Dòng xe tăng T-72B3 giúp Việt Nam hạ gục đối thủ, giành chiến thắng tại Tank Biathlon 2020 được đánh giá có thể lập các kỷ lục tốc độ khi được lái bởi các kíp điều khiển giỏi.
Đối tuyển Việt Nam chiến thắng tại Tank Biathlon 2020. Ảnh: Quân đội Nhân dân |
Tối ngày 4/9, Ban tổ chức và ban trọng tài Tank Biathlon công bố kết quả chính thức trận chung kết Bảng 2. Vài giờ sau trận đấu tại ngoại ô Moskva của Nga trên thao trường Alabino.
Theo kết quả được các trọng tài nhất trí, Việt Nam bị cộng thêm 5 giây vào kết quả thi đấu và giành chức vô địch Bảng 2 với tổng thời gian 2 giờ 12 phút 47 giây, hạ được 13/24 bia mục tiêu.
Đội Lào không bị cộng thêm thời gian, xếp thứ nhì với tổng thời gian 2 giờ 22 phút 47 giây và bắn trúng 11/24 mục tiêu. Tajikistan xếp hạng ba với thành tích 2 giờ 32 phút 37 giây, hạ 2/24 bia, còn Myanmar xếp thứ tư với kết quả 2 giờ 35 phút 14 giây và bắn trúng 5/24 mục tiêu.
Việt Nam là nước duy nhất trong số 4 quốc gia thi đấu chung kết không biên chế tăng chủ lực T-72, chiếc xe tăng mà đội tuyển Việt Nam sử dụng thi đấu chiều 4/9 là xe T-72B3, phiên bản nâng cấp mới nhất của T-72.
Đây là thành tích đáng tự hào của đội tuyển Việt Nam, bởi đây mới là lần thứ ba các chiến sĩ Việt Nam thi đấu tại giải đua tăng quốc tế tầm cỡ như vậy.
Xe tăng T-72B3 của đội tuyển Xe tăng QĐND Việt Nam tại Army Games 2020. Ảnh: Quân đội Nhân dân |
Được biết, phiên bản xe tăng T-72B3 được trang bị động cơ diesel tăng áp V-84-1 công suất 840 mã lực, đạt tỷ lệ công suất động cơ trên tổng trọng lượng 43 tấn là 1/19. Tỷ số này kết hợp với hệ thống hộp số tự động 8 cấp (7 số tiến và 1 số lùi) và hệ thống treo tối ưu cho hoạt động ở địa hình phức tạp chính là những yếu tố giúp xe tăng T-72B3 thực sự giống một chiếc xe đua hơn là xe tăng.
Ở phiên bản nâng cấp mới nhất T-72B3 mod 2017, động cơ V-84-1 được thay thế bằng động cơ V-92S2F công suất 1.130 mã lực, giúp nó có khả năng cơ động và đạt tốc độ cao hơn.
Đây có thể coi là yếu tố giúp giải thích tại sao xe tăng T-72B3 lại có thể lập các kỷ lục về tốc độ khi được điều khiển bởi các kíp điều khiển dày dạn kinh nghiệm và thuần thục trong thao tác.
Bên cạnh đó, xe tăng T-72B3 còn được cải thiện đáng kể về hỏa lực và vỏ giáp bảo vệ so với các phiên bản tiền nhiệm. Dù vẫn dùng pháo chính cỡ 125mm nhưng T-72B3 đã có thể sử dụng các loại đạn pháo tăng thế hệ mới vốn được trang bị cho dòng xe tăng T-90.
Đáng kể nhất là các loại tên lửa chống tăng bắn qua nòng pháo chính như 9M119 Svir hoặc 9M119M Refleks, giúp mở rộng tầm bắn lên tới 5-6km.
Nhìn tổng thể, xe tăng T-72B3 có thể coi là người kế thừa xứng đáng di sản về tư duy và chiến thuật tác chiến của xe tăng cơ động cao Liên Xô với những nâng cấp để phù hợp với điều kiện tác chiến mới.
Thủy Tiên (T/h)