Dịch Covid-19 gây tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế trên phạm vi toàn quốc và làm "đóng băng" ngành sản xuất. Điều này thôi thúc chuyển đổi số và tạo ra nhiều đột phá tạo trong việc sản xuất thông minh. Nhiều doanh nghiệp phải tìm hướng đi mới, áp dụng chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất.
Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) phối hợp cùng Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh (ITPC) và Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM) phối hợp tổ chức tọa đàm Giải pháp cho doanh nghiệp xuất khẩu trong tiến trình chuyển đổi số nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp xuất khẩu dưới tác động của đại dịch Covid-19 cũng như hiểu được các vấn đề rủi ro pháp lý và phương thức giải quyết tranh chấp khi áp dụng chuyển đổi số.
Phát biểu tại toạ đàm, ông Châu Việt Bắc - Phó Tổng thư ký VIAC cho biết, thương mại điện tử xuyên biên giới năm 2021 tăng 25,7% so với năm 2020. Các giao dịch mua bán hàng hóa xuất nhập khẩu truyền thống dần thay thế bằng website, sàn thương mại điện tử...
"Các hợp đồng dùng chữ ký điện tử cũng tăng 17% so với khi chưa có dịch Covid-19. Việc chuyển đổi số kịp thời sẽ giúp doanh nghiệp duy trì các hoạt động mà không bị gián đoạn bởi dịch", ông nói.
Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi số hiệu quả phải có chiến lược, hành động hợp lý, đặc biệt chú ý cơ chế pháp lý để vận hành.
Việt Nam có nhiều cơ hội để chuyển đổi số trong doanh nghiệp
Ông Nguyễn Ngọc Dũng - Phó Chủ tịch VECOM nhận định thời điểm này tạo nhiều cơ hội để doanh nghiệp đẩy nhanh quá trình số hóa trong mua bán, sản xuất.
Ông Nguyễn Ngọc Dũng - Phó Chủ tịch VECOM nhận định Việt Nam có nhiều cơ hội để chuyển đổi số trong doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Ngọc Dũng cho biết, xu hướng tỉ trọng thương mại điện tử xuyên biên giới toàn cầu từ năm 2014-2020 đã tăng từ 17% lên đến 41%. Giao dịch thương mại điện tử xuyên biên giới toàn cầu năm 2021 đến nay ước tính đạt 1.250 tỷ USD. Hành vi mua sắm có sự dịch chuyển mạnh mẽ từ ngoại tuyến sang trực tuyến tại nhiều thị trường trên thế giới, nổi bật nhất là Mỹ, Anh, Đức.
Theo ông đánh giá, các sàn thương mại điện tử Việt Nam đang dần phát triển, có nhiều sản phẩm giá trị cao được chào bán như xe hơi, thiết bị điện tử, công nghệ... Điều đó chứng tỏ thương mại điện tử đang từng bước xây dựng lòng tin để người dân mua sắm trực tuyến.
Sàn thương mại điện tử lớn của thế giới như Amazon cũng đã đầu tư vào Việt Nam và hỗ trợ Việt Nam, sử dụng tên miền tiếng Việt, ngôn ngữ tiếng Việt. Điều này cho thấy thị trường Việt Nam có tiềm năng phát triển. Nhiều sản phẩm của Việt Nam được ưa chuộng và bán chạy trên Amazon như đồ dùng nhà bếp, các sản phẩm truyền thống...
Tại Việt Nam, VECOM không chỉ chú trọng đến chuyển đổi số ở các thành phố lớn mà việc phát triển thương mại điện tử tại địa phương cũng đặc biệt được quan tâm.
Việt Nam đã đưa dừa Bến Tre lên Lazada, sen Đồng Tháp lên Tiki. Ba hợp tác xã Thanh long sạch Bình Thuận cũng đã chuyển đổi số. Ban đầu, họ không nghĩ bán được thanh long khi livestream nhưng sau khi tập huấn và áp dụng, họ bắt đầu có các đơn hàng cả trong nước và nước ngoài.
