"Chiến binh săn tìm hành tinh" TESS của NASA, vốn đã nổi danh với việc khám phá hơn 6.000 thế giới ngoài hệ Mặt Trời, mới đây tiếp tục phát hiện hành tinh BD+05 4868 Ab trong một trạng thái giới khoa học chưa từng thấy.
Các nhà nghiên cứu từ Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) và Đại học bang Pennsylvania (Mỹ) đã gọi BD+05 4868 Ab là "hành tinh bất hạnh". Hành tinh này đang bị tan rã với tốc độ chóng mặt trong cuộc chiến không cân sức với chính ngôi sao mẹ của nó. Cứ mỗi 1 triệu năm, nó lại mất đi khối lượng tương đương Mặt Trăng.
"Thợ săn hành tinh" TESS phát hiện "hành tinh bất hạnh" nhất vũ trụ. Ảnh minh họa: Getty Images
"Hành tinh bất hạnh" quay quanh ngôi sao mang tên BD+05 4868 A nằm cách chúng ta 141 năm ánh sáng, với chu kỳ chỉ 30,5 giờ. Nó xuất hiện với chiếc đuôi bụi khổng lồ, chiều dài lên tới 9 triệu km, trải dài trên một nửa quỹ đạo của hành tinh quanh sao mẹ.
Đuôi của BD+05 4868 Ab lớn và dày đặc đến mức khi nó đi qua bề mặt của ngôi sao, nó chặn 1% ánh sáng của ngôi sao. Điều đặc biệt là vệt bụi của BD+05 4868 Ab được chia thành hai phần riêng biệt. Một phần đi trước hành tinh trên quỹ đạo, gồm các hạt cỡ cát sa mạc, phần còn lại theo sau hành tinh gồm các hạt mịn hơn như bồ hóng.
Hiện "hành tinh bất hạnh" này chỉ có khối lượng tương đương với khối lượng của Mặt Trăng. Tốc độ mất vật chất như vậy đồng nghĩa với việc nó sẽ sớm biến mất hoàn toàn. "Tốc độ bốc hơi là vô cùng thảm khốc, và chúng ta vô cùng may mắn khi được chứng kiến những giờ phút cuối cùng của hành tinh đang hấp hối này", TS Hon nói.
BD+05 4868 Ab là thế giới phân rã nhanh nhất trong các thế giới phân ra mà TESS của NASA tứng tìm thấy cho đến nay. Điều này có thể do nó có ngôi sao mẹ sáng hơn nhiều so với các hành tinh phân rã còn lại.