Rằm tháng 7 âm lịch là ngày lễ Vu Lan – đại lễ báo hiếu tổ tiên, ông bà, cha mẹ, thể hiện tấm lòng "ăn quả nhớ kẻ trồng cây". Ngoài ra, đây cũng là ngày xá tội vong nhân mà dân gian gọi nôm na là ngày cúng chúng sinh. Lễ cúng rằm tháng 7 thường gồm cúng Phật, cúng thần linh và gia tiên, cúng chúng sinh.
Lễ cúng Phật
Theo giáo lý nhà Phật, lễ cúng không quan trọng ở mâm cao cỗ đầy mà cốt ở lòng thành của mỗi người. Lễ cúng Phật cần được đặt ở nơi cao nhất trên ban thờ. Nếu sử dụng hoa tươi thì nên chọn hoa sen, hoa huệ, hoa mẫu đơn, hoa ngâu…, tránh dùng các loại hoa tạp, hoa dại.
Với mâm cúng Phật, gia đình chỉ cần chuẩn bị một mâm cơm chay hoặc mâm ngũ quả đơn giải để cúng Phật. Chú ý, nên cúng vào buổi sáng. Sau khi cúng, mâm cúng Phật thường sẽ được gia đình thụ lộc ngay tại nhà.
Lễ cúng thần linh và gia tiên
Lễ cúng thần linh và gia tiên thường đặt dưới lễ cúng Phật. Các gia đình nên chuẩn bị mâm cúng tươm tất, các món ăn tươi sạch, thể hiện cho lòng thành kính, biết ơn tổ tiên. Cúng thần linh thường là gà trống để nguyên con và xôi hoặc bánh chưng bóc hết lá nhưng không cắt thành miếng. Bên cạnh đó còn có rượu, chè, trái cây và bình hoa tươi.
Trong khi đó, mâm cúng gia tiên thường là mâm cỗ mặn hoặc chay với các món như gà luộc, đĩa xào, canh, nem, xôi.... Mọi người cũng có thể làm thêm món nộm hoa chuối hoặc nộm rau thập cẩm.
Các gia đình có thể chuẩn bị thêm cả tiền vàng và những vật dụng dành cho người cõi âm được làm bằng giấy như quần áo, giày dép, xe cộ… để những người đã khuất có một cuộc sống đầy đủ, tiện nghi như ở cõi dương.
Lễ cúng chúng sinh
Đây là lễ cúng dành cho những cô hồn thất thế, sa cơ lỡ vận, không nhà cửa hay nơi nương tựa. Lễ cúng chúng sinh nên được thực hiện ngoài trời hoặc trước cửa chính ngôi nhà, trước chiều tối ngày 14/7 hoặc 15/7 âm lịch.
Quan niệm xưa cho rằng lễ cúng chúng sinh không nên làm lễ mặn vì có thể khơi dậy tham, sân si. Mâm cúng chúng sinh thường gồm các lễ vật sau:
- Muối gạo (1 đĩa, sẽ được rắc ra vỉa hè hoặc sân nhà về bốn phương tám hướng sau khi cúng xong)
- Cháo trắng nấu loãng (12 chén nhỏ) hoặc cơm vắt (3 vắt)
- 12 cục đường thẻ
- Hoa quả, khoai lang, ngô, sắn luộc...
- Các loại bỏng ngô, bánh, kẹo (đều được bóc hết ra, sau khi cúng thì thả xuống sông bố thí cho loài thủy tộc)
- Tiền trần (là tiền thật, thường là tiền lẻ)
- 3 chung nước (hay 3 ly nhỏ ), 3 cây nhang và 2 ngọn nến nhỏ
- Mía (để nguyên vỏ và chặt tùng khúc nhỏ độ 15 cm)
- Giấy áo, giấy tiền vàng bạc. Trong đó, tiền vàng từ 15 lễ trở lên, quần áo chúng sinh từ 20 - 50 bộ.
* Thông tin trong bài chỉ mang tính chất tham khảo!
Đinh Kim (T/h)