Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Nóng: Ukraine chuẩn bị gửi Mỹ danh sách các mục tiêu trên lãnh thổ Nga mà Kiev muốn tấn công?

  • Mộc Miên
(DS&PL) -

Danh sách sắp được gửi đi như một nỗ lực cuối cùng để Ukraine thuyết phục Mỹ dỡ bỏ các hạn chế đối với việc sử dụng vũ khí trong khu vực lãnh thổ Nga.

Mỹ là quốc gia viện trợ quân sự lớn nhất cho Ukraine kể từ khi xung đột giữa Nga và Ukraine nổ ra hồi tháng 2/2022. ATACMS tầm xa của Mỹ được chuyển cho Kiev từ đầu năm nay, nhưng Ukraine chỉ được phép sử dụng chúng để tấn công các mục tiêu trong lãnh thổ, và bán đảo Crưm mà Moscow đang kiểm soát, chứ không phải trên lãnh thổ Nga.

Bình luận về cuộc đột kích gần đây của Ukraine vào vùng biên giới Kursk của Nga, Washington khẳng định hoạt động này không vi phạm các quy định mà Washington đề ra trong chính sách viện trợ quân sự cho Ukraine.

ATACMS là tên viết tắt của Hệ thống tên lửa chiến thuật lục quân của Mỹ, có tầm bắn lên đến 300 km. Ảnh: Yonhap

Cố vấn cấp cao của Tổng thống Ukraine tới Mỹ

Tối 26/8, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết, một trong những lý do khiến quân đội nước này tấn công tỉnh Kursk của Nga là nhằm bù đắp cho sự thiếu hụt tên lửa tầm xa.

"Sự hiện diện của quân đội Ukraine tại tỉnh Kursk và những nỗ lực của chúng tôi nhằm loại bỏ mối đe dọa của Nga trên chính lãnh thổ của họ cũng là một cách để bù đắp cho sự thiếu hụt vũ khí tầm xa", ông Zelensky nói.

Theo Politico, giới chức Ukraine chuẩn bị gửi cho các quan chức an ninh cấp cao của Mỹ danh sách các mục tiêu ở Nga mà quân đội của Kiev có thể tấn công nếu Washington dỡ bỏ các hạn chế đối với vũ khí do Mỹ cung cấp.

Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Rustem Umerov và Cố vấn cấp cao của Tổng thống Volodymyr Zelensky, ông Andriy Yermak sẽ tới Washington trong tuần này và gửi danh sách nói trên lên chính quyền Mỹ.

Danh sách này như một nỗ lực cuối cùng để Ukraine thuyết phục Washington dỡ bỏ các hạn chế đối với việc sử dụng vũ khí do Mỹ cung cấp bên trong lãnh thổ Nga.

Mặc dù trước đây Ukraine từng cung cấp cho Mỹ một số mục tiêu tiềm năng ở Nga, nhưng danh sách mới được cho là có điều chỉnh và bổ sung nhiều hơn. Kiev hy vọng danh sách này sẽ giúp họ thuyết phục chính quyền của Tổng thống Joe Biden thay đổi quyết định.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Ảnh: Reuters

Ủng hộ mong muốn của Ukraine, theo Kyiv Independent, ông Josep Borrell, Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) về chính sách đối ngoại và an ninh, đã kêu gọi dỡ bỏ lệnh cấm Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa của phương Tây để tấn công các mục tiêu quân sự của Nga hôm 26/8.

Đây không phải lần đầu ông Borrell kêu gọi điều này. Ông Borrell cho rằng việc dỡ bỏ các hạn chế "theo luật pháp quốc tế" sẽ tăng cường khả năng tự vệ của Ukraine, giảm bớt sự tàn phá ở đất nước này.

Mỹ có khả năng thay đổi quyết định?

Từ nhiều tháng qua, Mỹ nói rằng việc dỡ bỏ các hạn chế sẽ không tạo ra khác biệt về mặt chiến lược trong cuộc xung đột hiện nay vì Nga đã di chuyển các mục tiêu quan trọng nhất, bao gồm cả máy bay tới các khu vực cách xa biên giới và nằm ngoài tầm tấn công.

Trong khi cuộc đột kích vào Kursk gia tăng sức ép lên Washington nhằm thay đổi diễn biến xung đột thì các tuyên bố công khai từ các quan chức Mỹ cho thấy lập trường này không có dấu hiệu thay đổi trong tương lai gần.

"Vào tháng 5, chúng tôi đã cho phép Ukraine sử dụng vũ khí do Mỹ cung cấp để tự vệ trước các các cuộc tấn công dọc biên giới. Tuy nhiên, Ukraine chỉ có thể sử dụng các tên lửa tầm xa do Mỹ cung cấp trong lãnh thổ của họ. Đây sẽ tiếp tục là chính sách của chúng tôi và nó sẽ không thay đổi cả trong chiến dịch quân sự của Ukraine vào Kursk", Người phát ngôn Văn phòng Bộ trưởng Quốc phòng cho hay.

Tên lửa SM-6 khai hỏa từ tàu chiến. Ảnh: RAYTHEON

Tuy nhiên, theo một số nhà lập pháp và quan chức Ukraine, đã có những dấu hiệu cho thấy một số quan chức chính quyền Biden đang cân nhắc dỡ bỏ các hạn chế trong những ngày tới. Một nghị sĩ đảng Dân chủ cho biết chính quyền đang xem xét yêu cầu của Kiev.

Trong khi đó, Nhà Trắng chưa cho biết họ có đang cân nhắc thay đổi chính sách hay không.

Ngoài Mỹ, Anh cũng là quốc gia từ chối cho phép Ukraine sử dụng các tên lửa trên để tấn công vào lãnh thổ Nga.

Trao đổi với Breaking Defense, Người phát ngôn Chính phủ Anh cho biết: "Hiện chưa có sự thay đổi trong lập trường của Anh. Chúng tôi đang cung cấp sự hỗ trợ quân sự để giúp Ukraine tự vệ trước các cuộc tấn công bất hợp pháp của Nga. Chúng tôi đã khẳng định rõ, các trang thiết bị do Anh cung cấp được sử dụng cho hoạt động phòng thủ của Ukraine".

Quân đội Ukraine trong tuần này xác nhận sử dụng một số loại vũ khí do Mỹ viện trợ cho chiến dịch đột kích Kursk, trong đó có hệ thống pháo HIMARS, bom lượn GBU-39. Kiev đang kêu gọi Mỹ và các đồng minh cung cấp vũ khí tầm xa để xoay chuyển cục diện chiến sự.

Nga cho rằng Mỹ và các đồng minh phương Tây đã "bật đèn xanh" cho chiến dịch đột kích của Ukraine. Tuy nhiên, giới chức phương Tây khẳng định Kiev giữ bí mật về kế hoạch đột kích đến phút chót.

Tin nổi bật