Đóng

Tin tức đời sống 12/7: 3 người trong một gia đình đi cấp cứu sau bữa trưa

  • Đinh Kim (T/h)
(DS&PL) -

3 người trong một gia đình đi cấp cứu sau bữa trưa; Người phụ nữ bị thủng dạ dày do nuốt thuốc còn nguyên vỏ… là tin tức đời sống mới nóng ngày 12/7.

3 người trong một gia đình đi cấp cứu sau bữa trưa 

Theo VietNamNet, Trung tâm Y tế Pác Nặm (Thái Nguyên) vừa tiếp nhận cấp cứu 3 bệnh nhân có dấu hiệu lạ sau bữa ăn trưa. Bệnh nhân gồm 2 người đàn ông 51 tuổi và người phụ nữ 74 tuổi, cùng ở xã Cao Minh (Thái Nguyên).

Trước đó, trong bữa trưa, cả 3 người đều ăn món hoa chuông xào, sau đó xuất hiện các triệu chứng: Nhức đầu, hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn, đau ngực, ý thức mơ hồ, đồng tử giãn nhẹ, khó thở, ảo giác, môi và tứ chi tím tái.

Nghi ngờ nhóm người này bị ngộ độc, gia đình đã nhanh chóng đưa cả ba bệnh nhân đến Trung tâm Y tế Pác Nặm để cấp cứu. Hiện 3 người bệnh được theo dõi sát và điều trị tại khoa Hồi sức cấp cứu - chống độc. 

Tất cả bộ phận của hoa chuông đều chứa độc tố, có thể gây ngộ độc nặng, thậm chí tử vong. Ảnh: VietNamNet

Cây hoa chuông có tên khoa học là Scopolamine. Hoa chuông hình dạng gần giống hoa loa kèn, thường có màu trắng và vàng, khi nở sẽ xòe to và rũ xuống rất đẹp mắt nên thường được trồng làm cảnh.

Tất cả bộ phận của hoa chuông đều chứa độc tố, có thể gây ngộ độc nặng, thậm chí tử vong. Vì thế, hoa chuông còn được biết đến với tên "hơi thở của quỷ".

Dấu hiệu ngộ độc hoa chuông từ nhẹ như nhức đầu, choáng váng, buồn nôn/nôn, chóng mặt,... đến nặng như ảo giác, đồng tử giãn, hôn mê, rối loạn tri giác, môi và tứ chi tím tái, suy thận, suy hô hấp, suy tim cấp, tử vong.

Người dân tuyệt đối không ăn các loại cây dại hay hoa quả rừng khi không biết rõ về chúng. Đồng thời, không tiếp xúc với hoa chuông hay tò mò ăn thử.  

Người phụ nữ bị thủng dạ dày do nuốt thuốc còn nguyên vỏ

Thời báo VTV đưa tin, Trung tâm Y tế khu vực Thanh Thủy (Phú Thọ) vừa phẫu thuật thành công cho bệnh nhân nữ P.T.H (50 tuổi, ở Thanh Sơn, Phú Thọ) nhập viện trong tình trạng đau bụng dữ dội kéo dài ba ngày.

Qua nội soi, các bác sĩ phát hiện trong dạ dày bệnh nhân có hai viên thuốc còn nguyên vỏ, phần góc nhọn của vỏ thuốc đã đâm thủng thành dạ dày, gây viêm nhiễm nghiêm trọng.

Bệnh nhân được phẫu thuật nội soi khâu lỗ thủng và gắp bỏ dị vật ra ngoài. Sau can thiệp, sức khỏe bệnh nhân đã ổn định, đang tiếp tục được theo dõi.

Qua nội soi, các bác sĩ phát hiện trong dạ dày bệnh nhân có hai viên thuốc còn nguyên vỏ. Ảnh: Thời báo VTV

Theo các bác sĩ, thủng dạ dày, ruột do dị vật không hiếm gặp, thường gặp nhất là nuốt phải tăm tre, xương cá, xương gia cầm… hoặc trẻ em nuốt dị vật nhỏ khi chơi đùa. Nếu không được phát hiện sớm và xử trí kịp thời, dị vật có thể gây chảy máu, nhiễm trùng, viêm phúc mạc, thậm chí thủng động mạch chủ với nguy cơ tử vong cao.

