(ĐSPL) - Hanoimilk sắp bị một đại gia ngoại tầm cỡ thâu tóm là tin tức rộ lên trong mấy ngày gần đây. Sự thật ở đây là gì?
Trang báo nông nghiệp của Indonesia Asian-agribiz đưa tin, công ty thực phẩm Tiga Pilar Sejahtera Food (AISA) của nước này đang thương thảo việc mua cổ phần Hanoimilk.
Ông Sjambiri Lioe - Giám đốc tài chính của công ty AISA cũng cho biết cuộc đàm phán với phía đối tác là Công ty CP sữa Hà Nội (Hanoimilk) sẽ được hoàn thiện trong thời gian ngắn sắp tới. Động thái thâu tóm cổ phần Hanoimilk này của AISA diễn ra sau khi công ty công bố kế hoạch đầu tư 80 triệu USD để mua cổ phần trong các doanh nghiệp thực phẩm của Việt Nam, Malaysia trong năm nay nhằm mở rộng thị trường kinh doanh.
Ngay sau khi xuất hiện, thông tin này đã được các diễn đàn chuyên chứng khoán Việt Nam dẫn lại khiến dư luận xôn xao.
Tuy nhiên, ông Hà Quang Tuấn - Chủ tịch Công ty Cổ phần Sữa Hà Nội (Hanoimilk - HNM) khẳng định phía doanh nghiệp chưa có bất kỳ thông tin chính thức gì về thương vụ này. "Đây mới chỉ là những lời đồn trên báo chí nước ngoài, diễn đàn", ông Tuấn nhấn mạnh.
Hanoimilk là doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán Hà Nội. Cổ phiếu của Hanoimilk đóng cửa phiên 12/2/2015 với giá 12.900 VND, tăng 2,4\%.
Chiếc Phao của Hanoimilk
Việc được AISA để ý tới có thể là một tin vui dành cho Chủ tịch Hà Quang Tuấn của Hanoimilk, nhất là khi kết quả kinh doanh của doanh nghiệp này có dấu hiệu đi xuống trong các năm gần đây. Cụ thể, doanh thu thuần năm 2014 của Công ty giảm 5\% so với năm trước, khi chỉ đạt 222 tỉ đồng, trong khi lợi nhuận ròng còn thê thảm hơn khi giảm từ mức 3 tỉ đồng xuống còn 161 triệu đồng. Lợi nhuận trên một cổ phiếu (EPS) của Hanoimilk chỉ đạt 13 đồng/cổ phiếu.
Rõ ràng, so với những ông lớn nội địa khác trong ngành kinh doanh sữa của Việt Nam như Vinamilk hay TH Milk, doanh thu và lợi nhuận của Hanoimilk thật sự khiêm tốn. Thậm chí nếu so với đối thủ vừa sức hơn trên thị trường là Công ty Sữa Quốc tế (IDP), doanh thu của Hanoimilk trong năm ngoái cũng thấp hơn đến 7 lần.
Thành lập từ năm 2001, Hanoimilk đã có chuỗi ngày thành công vang dội. Thậm chí, Hanoimilk liên tục nằm trong Top 3 các công ty sữa lớn nhất Việt Nam. Sản phẩm giúp Hanoimilk gặt hái nhiều thành công chính là IZZI. Có thời kỳ, IZZI “làm mưa, làm gió” trên thị trường với TVC ấn tượng.
Thành lập từ năm 2001, Hanoimilk đã có chuỗi ngày thành công vang dội. Thậm chí, Hanoimilk liên tục nằm trong Top 3 các công ty sữa lớn nhất Việt Nam. |
|
Tuy nhiên, chuỗi thành công vang dội tạm chấm dứt cho tới cuối năm 2008. Tại thời điểm này, “cơn bão melamine” tràn vào Việt Nam, Hanoimilk trở thành tâm bão và chịu ảnh hưởng nặng nề. Người tiêu dùng mất niềm tin vào thương hiệu Hanoimilk, doanh thu sụt giảm, sản phẩm bị thu hồi hàng loạt… Công ty đã phải đối mặt với rất nhiều khó khăn thách thức.
