Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Nguồn gốc, ý nghĩa và những điều cần biết về Rằm tháng 7

  • Như Quỳnh
(DS&PL) -

Rằm tháng 7 Âm lịch là ngày còn được gọi là Lễ Vu Lan là một trong những dịp lễ Tết quan trọng của người Việt. Đây là một trong các ngày lễ lớn của đạo Phật nhằm tưởng nhớ, báo ân, báo hiếu công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ, tổ tiên.

Rằm tháng 7 là ngày gì?

Trong tâm thức người Việt Nam, Rằm tháng 7 là ngày rằm quan trọng bậc nhất trong năm, được biết đến là ngày xá tội vong nhân.

Theo sách "Văn khấn cổ truyền Việt Nam" của tác giả Thích Thanh Duệ, người xưa cho rằng, ngày Rằm tháng 7 hàng năm, mọi tội nhân cõi Âm, trong đó có những vong linh của gia đình, họ tộc mình đang bị giam cầm nơi địa ngục được xá tội và ra khỏi âm phủ lên dương gian.

Vào đầu tháng 7, cửa địa ngục mở ra cho các cô hồn bị chết oan, chết bất đắc kỳ tử hay chết mà không có người thân thờ cúng… sẽ được lên dương thế để thọ hưởng sự cúng tế và nhận đồ thế chấp của người trần gian, cũng như tìm người thế mạng.

Người trần gian muốn tránh các cô hồn phá rối hay làm hại tính mạng của mình nên vào ngày rằm tháng 7 họ làm lễ bày các vật phẩm, đồ ăn thức uống và những loại vàng mã, hình nộm để cúng các cô hồn. Trước là cho cô hồn ăn uống, sau là cầu mong cô hồn đừng làm hại mình.

Ngoài ra, ông bà ta quan niệm rằng, để tưởng nhớ ông bà tổ tiên, các gia đình thường làm một mâm cỗ mặn, tiền vàng và một số món đồ hàng mã để dâng lên bàn thờ tổ tiên vào ngày 14 hay đúng Rằm tháng 7 (15/7 Âm lịch).

Tại Việt Nam, việc cúng Rằm tháng 7 thường được cúng ở chùa (thờ Phật) trước, rồi mới đến cúng tại gia. Lễ này thường được làm vào ban ngày, tránh làm vào ban đêm, khi mặt Trời đã lặn.

Rằm tháng 7 (hay còn có tên gọi khác là lễ Vu Lan) còn là ngày lễ để con cái báo đáp công ơn sinh thành của cha mẹ, tìm về cội nguồn yêu thương, là một trong những ngày lễ chính của Phật giáo. Theo truyền thống lâu đời của người Việt Nam, lễ này thường được tổ chức vào ngày rằm tháng 7 Âm lịch hằng năm và được người dân khá coi trọng.

Rằm tháng 7 (hay còn có tên gọi khác là lễ Vu Lan) còn là ngày lễ để con cái báo đáp công ơn sinh thành của cha mẹ.

Nguồn gốc lễ Vu lan

Theo quan niệm của Phật giáo Rằm tháng 7 gắn với lễ Vu lan, xuất phát từ sự tích về Đại đức Mục Kiền Liên (một trong hai đại đệ tử của Phật Thích Ca) cứu mẹ thoát khỏi kiếp ngạ quỷ.

Kinh Vu lan chép rằng Mục Kiền Liên đã tu luyện thành công nhiều phép thần thông đến mức có thể dùng mắt thần nhìn khắp trời đất, ngài thấy mẹ mình đã mất đang ở cõi địa ngục, bị đọa đày và đói khát khổ sở.

Với lòng hiếu thảo của mình Mục Kiền Liên đã đem cơm xuống tận địa ngục để dâng mẹ, tuy nhiên do đói lâu ngày nên khi ăn mẹ ông đã dùng một tay che bát cơm của mình, không cho các cô hồn khác đến tranh cướp, vì vậy khi thức ăn đưa lên miệng đã hóa thành lửa đỏ.

Thấy vậy Mục Kiền Liên liền quay về tìm Phật để hỏi cách cứu mẹ, Phật dạy rằng: Dù ông thần thông quảng đại đến đâu cũng không đủ sức cứu được mẹ, chỉ có cách nhờ hợp lực của chư tăng khắp mười phương mới mong giải cứu được.

Ngày Rằm tháng 7 là ngày thích hợp để cung thỉnh chư tăng, hãy sắm sửa lễ cúng vào ngày đó. Làm theo lời Phật, Mục Kiền Liên đã giải thoát cho mẹ. Phật cũng dạy là: Chúng sinh ai muốn báo hiếu cho cha mẹ cũng nên làm theo cách này. Từ đó, ngày lễ Vu lan ra đời.

Ý nghĩa ngày lễ Vu Lan

"Vu lan" là cách viết tắt của "Vu lan bồn", tiếng Phạn là "Ullambana". Trong đó, Ullam dịch là "treo ngược" (đảo huyền), ví cho sự thống khổ của người chết như bị treo ngược; chữ "bồn" tiếng Phạn là "bana" tạm dịch là "cứu giúp".

Như vậy chúng ta có thể hiểu từ "Vu lan bồn" có nghĩa là giải cứu người bị tội thống khổ tột cùng. Còn "báo hiếu", là sự báo đáp, đền đáp công đức sinh thành dưỡng dục của người con đối với cha mẹ. Từ đó có những hành động sống tích cực và thiết thực, điều chỉnh hành vi của bản thân đối với mẹ, cha sao cho xứng đáng với tình thương, công ơn của đấng sinh thành.

Lễ Vu lan hay còn gọi là lễ báo hiếu, là một trong các ngày lễ lớn của đạo Phật nhằm tưởng nhớ, báo ân, báo hiếu công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ, tổ tiên. Qua hàng ngàn năm với ý nghĩa đầy nhân văn, giờ đây lễ Vu lan không chỉ là ngày lễ của Phật giáo mà trở thành ngày lễ báo hiếu của tất cả người dân Việt Nam.

Vào ngày lễ Vu Lan, những ai còn đủ mẹ, cha sẽ được cài lên ngực áo hoa hồng đỏ, những ai không may mất đi mẹ, cha thì cài lên ngực hoa hồng trắng.

Vào ngày lễ Vu Lan, những ai còn đủ mẹ, cha sẽ được cài lên ngực áo hoa hồng đỏ, nhắc nhớ phải biết trân quý sự hiện diện và đồng hành của đấng sinh thành trong hành trình của mỗi người. Những ai không may mất đi mẹ, cha thì cài lên ngực hoa hồng trắng buồn thương, như nhắc nhớ về những thời khắc thiếu vắng bóng hình mẹ, cha.

Màu trắng tuy tang thương nhưng thanh khiết như động viên người con thảo hãy sống thật tốt dù đấng sinh thành vắng bóng, mỗi người con đều là một bản sao của cha mẹ vì vậy hãy sống tiếp, sống thật hạnh phúc, phát huy những bài học, những hành trang mà cha mẹ đã để lại.

Lễ Vu lan diễn ra vào ngày Rằm tháng 7 Âm lịch hàng năm, trùng với ngày Xá tội vong nhân của phong tục Á Đông. Vu lan là ngày để báo ân, báo hiếu cha mẹ, tổ tiên của cả kiếp này và cả những kiếp trước.

Năm 2023, lễ Vu lan rơi vào thứ 4, ngày 30 tháng 8 Dương lịch.

Như Quỳnh (T/h)

Tin nổi bật