Các bác sĩ khuyến cáo, mọi người cần chú ý quan sát kỹ trước khi ăn uống, đặc biệt khi uống thuốc cần kiểm tra kỹ, bóc bỏ vỏ bao bì hoàn toàn trước khi nuốt. Người cao tuổi nên được người thân hỗ trợ khi uống thuốc, ăn uống, tránh những sơ suất nguy hiểm.

Khi có triệu chứng đau bụng bất thường, nên đi khám ngay để phát hiện và xử trí sớm các tình huống nguy hiểm.

Mẹ hiến da ghép cho con trai bị bỏng tới 60% cơ thể

Theo báo Pháp Luật TP.HCM, ngày 11/7, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) cho biết nơi đây đã tiếp nhận và điều trị thành công một ca bệnh nhi bị bỏng nặng đặc biệt.

Bệnh nhi là B.P.T (nam, 2 tuổi, ngụ tỉnh Gia Lai) nhập viện trong tình trạng nguy kịch với diện tích bỏng lên đến 60% cơ thể gồm các vùng cổ, ngực, bụng, lưng, mông, hai tay và hai đùi. Bác sĩ nhận định mức độ bỏng này có nguy cơ tử vong rất cao ở trẻ nhỏ do mất nước, mất dịch và rối loạn điện giải nghiêm trọng.

Người nhà kể với bác sĩ, mẹ bé với tay kéo đổ bình thủy chứa nước sôi, không may nước đổ vào người làm bé bị bỏng nặng. Bệnh nhi được điều trị một ngày tại bệnh viện tỉnh, sau đó được chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng 2. Tại đây, bệnh nhi được chuyển đến khoa Bỏng - Chỉnh trực và được hồi sức tích cực liên tục. Sau 3 ngày điều trị, tình trạng mất dịch vẫn kéo dài và diễn tiến phức tạp.

Trước nguy cơ đe dọa tính mạng, các bác sĩ quyết định chỉ định ghép da đồng loại sớm, một kỹ thuật can thiệp đặc biệt nhằm đẩy nhanh quá trình hồi phục và kiểm soát nhiễm trùng cho bệnh nhi.

Người hiến da là mẹ ruột của bé trai bị bỏng nặng. Sau 5 ngày nhập viện, ca ghép da được thực hiện thành công. Hiện tình trạng bệnh nhi đã cải thiện rõ rệt sau ghép, các vùng da ghép bắt đầu lành đáy và phục hồi tốt.

Bệnh nhi được điều trị tích cực ở bệnh viện sau khi ghép da. Ảnh: Tri Thức

Theo bác sĩ CKI Nguyễn Thị Ngọc Ngà - Phó khoa Bỏng - Chỉnh trực Bệnh viện Nhi đồng 2, kỹ thuật ghép da đồng loại (allograft) là một lựa chọn quan trọng khi diện tích vùng da lành quá ít, không đủ để ghép tự thân. Việc thực hiện ghép sớm giúp rút ngắn thời gian điều trị, hạn chế nguy cơ nhiễm trùng huyết, biến chứng nguy hiểm hàng đầu của bỏng nặng.

Theo ghi nhận tại khoa Bỏng - Chỉnh trực Bệnh viện Nhi đồng 2, bỏng nước sôi là nguyên nhân hàng đầu gây bỏng nặng ở trẻ em. Các tai nạn thường xảy ra khi người lớn đang nấu nướng, chế biến nước nóng hoặc đặt các vật dụng chứa chất lỏng nóng trong tầm tay trẻ.

Bác sĩ Ngà khuyến cáo cha mẹ tuyệt đối không để trẻ nhỏ lại gần khu vực đang nấu ăn hoặc có nước sôi. Luôn để trẻ trong tầm mắt khi chăm sóc, đồng thời trang bị kiến thức sơ cứu bỏng đúng cách và đưa trẻ đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt khi có dấu hiệu tổn thương nặng.

Tin nổi bật