Ngày 26/11, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đặt lại tên cho biến thể mới B.1.1.529 của virus SARS-CoV-2 là Omicron, đồng thời tuyên bố đây là biến thể đáng quan ngại.
Trong cuộc họp khẩn hôm qua, Tổ chức Y tế thế giới cho biết sẽ mất vài tuần để đánh giá tác động của biến thể mới. Đến nay, người nhiễm biến chủng B.1.1.529 bên ngoài châu Phi đã được ghi nhận ở Israel, Bỉ và Hong Kong (Trung Quốc).
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân ở thành phố Midrand, Nam Phi, hồi tháng 1. Ảnh: Reuters
Ngay sau khi thông tin về biến chủng B.1.1.529 được WHO xác nhận, chính phủ hàng loạt quốc gia, từ châu Âu tới châu Á, đã siết chặt các biện pháp phòng dịch, đóng cửa biên giới với người đến từ các nước miền Nam châu Phi.
Tối 26/11, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen chính thức khuyến cáo các nước thành viên nên đình chỉ chuyến bay từ khu vực miền nam châu Âu cho tới có thêm thông tin về nguy cơ mà biến chủng B.1.1.529 mang lại.
"Những người trở về từ khu vực này cần tôn trọng quy định cách ly nghiêm ngặt", bà Leyen nói.
Đến nay, 8 nước trong khối đã hành động như vậy, gồm Anh, Áo, Czech, Đan Mạch, Đức, Italy, Hà Lan, Tây Ban Nha, theo Reuters.
Mỹ và Canada cũng siết hạn chế đi lại từ khu vực, các biện pháp của Mỹ sẽ có hiệu lực từ ngày 29/11. Nhật Bản thông báo yêu cầu cách ly 10 ngày đối với những người đến từ phía nam châu Phi. Philippines đình chỉ các chuyến bay, còn Arab Saudi, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Jordan và Maroc cũng áp lệnh cấm đi lại.
Các quốc gia chịu ảnh hưởng của lệnh cấm bao gồm Nam Phi, Botswana, Eswatini (Swaziland), Lesotho, Namibia, Zambia, Mozambique, Malawi và Zimbabwe. Bộ Y tế Nam Phi gọi động thái gấp rút áp đặt các lệnh cấm đi lại là "hà khắc".
Brazil sau đó cũng tuyên bố đóng biên với người đến từ 6 quốc gia trên bắt đầu từ ngày 29/11. Chính phủ Australia được cho là sẽ thông báo biện pháp hạn chế đi lại mới vào cuối ngày hôm nay.
Nếu được WHO xếp vào nhóm "đáng lo ngại", biến chủng B.1.1.529 sẽ đứng chung nhóm với biến chủng nguy hiểm nhất hiện nay là Delta.
Một biến chủng trở thành biến chủng đáng lo ngại (VOC) khi những biến đổi về bộ gene của virus mang ý nghĩa lâm sàng hoặc có những yếu tố sau: khả năng lây truyền tăng; độc lực (mức độ nghiêm trọng của bệnh) tăng; thay đổi hiệu quả vaccine (giảm hiệu quả); thay đổi hiệu quả chẩn đoán (phương pháp chẩn đoán hiện tại không còn hiệu quả)...
Các nhà khoa học Anh và Nam Phi cảnh báo biến chủng mới có khả năng xóa sạch những thành tựu tiêm chủng mà nhân loại đạt được trong 11 tháng vừa qua.
"Điều đáng lo ngại là khi virus có quá nhiều đột biến, hành vi của virus có thể sẽ thay đổi", Maria Van Kerkhove, một chuyên gia hàng đầu của WHO về COVID-19, cảnh báo.
Chuyên gia y tế trường đại học Columbia Salim Abdool Karim nhấn mạnh: “Khi biến thể Delta xuất hiện, chỉ trong một thời gian ngắn đã xuất hiện tại 53 quốc gia. Những biến thể mới lây lan khá nhanh và điều này cần sự phối hợp trên quy mô toàn cầu. Chúng ta phải cùng nhau tìm ra giải pháp cho biến thể này. Và một phần của điều đó là không phản ứng thái quá vì điều đó không thể giải quyết vấn đề”.
Mộc Miên (T/h)