Chia sẻ với phóng viên báo Người Đưa Tin, nhiều người dân sống tại "phố cà phê đường tàu" cho biết, họ muốn được cơ quan chức năng cho phép kinh doanh trở lại. Còn nếu vẫn kiên quyết giải tỏa, cấm kinh doanh thì nên có những phương án hỗ trợ hợp lý.
Mới đây, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia đã giao bộ GTVT và UBND TP Hà Nội xem xét, xử lý đơn kiến nghị của người dân tại "phố cà phê đường tàu" tại Hà Nội theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm tuyệt đối trật tự, an toàn giao thông đường sắt.
Đồng thời, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các cơ quan chức năng nghiên cứu giải pháp lâu dài thực hiện di dời, tái định cư các hộ sinh sống, kinh doanh trong khu vực hành lang ATGT đường sắt, bảo đảm tuân thủ quy định của Luật Đường sắt và ổn định đời sống, cũng như hoạt động kinh doanh lâu dài cho người dân.
Người dân mong muốn tiếp tục được kinh doanh
Chỉ đạo trên của Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã nhanh chóng nhận được sự hưởng ứng của phần lớn người dân sinh sống tại khu vực có đường tàu chạy qua. Sáng 7/11, phóng viên báo Người Đưa Tin đã có mặt tại khu vực "phố cà phê đường tàu" để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân về sự việc này.
Các biển báo cấm đi lại, quay phim, chụp ảnh bằng tiếng Việt và tiếng Anh đã được treo ngay đầu lối vào phố cà phê đường tàu. |
Chia sẻ với phóng viên, bà Nguyễn Thị Tý - Tổ phó tổ 22, phường Khâm Thiên, quận Đống Đa (Khu vực có đường sắt chạy qua) cho biết: "Bản thân tôi ủng hộ việc xử lý, dẹp bỏ các hộ kinh doanh nằm trong hành lang an toàn giao thông đường sắt để đảm bảo an toàn cho người dân và du khách nước ngoài, sớm trả lại nét đẹp yên bình vốn có cho các hộ dân tại đây.
Tôi cùng tổ dân phố thường xuyên phối hợp với công an phường đến từng hộ dân để tuyên truyền, vận động các hộ gia đình kí cam kết thực hiện đúng theo quy định của pháp luật, không kinh doanh trong phạm vi vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt".
Theo bà Tý, các hộ dân tại đây bắt đầu kinh doanh theo mô hình "cà phê đường tàu" từ 1 năm về trước, từ đó du khách nước ngoài kéo về đây uống cà phê, chụp ảnh ngày một đông khiến tình hình giao thông trở nên phức tạp. Cũng có trường hợp khách du lịch mải chụp ảnh, chưa kịp tìm chỗ tránh an toàn khi có đoàn tàu chạy qua nên đã xảy ra va chạm với đoàn tàu.
Là một hộ kinh doanh nước giải khát tại khu vực đường sắt chạy qua, bà Phạm Thị Hải Đường (phường Khâm Thiên, quận Đống Đa) chia sẻ: "Gia đình tôi chuyển về đây sinh sống từ những năm 1970 và gia đình mới mở quán bán nước phục vụ người dân, du khách được một thời gian. Do đó, tôi thấy được rõ những sự thay đổi của khu vực này, nhất là từ khi các hộ dân bắt đầu kinh doanh "cà phê đường tàu".
Tôi thấy mô hình kinh doanh này cũng đem lại khá nhiều lợi ích, vừa giúp người dân có thêm thu nhập, khu vực đường sắt sạch sẽ hơn và truyền tải nét đẹp văn hóa, hình ảnh con người Việt Nam thân thiện, hiếu khách tới các quốc gia trên thế giới. Ngược lại, việc kinh doanh cũng khiến tình hình giao thông trở nên phức tạp hơn do lượng du khách đổ về ngày càng đông".
Bà Đường cũng khẳng định: "Gia đình sẽ luôn tuân thủ theo quyết định của cơ quan chức năng kể cả việc kinh doanh này đem lại cho gia đình một khoản kinh tế nhất định. Chúng tôi chỉ hy vọng các cơ quan chức năng sẽ có phương án xử lý phù hợp nhất, nếu có thể thì tạo điều kiện xây dựng một phương án cụ thể để các hộ kinh doanh ở đây được tiếp tục hoạt động".
Phóng viên tiếp tục di chuyển đến khu Chắn 5 Trần Phú (Hà Nội), khu vực được gọi là "phố cà phê đường tàu" Phùng Hưng thu hút được rất đông du khách nước ngoài đến trải nghiệm "cảm giác mạnh" khi chứng kiến cảnh đoàn tàu chạy quá trước mặt mình. Tại đây, các hộ dân hầu như đều tỏ ra đồng tình cũng như muốn cơ quan, chính quyền các cấp, mở lại khu vực “phố cà phê đường tàu".
