Thay vì lối tư duy quản lý mang tính áp đặt "không quản được thì cấm," Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT (Thông tư 29) của Bộ GD&ĐT đã thể hiện một cách tiếp cận hoàn toàn mới, hướng đến mục tiêu cao cả hơn: không phủ nhận hoàn toàn hoạt động dạy thêm, học thêm, nhưng phải kiến tạo một môi trường giáo dục bổ trợ này tuân thủ theo những điều kiện chặt chẽ và minh bạch. Nói một cách cụ thể hơn, Thông tư này chủ trương loại bỏ những hình thức dạy thêm tiêu cực, không mang lại lợi ích thực sự cho người học, đồng thời tạo điều kiện cho những hoạt động dạy thêm chính quy, tuân thủ đúng các quy định của pháp luật, báo Tuổi trẻ Online đưa tin.
Để hiện thực hóa mục tiêu trên, Thông tư 29 đã đưa ra những thay đổi đáng kể so với các quy định trước đây. Một trong những thay đổi quan trọng nhất là việc cấm tuyệt đối việc tổ chức dạy thêm đối với học sinh tiểu học, ngoại trừ các hoạt động bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, và rèn luyện kỹ năng sống – những lĩnh vực giúp các em phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần.
Đối với các trường từ THCS trở lên, Thông tư cho phép tổ chức dạy thêm trong khuôn viên nhà trường cho ba nhóm đối tượng học sinh: những em chưa đạt yêu cầu học tập, những em học sinh giỏi có nhu cầu bồi dưỡng nâng cao, và những em học sinh đang trong giai đoạn ôn thi cuối cấp. Tuy nhiên, một điểm nhấn quan trọng là việc dạy thêm cho các đối tượng này phải được thực hiện hoàn toàn miễn phí, không được phép thu tiền của phụ huynh. Hoạt động dạy thêm, học thêm bên ngoài nhà trường cũng được quản lý chặt chẽ, yêu cầu tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của pháp luật.
Thông tư 29 mở ra cơ hội cho các tổ chức, cá nhân (ngoại trừ cán bộ, giáo viên đang công tác tại các cơ sở giáo dục công lập) được phép tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường, nhưng phải đăng ký kinh doanh theo quy định của Luật Doanh nghiệp, đồng thời thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đóng thuế theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, các tổ chức, cá nhân này còn phải tuân thủ các quy định về công khai thông tin, bao gồm: danh sách các môn học được dạy thêm, thời lượng dạy thêm cho từng môn và từng khối lớp, địa điểm và thời gian dạy thêm, danh sách đội ngũ giáo viên tham gia dạy thêm, và mức phí mà người học phải nộp.
Giáo viên đang công tác tại các trường học có thể đăng ký dạy thêm tại các cơ sở đã được cấp phép, nhưng phải báo cáo đầy đủ với hiệu trưởng nhà trường về môn học, địa điểm, hình thức, và thời gian tham gia dạy thêm.
Thay vì lối tư duy quản lý mang tính áp đặt "không quản được thì cấm," Thông tư 29 đã thể hiện một cách tiếp cận hoàn toàn mới Ảnh minh họa
Một điểm nhấn quan trọng khác của Thông tư là việc nghiêm cấm giáo viên đang trực tiếp giảng dạy tại các trường học tổ chức dạy thêm có thu tiền đối với chính những học sinh mà họ đang được phân công giảng dạy theo kế hoạch giáo dục của nhà trường. Điều này nhằm đảm bảo tính công bằng và minh bạch trong giáo dục.
Thông qua việc ban hành Thông tư mới, Bộ GD&ĐT đã thể hiện rõ quan điểm: việc giám sát hoạt động dạy thêm, học thêm không chỉ là trách nhiệm của ngành giáo dục hay chính quyền địa phương, mà còn cần sự tham gia giám sát của toàn dân, đặc biệt là từ chính học sinh và phụ huynh học sinh, dựa trên những quy định đã được ban hành.
