Theo Thời báo VTV, Trung tâm Y tế khu vực Thanh Sơn (Phú Thọ) vừa cấp cứu kịp thời một trường hợp suy thận nặng do tự ý sử dụng thuốc Nam không rõ nguồn gốc. Người bệnh là ông Đ.C.C. (trú tại xã Xuân Đài), nhập viện trong tình trạng mệt mỏi nhiều, khó thở, suy kiệt toàn thân.
Gia đình cho biết, người bệnh có tiền sử tăng huyết áp, gout và suy thận mạn. Thay vì tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ, ông đã ngừng thuốc tây và chuyển sang uống thuốc nam trong suốt 3 tháng. Việc sử dụng thuốc không kiểm soát về liều lượng, nguồn gốc và tương tác thuốc đã khiến tình trạng bệnh không cải thiện mà ngày càng trầm trọng hơn.
Người bệnh được xác định suy thận mạn giai đoạn nặng và được chỉ định lọc máu cấp cứu. Ảnh minh họa
Tại bệnh viện, bệnh nhân được xác định suy thận mạn giai đoạn nặng và được chỉ định lọc máu cấp cứu. Nhờ can thiệp kịp thời, sau 2 ngày điều trị tích cực, sức khỏe người bệnh dần ổn định và đang tiếp tục được theo dõi tại khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực và Chống độc.
Các bác sĩ khuyến cáo, người dân tuyệt đối không tự ý điều trị bệnh bằng các phương pháp không rõ ràng, đặc biệt với các bệnh lý mạn tính như tăng huyết áp, gout, suy thận.
Việc dừng thuốc hoặc dùng thêm sản phẩm không được kiểm soát có thể dẫn tới biến chứng nặng, thậm chí nguy hiểm tính mạng. Khi có nhu cầu dùng thuốc hỗ trợ, cần tham khảo ý kiến chuyên gia y tế để đảm bảo an toàn.
Theo báo Nhân Dân, về nước thăm gia đình, giữa kỳ nghỉ tại TP.HCM, ông H.V.C (67 tuổi, Việt kiều Canada và là kiến trúc sư) bất ngờ lên cơn đau thắt ngực, khó thở và vã mồ hôi lạnh. Nhận thấy tình trạng nguy cấp, ông lập tức gọi cấp cứu từ Bệnh viện Vinmec Central Park – chỉ cách nơi ông ở vài phút di chuyển.
Chỉ trong vòng 10 phút, xe cấp cứu chuyên dụng cùng ekip y tế đã có mặt. Ngay khi nhập viện, bệnh nhân được chẩn đoán bị nhồi máu cơ tim cấp, tắc hoàn toàn nhánh động mạch vành chính – tình trạng có thể gây tử vong nếu không can thiệp kịp thời.
Ekip tim mạch của bệnh viện dưới sự chỉ đạo của ThS.BS CKII Võ Anh Minh đã khẩn trương đưa bệnh nhân vào phòng can thiệp tim mạch DSA Hybrid – nơi tích hợp thiết bị chẩn đoán và điều trị hiện đại bậc nhất.
Khối huyết khối lớn, nằm tại vị trí chia đôi mạch vành, khiến thủ thuật trở nên đặc biệt nguy hiểm. Tuy nhiên, bằng tay nghề cao và thiết bị hiện đại, bác sĩ đã xử lý thành công việc luồn dây dẫn, đặt stent tái thông mạch máu, cứu sống bệnh nhân ngay trước thời điểm trái tim tổn thương không hồi phục.
Toàn bộ quá trình từ chẩn đoán đến tái thông mạch vành chỉ diễn ra trong chưa đầy 60 phút, giúp bệnh nhân hồi phục nhanh chóng, không biến chứng và có thể đi lại sau can thiệp.
