Công việc nặng nhọc, cộng thêm nhiều cạm bẫy khi môi trường làm việc toàn đàn ông, nhưng những nữ phụ xây vẫn phải tìm cách bám trụ, bởi trên vai họ còn gánh nặng gia đình, tương lai con cái.
Làm công việc không dành cho phụ nữ
Chúng tôi đến thăm công trình xây dựng nhà ở cá nhân tại khu Đền Lừ, quận Hoàng Mai vào đúng thời điểm Hà Nội đang trong những ngày nắng nóng lên tới gần 40 độ C. Dưới cái nắng gay gắt, khi những thợ xây chính đang ghép giáo đổ ô cầu thang máy, thì có một người phụ nữ cũng tất tả khuân những mảnh gỗ ghép với dáng vẻ nặng nhọc.
Từ 5h sáng chị Trang đã phải dậy nấu cơm cho nhóm thợ, xong xuôi tầm 6h thì ra công trường làm việc. |
Kéo chiếc khăn bịt mặt đã ướt đẫm mồ hôi, khuôn mặt đỏ bừng vì nắng nóng, chị Nguyễn Thị Trang (39 tuổi), quê Lạc Sơn, Hòa Bình chia sẻ về công việc phụ xây của mình: “Hai vợ chồng tôi đều làm nông, thu nhập từ mấy sào ruộng không đủ ăn, còn phải lo tiền cho các con đi học. Nên cứ xong việc đồng áng là chúng tôi phải đi xin làm phụ xây để có tiền nuôi con.
Tôi làm việc này được 5 năm rồi. Phụ xây vất vả lắm, phải làm tất cả các việc từ đảo vữa, xách vữa, khuân vác gạch, xúc cát, tời nguyên vật liệu lên các tầng rồi đến dọn dẹp, nấu cơm cho mọi người. Lượng công việc khiến tôi ít khi được ngơi tay. Nhiều lúc ông thợ này đang sai đi lấy cái búa, ông thợ kia lại gọi xách vữa, cứ quay như chong chóng, không nhanh là dễ bị cáu gắt. Xong việc ở công trường, thợ chính được nghỉ ngơi tắm giặt, còn mình lại tất bật lo cơm nước cho mọi người”.
Chị Trang cho biết, chị chấp nhận xa nhà, gửi hai đứa con đang học lớp 11 và lớp 7 cho bà nội chăm sóc, nhà cửa cũng phó mặc cho bà. Hàng tháng, chị về thăm các con một lần. Rồi chị lại tiếp tục nối gót chồng đi làm tại các công trình.
Trong nhóm thợ của chị có 11 người thì chỉ có chị là phụ nữ. Công việc hàng ngày của chị thường bắt đầu từ 5h sáng bằng việc nấu cơm cho mọi người trong tổ thợ. Từ 6h sáng đến 11h30 là thời gian làm việc tại công trường. Chị được nghỉ trước nhóm thợ 30 phút để chuẩn bị bữa trưa. Ăn vội bát cơm, lại trở ra công trường làm việc từ 1h đến 6h chiều, sau đó lại về lo bữa tối. Với lượng công việc cả ngày như vậy, tiền công của thợ phụ như chị Trang là 180.000 đồng/ngày.
Dãi dầu mưa nắng và gánh nặng mưu sinh khiến chị Trang già hơn cái tuổi 39 của mình rất nhiều. Vóc hình nhỏ bé tưởng chỉ cơn gió nhẹ cũng đủ xô ngã, nhưng đôi tay, đôi chân chị nhanh thoăn thoắt, bàn tay nhỏ xách những xô vữa lớn đi như chạy.
“Công việc gì làm mãi cũng thành quen, hồi mới đi làm, chân tay lóng ngóng, khi đón gạch không trúng là chuyện thường, rồi xách được mấy xô vữa là mỏi nhừ tay. Đêm đến ê ẩm hết cả người, cứ nằm đấm bóp rồi mệt quá ngủ lúc nào không biết. Nhưng bây giờ, tôi quen rồi, thấy công việc cũng không còn nặng nhọc, nhiều khi chuyền gạch lên trên cho các anh thợ mà cứ như mình đang chơi trò tung hứng của trẻ con ấy. Nó đã trở thành cái nghề của mình rồi, phải yêu lấy nó”, chị Trang tâm sự.
Dù đã quen với công việc, nhưng những hôm trời nắng gay gắt, chị Trang nhanh đuối sức và đau đầu. Đôi lần, chị cũng định nghỉ việc về quê, nhưng rồi về được vài hôm, chị lại tìm lên thành phố.