Bởi lẽ, hoạt động dạy thêm, học thêm có tác động trực tiếp đến quyền lợi của người học. Người học có quyền tự do lựa chọn và chi trả cho việc học thêm ngoài nhà trường nếu họ cảm thấy thực sự cần thiết, hiệu quả, và tương xứng với số tiền học phí đã bỏ ra.
So với Thông tư 17 (được ban hành từ năm 2012) quy định về dạy thêm, học thêm, Thông tư mới thể hiện một quan điểm mạnh mẽ và dứt khoát hơn trong việc quản lý và định hướng hoạt động này, hướng tới một môi trường giáo dục lành mạnh và công bằng.
Tờ Tuổi trẻ Online cũng dẫn lời một số chuyên gia giáo dục từng tham gia xây dựng văn bản hoặc góp ý cho vấn đề quản lý dạy thêm, học thêm nhiều thập niên qua thì đây là vấn đề rất phức tạp, ổn điểm này nhưng có thể lại bất lợi ở điểm kia vì đụng chạm đến nhiều quyền lợi, nhu cầu xã hội. Đó chính là điều khiến cho chuyện dạy thêm, học thêm tiêu cực khó giải quyết. Muốn bước ra khỏi sự bùng nhùng này, cần dứt khoát lựa chọn một đối tượng ưu tiên bảo vệ.
Và ở văn bản mới của bộ, lựa chọn nghiêng về người học. Trong khi đó, đối tượng sẽ bị ảnh hưởng (về quyền lợi) và phải điều chỉnh nhiều là các nhà trường là giáo viên. Việc này sẽ cần một thời gian dài để thay đổi.
Mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa có công điện về tăng cường chỉ đạo công tác tuyển sinh THCS, THPT và quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm gửi Bộ trưởng Bộ GD&ĐT và chủ tịch UBND các tỉnh, thành.
Công điện của Thủ tướng nêu, trong thời gian qua, công tác tuyển sinh THCS, THPT và quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm ở một số địa phương còn bất cập, chưa kịp thời xử lý, ảnh hưởng đến các hoạt động dạy và học tại cơ sở giáo dục phổ thông, tạo dư luận không tốt trong xã hội.
Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp và chịu trách nhiệm toàn diện về công tác tuyển sinh THCS, THPT và quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn.
Trong đó, Thủ tướng yêu cầu hoàn thành việc công bố phương án tuyển sinh THCS, THPT năm học 2025-2026 trong tháng 2/2025 để học sinh, giáo viên và các nhà trường, cơ sở giáo dục phổ thông chủ động chuẩn bị cho công tác tuyển sinh.
Thủ tướng Chính phủ đề nghị xử lý nghiêm trường hợp vi phạm dạy thêm, học thêm. Ảnh minh họa
Bên cạnh đó, bố trí nguồn ngân sách của địa phương và tăng cường huy động nguồn lực xã hội hóa xây dựng đủ trường, lớp và bảo đảm chất lượng để mọi học sinh trong độ tuổi phổ cập giáo dục được đến trường, giảm áp lực trong tuyển sinh, nhất là ở các thành phố lớn, kiên quyết không để học sinh trong độ tuổi phổ cập giáo dục không được đến trường...
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ trưởng Bộ GD&ĐT chỉ đạo, đôn đốc các địa phương hướng dẫn nhà trường, cơ sở giáo dục phổ thông thực hiện nghiêm túc quy chế tuyển sinh THCS và THPT; quy định về dạy thêm, học thêm đã được Bộ ban hành; Đồng thời, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy chế tuyển sinh THCS và THPT; quy định về dạy thêm, học thêm; yêu cầu xử lý nghiêm và công khai các trường hợp sai phạm.
Bộ cũng cần chủ động, thường xuyên rà soát, nắm bắt thông tin để kịp thời sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện quy chế tuyển sinh THCS, THPT; quy định về dạy thêm, học thêm.