Thầy Phạm Quốc Đạt (giáo viên trường THPT Võ Trường Toản, quận 12, TPHCM) bị đình chỉ công tác giảng dạy, chuyển sang làm văn phòng vì cho học sinh tái hiện một số cảnh nhạy cảm khi sân khấu hóa tác phẩm văn học.
Chiều 28/3, trao đổi trên tờ Zing.vn, thầy Phạm Quốc Đạt, nhân viên trường THPT Võ Trường Toản (TP.HCM), tỏ ra bất bình vì quyết định kỷ luật cảnh cáo, đình chỉ công tác giảng dạy kiêm chủ nhiệm của ông.
Quyết định kỷ luật xuất phát từ việc thầy giáo này cho học sinh tái hiện một số cảnh nhạy cảm khi sân khấu hóa các tác phẩm văn học "Bỉ vỏ", "Quan Âm Thị Kính", "Số Đỏ" và nhận được những bình luận trái chiều.
Thầy Phạm Quốc Đạt - Ảnh: Plo.vn |
Cũng theo tờ Zing.vn, với các lý do sai phạm trong hoạt động chuyên môn dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm và uy tín người khác khi thực hiện hoạt động nghề nghiệp, ngày 21/1, hiệu trưởng trường THPT Võ Trường Toản đã ra quyết định số 01, xử lý kỷ luật thầy Đạt ở mức cảnh cáo, thời gian kỷ luật là 12 tháng.
Thầy Đạt còn bị đình chỉ công tác giảng dạy, chủ nhiệm, chuyển sang làm công tác kiêm nhiệm theo sự phân công của lãnh đạo nhà trường.
Không đồng ý với quyết định kỷ luật, thầy Phạm Quốc Đạt đã nộp đơn khiếu nại lên hiệu trưởng và Sở GD&ĐT TPHCM.
Ngày 6/3, ông Đạt nhận được các quyết định 1B thu hồi quyết định 01, và quyết định mới với nội dung xử lý kỷ luật ông Đạt ở mức cảnh cáo. Ông Đạt được giao nhiệm vụ trực thư viện trong vòng một năm.
Sau đó, thầy Phạm Quốc Đạt đã nhiều làm đơn kiến nghị hiệu trưởng để giải quyết nhiều vấn đề liên quan quyền lợi của mình nhưng trường không được giải quyết dứt điểm theo đúng nguyện vọng. Ngày 25/3, ông Đạt nộp đơn khởi kiện hiệu trưởng trường THPT Võ Trường Toản ra Tòa án Nhân dân quận 12.
Ông Đạt yêu cầu hiệu trưởng nhà trường tuyên hủy toàn bộ các quyết định nói trên, buộc nhà trường phải công khai xin lỗi mình trước tập thể giáo viên nhà trường, trên 3 số báo liên tiếp, bố trí quay trở lại giảng dạy, chủ nhiệm theo đúng chuyên môn,.
Cùng đó, ông yêu cầu nhà trường bồi thường số tiền gần 23 triệu đồng thiệt hại về mặt vật chất. Đồng thời, thầy giáo này cũng nộp đơn xin ra khỏi tổ chức Công đoàn cơ sở và Công đoàn ngành Giáo dục TPHCM. Ông cho rằng mình bị kỷ luật oan sai nhưng tổ chức Công đoàn thờ ơ, không có động thái quan tâm, chia sẻ.
Trước đó, theo Tiền Phong, sự việc xảy ra vào khoảng cuối năm 2018 tại trường THPT Võ Trường Toản, quận 12, TPHCM.
Theo đó, trong quá tình dạy học, thầy giáo Phạm Quốc Đạt đã cho học sinh lớp 11 đóng một số cảnh trong trích đoạn Quan Âm Thị Kính và Bỉ vỏ (Nguyên Hồng). Tuy nhiên, một số cảnh sân khấu hóa này bị phản ứng vì được cho là tái hiện “cảnh nóng”, vượt quá khuôn khổ của sự sáng tạo.
Cụ thể, đã có hai clip trong vở kịch này bị “rò rỉ” lên mạng. Cảnh sân khấu hóa này bị nhiều giáo viên trong trường phản đối, một số phụ huynh gửi đơn lên nhà trường.
Học sinh diễn kịch tái hiện tác phẩm văn học - Ảnh cắt từ clip VTV |
Tháng 1/2019, lãnh đạo trường ra quyết định kỷ luật giáo viên này vì nhiều lỗi, trong đó có nội dung là cho học sinh diễn kịch “không phù hợp với lứa tuổi”, “diễn những cảnh nhạy cảm”… Ông Đạt bị cảnh cáo, không được giảng dạy, làm chủ nhiệm trong thời gian 12 tháng, chuyển về làm công tác thư viện của nhà trường.
VnExpress dẫn lời ông Đạt cho biết, những tiết học trên diễn ra từ tháng 10/2018, khi ông còn đứng lớp. Các cảnh diễn trên được học sinh sáng tạo dựa trên hiệu ứng từ chiếu bóng. Họ đứng sau tấm màn, dùng kỹ xảo để diễn tả hành động. "Tôi đứng sau tấm màn cùng các em và thấy học sinh không có sự đụng chạm xác thịt mà dùng các kỹ xảo, đồ vật để tạo các cảnh trên qua tấm màn", ông khẳng định.
Cũng theo ông Đạt, mỗi tác phẩm trên được tái hiện 12-15 phút với đầy đủ các phân đoạn, song chỉ những cảnh "nhạy cảm" trên được phân tách rồi chia sẻ, bàn luận trên mạng. "Phải nhìn những cảnh này ở góc độ nhân văn của các tác phẩm và sự sáng tạo của học sinh để hiểu qua đó các em học được gì", ông nói.
Giáo viên này cũng thừa nhận có sự sai sót trong khâu tổ chức sân khấu hóa khi chỉ duyệt kịch bản, những cảnh đóng thì học sinh giữ bí mật để tạo bất ngờ nên không kiểm soát. Những người không chứng kiến và hiểu quá trình diễn kịch như nhiều giáo viên khác, phụ huynh đã có những phản ứng.
Một số học sinh tham gia các vở kịch trên xác nhận không có sự va chạm xác thịt trong quá trình diễn. Họ cũng ủng hộ việc đổi mới trong dạy Văn như cách thầy Đạt, không khiến tiết học trở nên nhàm chán.
Cự Giải (T/h)