Năm 2008, Hanoimilk lỗ 37,7 tỷ đồng. Năm 2009, công ty này có lãi dù khiêm tốn. Lợi nhuận sau thuế 2009 là 12,8 tỷ đồng. Tới năm 2010, Hanoimilk lại lỗ 22,7 tỷ đồng. Tình hình được cải thiện khi Hanoimilk lãi 2,1 tỷ đồng trong năm 2011. Năm 2012, lợi nhuận sau thuế của công ty là 1,22 tỷ đồng. Hanoimilk thoát lỗ nhờ có lợi nhuận khác lên tới 12,6 tỷ đồng. Nếu không có khoản này, số lỗ của Hanoimilk sẽ là không nhỏ. Quý 1/2013, Hanoimilk báo lỗ ròng trước thuế là 1,3 tỷ đồng. Đây là quý lỗ thứ 6 trong 11 quý gần nhất.
Nhìn vào chuỗi kết quả kinh doanh từ năm 2008 của Hanoimilk có thể thấy, công ty hoạt động khá bấp bênh, không ổn định.
Nhiều người đổ lỗi “cơn bão melamine” khiến hoạt động của Hanoimilk đi xuống. Tuy nhiên, sự thực không hẳn như vậy. Chính đầu tư dàn trải góp “công lớn” khiến ông lớn ngành sữa không ngừng đi xuống.
Hanoimilk đầu tư vào rất nhiều lĩnh vực như bất động sản, ô tô, siêu thị, chứng khoán,… Đầu tư vào lĩnh vực “nóng” trong khi thiếu hiểu biết về các lĩnh vực này nên Hanoimilk nhận trái đắng.
Vì thế, trả lời trước truyền thông mới đây, Chủ tịch Hà Quang Tuấn đã tỏ ra luyến tiếc về một thời đã qua và tỏ ra quyết tâm: “Chúng tôi sẽ cố gắng tìm lại ngôi vị của mình dù biết rất khó khăn”.
Theo đó, chiến lược mới của Hanoimilk là trở thành một trong những công ty sữa hàng đầu, đặc biệt là sữa cho trẻ em với sản phẩm chủ lực là Izzi. Ngoài ra, Hanoimilk cũng xác định xây dựng chiến lược phát triển thương hiệu, phát triển doanh nghiệp lâu dài bằng cách tập trung vào chất lượng.
Doanh nghiệp này cũng nỗ lực gầy dựng đàn bò sữa cho riêng mình với dự án có quy mô 2.000 con tại Mê Linh (Hà Nội). Giai đoạn đầu cần 180 tỉ đồng để nuôi 1.000 con, giai đoạn 2 sẽ tốn 200 tỉ đồng để nuôi thêm 1.000 con. Nhưng có thể thấy quy mô đàn bò của Hanoimilk vẫn rất khiêm tốn nếu so với kế hoạch phát triển đàn bò lên tới hàng chục hay thậm chí hàng trăm ngàn con của các doanh nghiệp khác trong ngành.
Có lẽ thực lực và tiềm năng của Hanoimilk là đáng kể, nhưng điều mà doanh nghiệp này còn thiếu là tiền. Nếu có tiền, Hanoimilk có thể mạnh dạn đầu tư vào đàn bò, hệ thống phân phối, mở rộng thị trường và đặc biệt là quảng bá sản phẩm. Vì thế, việc AISA tham gia sẽ có thể là một sự hỗ trợ lớn cho Chủ tịch Hà Quang Tuấn.
Nhà phân tích Janni Asman của Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng Securities Indonesia cho biết AISA là một trong những nhà sản xuất bánh quy lớn nhất nước này với thương hiệu Taro (mua lại từ Unilever vào năm 2011).