Các phiên chợ online cũng được triển khai ở nhiều tỉnh thành với các sản phẩm được VECOM kiểm định chất lượng. Dự án tạp hóa số cũng đã ra mắt từ ngày 30/7. Ông cũng cho biết, sắp tới sẽ triển khai thêm Sàn du lịch trực tuyến Bà Rịa - Vũng Tàu.
Theo thống kê của VECOM, Tp.HCM, Tp.Hà Nội, Tp.Đà Nẵng là những nơi phát triển thương mại điện tử mạnh nhất; thấp nhất là Thái Bình, An Giang.
TS.Nguyễn Tuấn Hoa - Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cho biết, doanh nghiệp muốn chuyển đổi số để xuất khẩu cần biết cách tiếp cận và có những giải pháp hợp lý.
Theo ông Hoa, 2 yêu cầu lớn phải đạt là phải có hệ thống truy xuất nguồn gốc hàng hóa và duy trì chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm.
Ông Nguyễn Tuấn Hoa cho biết, quy trình sản xuất kinh doanh hiện tại chủ yếu là sản xuất thủ công, năng suất lao động thấp, tiêu hao nguyên liệu và năng lượng, gây ô nhiễm môi trường. Quy trình sản xuất hướng đến thời gian tới là sản xuất tự động thông minh, năng suất lao động cao, tiêu hao ít nguyên liệu và năng lượng, đặc biệt phải nâng cao trải nghiệm của khách hàng.
Để làm được điều này phải có các nền tảng số để phát triển các hệ thống vật lý - số, hạ tầng số, chính sách số, nhân lực số...
"Chuyển đổi số là cuộc cách mạng trong từng doanh nghiệp. Cần phải có lãnh đạo đi tiên phong, liên kết được nhiều chuyên gia, phát triển các phương thức sản xuất mới, tích hợp các giải pháp công nghệ và có hệ thống quản lý dữ liệu", chuyên gia nhận định.
"Sắp tới Chính phủ sẽ ban hành Chiến lược quốc gia về phát triển nền kinh tế số và xã hội số. Trong chiến lược, có kế hoạch phát triển đội ngũ tư vấn chuyển đổi số, tham mưu cho tất cả các ngành, nghề", ông nói thêm.
Nông sản được giao dịch trên sàn thương mại điện tử.
Lưu ý rủi ro khi giao dịch thương mại điện tử
Ông Nguyễn Trung Nam - Giám đốc điều hành Công ty Luật TNHH Cộng sự Tinh tú (EP Legal), Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cho biết có nhiều bất cập tiềm ẩn rủi ro trong hoạt động thương mại với yếu tố số hóa.
Cụ thể, đó là rủi ro về xác định danh tính. Việc xác minh danh tính của đối tác không dễ dàng và có thể dẫn đến những hành vi phạm pháp như rửa tiền, làm giả giấy tờ.
"Ngoài ra, thu thập chứng cứ khi có tranh chấp cũng khó khăn. Dữ liệu có thể khó truy cập hoặc không thể truy cập. Ngoài ra, có thể bị xóa, ghi đè, mã hóa hoặc bị ẩn", ông nói.
Theo ông Nguyễn Trung Nam, giao dịch thương mại điện tử cần lưu ý xác thực danh tính điện tử và tìm hiểu thông tin về sàn thương mại sẽ xuất khẩu hàng hóa sang. Bên cạnh đó, cần lưu ý về các thủ tục hải quan và thuế. Ngoài ra, cần lưu ý các quy định riêng của mỗi sàn thương mại điện tử.
"Người bán và người mua gần như không quen biết, chưa kể những khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ, thói quen thanh toán, luật quốc tế... Khi ấy, vai trò trung gian của sàn thương mại điện tử rất quan trọng", ông cho hay.
Thu Thảo
Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số thứ Hai (158)