Theo VietNamNet, năm tháng trước, nữ bệnh nhân có mụn ở vùng kín, đau nhức, sốt và đã đến bệnh viện ở Hà Nội trích mủ. Vài hôm sau, mụn lại xuất hiện cạnh vết thương cũ, sưng đỏ, sốt nên bà đến một bệnh viện khác để thăm khám. Bác sĩ đã chỉ định bệnh nhân nhập viện và phẫu thuật cắt lọc lấy hết mủ, dùng kháng sinh.
Mụn nhọt có thể xuất hiện ở những vị trí như vùng da âm hộ, vùng mu hoặc ở xung quanh âm hộ. Một vài trường hợp còn bị mụn nhọt ở các nếp gấp da ở vùng bẹn. Ảnh minh họa
Tuy nhiên, mụn tiếp tục xuất hiện và người phụ nữ này đã đi chữa rất nhiều nơi. Bệnh nhân có tinh thần hoảng loạn, lo mình mắc bệnh nan y. Khi tới Bệnh viện Bạch Mai, bác sĩ tìm ra nguyên nhân viêm mô tế bào, nhiễm khuẩn huyết do tụ cầu.
Trong quá trình điều trị, bệnh nhân bị kháng thuốc kháng sinh thông thường do sử dụng nhiều loại trước đó. Vì vậy, bác sĩ phải dùng liều kháng sinh trị được tụ cầu, cứu chữa cho nữ bệnh nhân.
Theo PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân nhiễm trùng do vi khuẩn kháng thuốc điều trị rất khó khăn, thời gian nằm viện lâu. Khi có biểu hiện bệnh dù chỉ là nốt mụn nhọt người dân không nên chủ quan, cần tới các cơ sở y tế có uy tín thăm khám và sử dụng thuốc theo đơn do bác sĩ kê, không tự ý mua và sử dụng thuốc cũ.
Mụn nhọt xuất hiện ở vùng âm hộ thường là nốt mụn sưng tấy, do vi khuẩn Staphylococcus aureus (tụ cầu khuẩn) gây nên. Mụn có chứa mủ, gây đau nhức. Một số trường hợp, mụn nhọt ở vùng kín xuất hiện là do vết cắt của dao cạo, lông mọc ngược,....
Mụn nhọt có thể xuất hiện ở những vị trí như vùng da âm hộ, vùng mu hoặc ở xung quanh âm hộ. Một vài trường hợp còn bị mụn nhọt ở các nếp gấp da ở vùng bẹn. Lúc ban đầu, các nốt nhọt này chỉ như một vết sưng nhỏ, có màu đỏ. Vài ngày sau đó, chúng sẽ sưng to, có mủ trắng - vàng và khiến bạn cảm thấy vô cùng đau nhức.
Hầu hết các trường hợp bị mụn nhọt ở vùng kín đều sẽ tự tiêu biến sau khoảng 1 đến 2 tuần nhưng cũng có những trường hợp cần đến sự can thiệp y tế do tình trạng viêm nặng. Việc điều trị sẽ giúp giảm đau nhức, phòng ngừa nhiễm trùng. Đối với những tình trạng nghiêm trọng hơn, bác sĩ sẽ tiến hành chích nhọt để dẫn lưu ổ nhiễm trùng.
Theo trang web Bệnh viện đa khoa MEDLATEC, mụn nhọt âm hộ thường do các vi khuẩn tụ cầu gây nên. Khi vi khuẩn xâm nhập vào trong vết thương hở ở vùng kín sẽ hình thành nên các nốt mụn nhọt có chứa dịch mủ.
Bên cạnh sự xâm nhập của các tụ cầu khuẩn thì mụn nhọt ở vùng kín còn vì những nguyên nhân sau đây:
Vệ sinh vùng kín sai cách, tạo điều kiện để vi khuẩn phát triển, tấn công và gây mụn nhọt.
Người bị đái tháo đường hoặc các bệnh lý khiến hệ miễn dịch yếu đi.
Người thừa cân, béo phì.
Mặc quần áo quá bó sát nên vùng kín bị cọ xát nhiều, gây tổn thương trên da.
Lông mọc ngược vào bên trong do cạo lông hoặc tẩy lông ở vùng kín.
Vết sưng do côn trùng cắn, mụn trứng cá hoặc vết thương hở ở vùng kín,...