“Công nghiệp bánh quy được kỳ vọng sẽ tăng trưởng nhanh nhờ vào tốc độ cải thiện thu nhập của Indonesia”, Janni Asman nói. Thêm vào đó, AISA cũng là đơn vị nắm giữ thị phần lớn nhất trên lĩnh vực mì gói và gạo với 21\% thị phần ở Indonesia.
Ngoài 2 hoạt động chế biến thực phẩm và gạo, AISA còn có trang trại trồng dầu cọ. Doanh thu năm 2013 của công ty này lên tới 390,2 triệu USD, lợi nhuận ròng vào khoảng 33,3 triệu USD. Tổng tài sản của Tiga Pilar là 413,1 triệu USD.
Theo đánh giá của Quỹ Đầu tư VOF (VinaCapital), tiềm năng của thị trường sữa Việt Nam còn rất lớn khi mức tiêu thụ mới chỉ đạt 14 lít/người/năm, bằng một nửa so với mức bình quân của khu vực. Cuối năm 2014, Quỹ VOF đã cùng với Daiwa PI Partners chi 45 triệu USD để mua 70\% cổ phần của IDP.
Nhờ sự tham gia mạnh mẽ của các nhà đầu tư mới có tiềm lực, IDP đặt kế hoạch tăng trưởng lên tới 50\% trong năm nay và 25\%/năm cho 3 năm tiếp theo. Một doanh nghiệp khác trong ngành là TH Milk cũng đã nhanh tay chộp lấy Dalat Milk để mở rộng quy mô đàn bò.
Chắc chắn, sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường sữa Việt Nam sẽ là bài toán khó cho các doanh nghiệp nhỏ như Hanoimilk. Nhưng có lẽ việc thành lập cộng đồng kinh tế chung ASEAN vào cuối năm nay sẽ mở ra cơ hội lớn cho Hanoimilk, khi họ có thể tiếp cận với thị trường 600 triệu dân của 10 quốc gia trong khu vực. Việc hợp tác với AISA để vừa mở rộng hệ thống tại Việt Nam vừa bán sản phẩm sang Indonesia, nếu xảy ra, sẽ là sự hỗ trợ rất lớn cho Hanoimilk.
Trong những năm gần đây, Indonesia, với dân số 300 triệu người- gấp 3 lần Việt Nam, đã có sự tăng trưởng 5\%/năm đối với nhu cầu về sản phẩm sữa. Quốc gia này cũng đang đối mặt với tình trạng thiếu những trang trại bò sữa lớn do phần lớn bò sữa tại nước này thuộc các hộ chăn nuôi cá thể.
Các nhà phân tích cho rằng sau khi mua lại công ty, AISA sẽ phân phối sản phẩm tại thị trường Indonesia, dự kiến thu về 18,8-23,5 triệu USD lợi nhuận hàng năm. Indonesia hiện cũng đang chứng kiến sự tăng trưởng 5\% mỗi năm về nhu cầu sữa.
Có thể thấy, nếu sự tham gia của AISA vào Hanoimilk trở thành sự thật, thị trường sữa Việt Nam sẽ tiếp tục nóng với việc mở rộng đầu tư của rất nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Đây không phải là lần đầu tiên nhà đầu tư nước ngoài tỏ ý quan tâm đến DN sữa Việt Nam. Mới đây, ngày 18-12, Quỹ VinaCapital Vietnam Opportunity (VOF) và Daiwa PI Partners đã chính thức công bố việc đầu tư 45 triệu USD, tương ứng 70\% vào Công ty Sữa Quốc Tế (IDP), DN sở hữu các thương hiệu sữa Ba Vì, Love’ in Farm và Love’in Farm KUN. F&N Dairy Investments Pte Ltd năm 2014 cũng gia tăng sở hữu tại CTCP Sữa Việt Nam và trở thành cổ đông lớn thứ hai sau SCIC. |
AN NHIÊN (Tổng hợp)