Theo VietnamPlus, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương thông tin, các bác sĩ của bệnh viện vừa tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhân nữ N.T.Q (78 tuổi, ở Bắc Giang, nay là Bắc Ninh) trong tình trạng viêm mô bào nặng vùng mặt, trán và đỉnh đầu do vi khuẩn tụ cầu vàng. Các vùng tổn thương sưng nề, đỏ, chảy mủ, kèm theo nhiễm khuẩn huyết.
Bệnh nhân có tiền sử hen phế quản, thường xuyên tự ý sử dụng corticoid kéo dài mà không theo chỉ định y tế. Ngoài ra, bệnh nhân từng bị tai biến liệt nửa người trái cách đây2 năm và đang điều trị tăng huyết áp, tuy nhiên không rõ loại thuốc đang dùng.
Người nhà của bệnh nhân cho hay, khoảng 20 ngày trước khi nhập viện, bà Q. xuất hiện các phỏng nước thành chùm trên nền da đỏ rát ở vùng mặt và đỉnh đầu. Bà được điều trị tại bệnh viện tuyến dưới trong 7 ngày nhưng tình trạng không cải thiện, tổn thương lan rộng, sưng nề nặng và chảy mủ nên được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
Bác sĩ thăm khám và điều trị cho người bệnh. Ảnh: VietnamPlus
Bác sĩ Nguyễn Hồng Long - Phó trưởng khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp cho biết bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nhiễm trùng nặng sau khi bị zona thần kinh do không được phát hiện và điều trị kịp thời, dẫn đến viêm mô bào lan rộng vùng mặt và da đầu. Hình ảnh chụp CT sọ não có nghi ngờ viêm xương.
Sau 7 ngày điều trị tích cực, tình trạng nhiễm trùng được kiểm soát. Tuy nhiên, vùng da đầu bị hoại tử diện rộng, buộc phải phẫu thuật cắt lọc mô hoại tử và đặt hệ thống hút áp lực âm để làm sạch tổn thương.
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Linh - Chuyên khoa Tạo hình thẩm mỹ cho biết, zona thần kinh vùng da đầu mang tóc là thể bệnh khá hiếm gặp. Trong trường hợp này, bệnh nhân cao tuổi, suy giảm miễn dịch do dùng corticoid kéo dài khiến tổn thương lan rộng và nghiêm trọng.
Với bệnh nhân trên, vi khuẩn tụ cầu vàng đã xâm nhập sâu vào lớp mô dưới da, gây hoại tử toàn bộ cân Galea (là một lớp gân nằm dưới da đầu, giữa lớp mô liên kết dưới da và lớp màng xương sọ) và lớp mỡ vùng đầu. Vùng da đầu bị tổn khuyết có kích thước khoảng 7x10cm, trong khi vùng cân mỡ hoại tử lan rộng gần một nửa chu vi đầu, kèm theo nhiều mủ và giả mạc.
Đây là một ca nhiễm khuẩn tụ cầu vàng vùng đầu rất phức tạp, với mức độ hoại tử lớn và nguy cơ viêm lan vào xương sọ, thậm chí lan tới nhu mô não, nếu không được xử lý kịp thời.
Bệnh nhân sau đó được tiến hành phẫu thuật cắt lọc toàn bộ mô hoại tử, đồng thời đặt hệ thống hút áp lực âm giúp loại bỏ dịch bẩn, mô hoại tử, vi khuẩn, giúp làm sạch ổ viêm và kích thích hình thành mô hạt mới. Sau 1-2 tuần điều trị bằng hệ thống này, khi ổ viêm được kiểm soát, các bác sĩ mới tiến hành tạo hình phần da đầu bị khuyết để phục hồi tổn thương.
Theo bác sĩ Linh, nguyên nhân chính khiến bệnh nhân hoại tử nặng là do điều trị zona quá muộn, cộng với tình trạng suy giảm miễn dịch do sử dụng corticoid kéo dài. Đây là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn xâm nhập, gây biến chứng nguy hiểm. Sau quá trình điều trị tích cực, tình trạng nhiễm trùng đã được khống chế, các tổn thương trên da đầu đang hồi phục tốt.
Bác sĩ Nguyễn Nguyên Huyền - Giám đốc Trung tâm Phòng chống dịch (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) khuyến cáo người từ 50 tuổi trở lên, đặc biệt những người có bệnh nền hoặc hệ miễn dịch suy yếu, nên chủ động tiêm vaccine phòng zona. Loại vaccine này không chỉ giúp giảm nguy cơ mắc bệnh mà còn làm nhẹ mức độ triệu chứng nếu không may nhiễm phải. Đây là một biện pháp chủ động, hiệu quả giúp người lớn tuổi bảo vệ sức khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Bác sĩ Huyền cũng nhấn mạnh, khi xuất hiện các dấu hiệu ban đầu như đau rát, nổi mẩn đỏ hoặc mụn nước trên da, người bệnh cần đi khám sớm để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh nguy cơ biến chứng nặng nề như hoại tử, nhiễm khuẩn huyết hoặc tổn thương thần kinh kéo dài.