Chia sẻ với phóng viên, bà Nguyễn Thị H. (một hộ kinh doanh đồ ăn nhanh) tâm sự: "Bản thân tôi và rất nhiều hộ dân đang sinh sống tại "xóm đường tàu" rất mong muốn cơ quan, chính quyền các cấp đồng ý cho người dân mở lại khu vực "phố cà phê đường tàu". Bởi, từ khi hoạt động mô hình kinh doanh này cuộc sống của người dân được nâng lên rõ rệt, người dân có cơ hội cải thiện thu nhập, vừa an sinh vừa tạo được điểm nhấn cho du lịch Hà Nội và Việt Nam.
Chúng tôi cam kết sẽ tuân thủ hoạt động trong phạm vi an toàn tối thiểu cách 1,5m tính từ đường ray và chỉ hoạt động trong phạm vi nhà. Đồng thời, lắm đặt camera giám sát để giám sát người dân trong hoạt động kinh doanh".
Sẽ di dời nếu nhận được hỗ trợ
Bên cạnh những tâm tư, nguyện vọng về việc xử lý đối với những hộ kinh doanh "cà phê đường tàu", một vấn đề cũng được rất nhiều người dân quan tâm là việc di dời, tái định cư các hộ sinh sống, kinh doanh trong khu vực hành lang ATGT đường sắt. Đây cũng là bài toán nan giải đối với các cơ quan quản lý Nhà nước trong nhiều năm qua.
Chuyên gia giao thông, TS. Nguyễn Xuân Thủy cho rằng, di dời, tái định cư cho người dân sống trong hành lang ATGT đường sắt là vấn đề cốt lõi. |
Trao đổi với phóng viên, bà Phạm Thị Hải Đường (phường Khâm Thiên, quận Đống Đa) cho biết: "Đây không phải là lần đầu tiên người dân nhận được thông tin về việc sẽ tiến hành di dời, tái định cư các hộ sinh sống trong khu vực hành lang ATGT đường sắt. Đã có vài lần chính quyền xuống trực tiếp trao đổi với người dân về việc chuẩn bị di dời đến nơi ở mới nhưng đều dừng lại ở lý thuyết, còn thực tế là các hộ dân vẫn đang phải ngày đêm sống chung với đường tàu.
Chúng tôi cũng không hề muốn sống mãi trong cảnh người già thì mất ngủ, trẻ nhỏ thì nhét đầy bông ở tai hay bị giật mình mỗi khi có đoàn tàu chạy qua. Chỉ cần Nhà nước có phương án hỗ trợ, tái định cư phù hợp thì chúng tôi sẵn sàng chuyển đi bất cứ lúc nào có yêu cầu".
Cùng bàn luận về vấn đề này, vị đại diện bộ GTVT cũng cho biết, trước đây bộ cũng đã nhiều lần đưa ra xin ý kiến để xử lý đối với những hộ dân sinh sống trong khu vực hành lang ATGT đường sắt. Tuy nhiên, do vấp phải một số khó khăn trong việc giải tỏa, quy hoạch các công trình liên quan,... Nhiều trường hợp các hộ đã sinh sống tại đây trước khi đường tàu xuất hiện, một số khác do sự quản lý còn lỏng lẻo của chính quyền sở tại, cố tình lấn chiếm vào hành lang ATGT đường sắt nên đến thời điểm hiện tại vẫn chưa thể đưa ra phương án cụ thể.
Vị này cũng cho rằng: "Về lâu dài, để đảm bảo an toàn hành lang ATGT đường sắt cũng như an toàn của người dân thì chắc chắn sẽ phải di dời, giải tỏa các hộ dân trong phạm vi trên. Trước mắt, bộ GTVT cùng các đơn vị chức năng sẽ tiến hành tăng cường công tác kiểm giới, tuyên truyền, vận động người dân chấp hành nghiêm ATGT đường sắt đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm".
Theo chuyên gia giao thông, TS.Nguyễn Xuân Thủy cho rằng: "Việc xóa bỏ "phố cà phê đường tàu" là điều không ai mong muốn, nhất là đối với những hộ dân đang kinh doanh mô hình này. Tuy nhiên, tuân thủ theo quy định của pháp luật, đảm bảo an toàn cho người dân khi tham gia giao thông là việc trên hết, việc xóa bỏ "phố cà phê đường tàu" chỉ là công việc trước mắt để đảm bảo an toàn cho người dân, còn muốn xử lý triệt để vấn đề này thì cơ quan chức năng bắt buộc phải di dời, tái định cư cho các hộ dân sinh sống tại đây.
Dẫu biết đây là việc làm hết sức khó khăn, khi chúng ta chưa có thời cơ, điều kiện để thực hiện việc di dời người dân. Nhưng thiết nghĩ, tại sao chúng ta không nhân tiện việc Hà Nội dẹp bỏ "cà phê đường tàu" này để thực hiện luôn việc lên phương án di dời những hộ dân nằm trong hành lang ATGT đường sắt?
Nguyễn Lâm- Nguyễn Phong
Bài đăng trên báo in Đời sống & Pháp luật số 180