một trong 4 trường hợp được đơn vị thực hiện ghép tạng đồng loạt vào giữa tháng 6/2025.
Trước đó, ngày 12/6, Bệnh viện Trung ương Huế tiếp nhận thông tin điều phối mô, tạng từ người hiến chết não từ Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người. Sau đó, đơn vị huy động ekip bác sĩ lập tức lên đường vào TP.HCM, phối hợp với Bệnh viện Thống Nhất, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 thực hiện lấy tim, gan và giác mạc.
Do lịch trình bay không thuận lợi, quá trình vận chuyển tạng gặp nhiều khó khăn, phải kết hợp nhiều chặng di chuyển bằng ô tô và máy bay. Nhờ công tác phối hợp hiệu quả, quy trình lấy và bảo quản tạng được rút ngắn. Toàn bộ mô, tạng được đưa lên máy bay lúc 20h46 ngày 13/6 và đến Cảng Hàng không Quốc tế Phú Bài lúc 22h28 cùng ngày.
Bệnh nhân được xuất viện sau hơn 3 tuần ghép và theo dõi. Ảnh: Báo Phụ Nữ TP.HCM
Ngay sau đó, các kíp phẫu thuật khẩn trương thực hiện các ca ghép trong đêm để cứu sống bệnh nhân nguy kịch. Quả tim được ghép cho bệnh nhân N.V.Q mắc bệnh cơ tim giãn giai đoạn cuối, rất kém đáp ứng điều trị nội khoa với chức năng thất trái rất thấp, chức năng thất trái rất thấp (LVEF chỉ 17-21%). Bệnh nhân đã nhiều lần bị ngưng tim, đe dọa tính mạng.
Ca ghép được thực hiện trong điều kiện vô cùng khẩn cấp, với tổng thời gian thiếu máu lạnh là 5h30, 66 phút hỗ trợ tuần hoàn ngoài cơ thể (ECMO) và sử dụng ba loại thuốc trợ tim liều trung bình. Vào lúc 0h35 ngày 14/6, trái tim ấy đã đập trở lại trong lồng ngực người bệnh, khởi đầu cho một sự sống mới được hồi sinh.
GS.TS Phạm Như Hiệp - Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế, gửi lời tri ân đến gia đình người hiến tạng - những người đã lựa chọn sẻ chia sự sống giữa nỗi mất mát tột cùng. Đồng thời, ghi nhận sự phối hợp nhịp nhàng, trách nhiệm và đầy nhân văn của lực lượng y bác sĩ, cảnh sát giao thông và Cảng hàng không đã giúp hành trình vận chuyển mô, tạng diễn ra an toàn, suôn sẻ, đúng thời gian vàng, để sự sống được tiếp nối mà không một giây chậm trễ.
Ca ghép tim thứ 18 không chỉ là một thành tựu y học, mà còn là biểu tượng của tinh thần nhân đạo, sự hy sinh cao cả và khát vọng vượt qua giới hạn của con người để gìn giữ sự sống. Trong hành trình ấy, mỗi bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên và tất cả nhân viên y tế không chỉ làm việc bằng khối óc, mà còn bằng trái tim nhiệt huyết và khát vọng thiêng liêng với sự sống con người.