Theo VTC News, bé trai 4 tháng tuổi, trú tại phường Hoàng Liệt (Hà Nội) được xác định dương tính với virus viêm não Nhật Bản qua xét nghiệm dịch não tủy tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Trẻ khởi phát bệnh từ ngày 4/7 với biểu hiện sốt 38 độ C, co giật tay.
Đây là ca bệnh viêm não Nhật Bản đầu tiên ghi nhận tại Hà Nội trong năm nay. So với cùng kỳ năm ngoái, số ca mắc giảm một trường hợp.
Viêm não Nhật Bản là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus cùng tên gây ra, lây truyền qua muỗi đốt, chủ yếu là muỗi Culex. Biểu hiện bệnh thường dễ nhầm lẫn với cúm: sốt đột ngột 39-40 độ C, ớn lạnh, tiêu chảy, đau đầu, buồn nôn. Ở trẻ nhỏ, triệu chứng nặng hơn như quấy khóc bất thường, vật vã, mê sảng, co giật, rối loạn thần kinh thực vật.
Bệnh tiến triển nhanh và nguy hiểm. Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, việc can thiệp chủ yếu dựa vào hỗ trợ triệu chứng hạ sốt, chống phù não, duy trì hô hấp, cân bằng điện giải, dinh dưỡng. Nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời, bệnh có thể gây tử vong hoặc để lại nhiều di chứng nặng nề như rối loạn hành vi, liệt, mất thị lực, thính lực, suy giảm trí nhớ, khả năng ngôn ngữ.
Một nghiên cứu tại Bệnh viện Nhi Trung ương vào cuối năm 2023 cho thấy hơn 50% trẻ dưới 16 tuổi điều trị viêm não Nhật Bản gặp di chứng vận động và tinh thần, chủ yếu do nhập viện muộn, đã sốt trên 7 ngày hoặc suy hô hấp. Viêm não Nhật Bản hoàn toàn có thể phòng ngừa bằng vaccine.
VietNamNet đưa tin, mới đây, Trung tâm Đột quỵ - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ đã tiếp nhận một người đàn ông vào viện cấp cứu trong tình trạng hôn mê.
Ông Đ.V.Q. (52 tuổi, trú tại phường Nông Trang, tỉnh Phú Thọ) bất ngờ xuất hiện dấu hiệu khác thường khi đang uống rượu với bạn tại nhà. Người thân nhận thấy ông Q. dần mất dần ý thức, rơi vào trạng thái hôn mê nên lập tức gọi điện đến trạm y tế để được hỗ trợ.
Ngay khi tiếp nhận thông tin, cán bộ trạm y tế đã nhanh chóng kết nối với Trung tâm Đột quỵ - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ. Dưới sự hướng dẫn chuyên môn từ các bác sĩ, người bệnh được sơ cứu ban đầu và chuyển đến bệnh viện nhanh nhất trong thời gian “giờ vàng”.
Nam bệnh nhân được bác sĩ đánh giá sau can thiệp cấp cứu đột quỵ. Ảnh: VietNamNet
Qua thăm khám kết hợp các biện pháp chẩn đoán hình ảnh, các bác sĩ xác định người bệnh bị nhồi máu não do tắc động mạch não lớn. Nếu không xử trí kịp thời và đúng cách sẽ để lại di chứng rất nặng nề.
Ngay lập tức, ông Q. được chỉ định chụp mạch số hóa xóa nền kết hợp lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học. Nhờ được đưa đến bệnh viện trong “khung giờ vàng” và can thiệp kịp thời, sau 3 ngày, người bệnh đã hồi phục tốt, có thể tự đi lại, sinh hoạt bình thường.
Đột quỵ là nguyên nhân hàng đầu gây tàn tật ở người trưởng thành. Ngoài tổn thương não ban đầu, người bệnh còn có nguy cơ cao gặp phải các thương tật thứ cấp, làm trầm trọng thêm tình trạng sức khỏe và kéo dài quá trình phục hồi.
Người bệnh đột quỵ có thể được cứu sống và phục hồi tốt nếu cấp cứu trong “giờ vàng”. Vì vậy, Trung tâm đột quỵ khuyến cáo đưa bệnh nhân đi cấp cứu ngay khi phát hiện các dấu hiệu nghi ngờ đột quỵ như:
- Đột ngột méo miệng, liệt mặt.
- Yếu, liệt tay chân một bên.
- Nói khó, nói ngọng, không hiểu lời.
- Mất thăng bằng, chóng mặt dữ dội.
- Đột ngột mất thị lực, đau đầu dữ dội.