Các bác sĩ can thiệp cho bệnh nhân kịp thời. Ảnh: Nhân Dân
Bác sĩ Minh cho biết, các dấu hiệu thường gặp của nhồi máu cơ tim không phải lúc nào cũng rõ ràng, nhưng người bệnh cần đặc biệt cảnh giác nếu cảm thấy đau tức ngực dữ dội, khó thở đột ngột, hoặc cảm giác nghẹt thở, mệt lả không rõ nguyên nhân.
Nhiều người vì chủ quan, cho rằng chỉ là đau dạ dày hoặc mệt mỏi thông thường nên đã bỏ lỡ “giờ vàng”, khiến hậu quả trở nên nghiêm trọng hơn.
Bác sĩ khuyến cáo, ngay khi xuất hiện triệu chứng bất thường, đặc biệt là cảm giác đau thắt ngực kèm khó thở, người bệnh cần dừng mọi hoạt động, giữ cơ thể ở tư thế nghỉ ngơi và gọi cấp cứu ngay. Việc tự lái xe hoặc chần chừ có thể khiến cơ hội sống sót bị rút ngắn nghiêm trọng.
Trường hợp của ông C. là ví dụ điển hình cho việc phát hiện sớm và xử trí đúng cách có thể làm thay đổi hoàn toàn tiên lượng bệnh. Hiện tại, sức khỏe ông C. đã ổn định, ông có thể đi lại, hít thở nhẹ nhàng và không còn triệu chứng đau ngực.
Thời báo VTV đưa tin, Bệnh viện 22-12 (Khánh Hòa) vừa tiếp nhận trường hợp bệnh nhân N.T. (SN 1970) đến khám vì tổn thương lâu lành ở ngón I bàn chân trái kéo dài suốt một tháng. Dù đã thay băng và điều trị tại cơ sở y tế tuyến dưới, vết thương không cải thiện, thậm chí có dấu hiệu nhiễm trùng nặng như sưng nề, tiết dịch và mùi hôi.
Kết quả siêu âm cho thấy bệnh nhân bị đứt bán phần gân gấp ngón I, mô mềm quanh vùng tổn thương phù nề và có dịch trong bao hoạt dịch. Trước diễn tiến vết thương chậm lành, các bác sĩ chỉ định làm thêm xét nghiệm máu.
Kết quả cho thấy chỉ số đường huyết tăng cao bất thường, HbA1c vượt ngưỡng, từ đó chẩn đoán bệnh nhân mắc đái tháo đường type 2 – nguyên nhân chính khiến vết thương không liền.
Sau khi hội chẩn liên khoa, các bác sĩ tiến hành kiểm soát đường huyết bằng thuốc và chế độ dinh dưỡng phù hợp. Khi đường huyết đạt ngưỡng an toàn, bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật lần 1, cắt lọc mô hoại tử và bảo tồn tối đa gân gấp để duy trì chức năng vận động.
Sau 8 ngày chăm sóc tích cực, mô hạt lên tốt, phản ứng viêm giảm rõ rệt, bệnh nhân tiếp tục được mổ lần 2 để đóng vết thương. Kết quả điều trị thuận lợi, bệnh nhân được xuất viện với chức năng vận động ổn định.
Người bệnh đi khám vì tổn thương lâu lành ở ngón I bàn chân trái kéo dài suốt một tháng. Ảnh: Thời báo VTV
ThS.BS Nguyễn Văn Tâm - người trực tiếp điều trị cho biết: "Nhiều bệnh nhân đến viện vì vết thương nhỏ nhưng qua đó mới phát hiện mắc đái tháo đường. Đây là bệnh lý diễn tiến âm thầm nhưng có thể gây biến chứng nghiêm trọng tại chi nếu không kiểm soát tốt”.
Qua trường hợp này, các bác sĩ khuyến cáo, người dân cần kiểm tra đường huyết định kỳ, đặc biệt ở người trên 40 tuổi, thừa cân, ít vận động hoặc có tiền sử gia đình. Đồng thời, không chủ quan với các vết thương bàn chân lâu lành. Khi có dấu hiệu loét, sưng, đau, cần đến cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám và điều trị kịp thời.