Nói về công việc của nữ phụ xây, anh Tuấn (Hà Nam), chủ thầu công trình tư nhân chia sẻ: “Nghề này đối với đàn ông đã vất vả rồi, huống chi là phụ nữ. Trong cánh thợ mà có người phụ xây là nữ, thì tôi yên tâm giao bếp núc, chứ cả cánh đàn ông với nhau thì ai lo cơm nước, chợ búa”.
Hiểm nguy rình rập
Khác với chị Trang, chị Nguyễn Thị Giang (Phúc Thọ, Hà Nội) không ở lại trong lán của thợ mà chị sáng đi tối về.
“Nghề này có không ít nguy hiểm rình rập, lúc thì chẳng may giẫm phải đinh, rồi xước tay, xước chân. Có khi làm không cẩn thận, đi đứng không vững chãi chẳng may ngã cái, nhẹ thì bong gân, nặng thì gãy tay, gãy chân... Sợ nhất là phải tời cát, sỏi rồi gạch lên các tầng cao. Mình không cẩn thận là ngã ngay, mất mạng như chơi”, chị Giang nói.
Nơi ở của họ là trong những lán trại được dựng tạm bợ. |
Tuy vậy, không hề có hợp đồng lao động, không có bảo hiểm nên khi xảy ra tai nạn nghề nghiệp, chị phải tự bỏ tiền ra mua thuốc. Trang phục của chị không có gì ngoài chiếc quần cũ kỹ, khoác lên người mấy lớp áo, chiếc áo dày nhất mặc ở ngoài, chân đi ủng nhựa, đầu đội nón lá và thêm chiếc khăn lúc nào cũng bịt kín để tránh nắng, tránh bụi.
Còn chị Ngô Thị Hạnh (Bắc Ninh) kể: “Làm nghề này vất vả mà hay bị điều tiếng. Bởi cả đám thợ chỉ có một người phụ nữ. Đêm đến ở trong lán, cánh đàn ông xa vợ nhiều người cũng sinh hư, phụ nữ mà yếu lòng thì rất dễ sa ngã.
Trước tôi có quen một cô gái 19 tuổi, cô ấy bị một anh thợ chính tán tỉnh, dù biết người này đã có vợ và 3 con nhưng vẫn cứ đắm đuối. Rồi cô gái có thai, để giấu mọi người cô ấy dùng khăn buộc bụng lại. Đến tháng sinh, do bụng đã to, không giấu được nên cô ấy nghỉ làm về quê. Nghe đâu sau khi cô ấy sinh con, anh thợ chính chối bỏ trách nhiệm. Bố mẹ cô ấy đã đem đứa bé đi cho người ta nhận làm con nuôi”.
Chị Nguyễn Thị Bẩy (Nam Định) cho biết: “Đi làm xa chồng, xa con nên việc thỉnh thoảng các anh thợ trêu ghẹo, câu ra câu vào là chuyện thường. Những câu bóng gió, tán tỉnh đó, ban đầu tôi cũng ngại lắm, nhưng vì phải mưu sinh, đành thích nghi, lâu dần cũng thành quen mà bỏ ngoài tai”.
Chị Bẩy bảo, nhiều khi những lời tán tỉnh chỉ là bông đùa chứ cũng chẳng có ý gì, nhưng người ngoài không hiểu lại xì xèo, người nọ truyền người kia. Nhiều khi nữ phụ xây còn bị đánh ghen oan uổng, nguyên nhân cũng do nghi ngờ vô cớ, tưởng chồng bồ bịch, “tòm tem” với nữ phụ xây, chuyện đó không phải hiếm.
Không kiên định, không ý chí, nhiều người đã sa vào những cuộc tình chớp nhoáng. Rồi những viễn cảnh xấu sẵn sàng xảy ra với những mảnh đời nữ phụ xây. Chị Bẩy thừa nhận: Nhiều nữ phụ xây mới vào nghề bị trêu chọc, gạ tình nếu không kiên định rất dễ sa ngã.
Công việc nặng nhọc, nguy hiểm như vậy nhưng gánh nặng gia đình không cho phép những người phụ nữ này bỏ cuộc. Họ luôn chăm chỉ từ sáng sớm đến tối, nỗ lực hết mình, dù cho có vất vả thì họ coi công việc đó như cái nghiệp của mình mà chẳng thể bỏ và dù khổ cực họ cũng cố vượt qua để con cái được học hành, có một công việc nhẹ nhàng ổn định, cuộc sống tươi sáng hơn cuộc đời họ.
Phong Linh